Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan
                                               tham quan các gian hàng bên lề hội nghị

Tham dự sự kiện có GS. TS. Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, TS. Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Chủ tịch nhóm phụ nữ cộng đồng ASEAN tại Hà Nội, bà Gail G. Mattson - Chủ tịch Mạng lưới quốc tế các nhà nữ khoa học và kỹ thuật – INWES, GS. TS. Chia-Li WU, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương – APNN. Ngoài ra còn có đại diện các nhà khoa học nữ tiêu biểu trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận định, thế giới đang đứng trước một cuộc cách mạng có thể làm thay đổi cơ bản cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau. Cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các quốc gia, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức, tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học nữ giữ một vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết định vào sự phát triển toàn diện, bền vững của mỗi quốc gia, mỗi khu vực và trên toàn cầu.

Với chủ đề “Nữ khoa học vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số”, Hội nghị đã chọn ba vấn đề quan trọng đang được đặc biệt quan tâm của nhiều nước trong khu vực, đó là: giới và bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ; dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; quản trị rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu và có các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ khoa học nữ. Đội ngũ nữ khoa học, trí thức đã từng bước trưởng thành. Nhiều phụ nữ có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, làm cơ sở hoạch định chính sách và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít khó khăn thách thức, nhất là những khoảng trống về giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Số phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực này còn ít, đòi hỏi sự cam kết nỗ lực hơn nữa của toàn xã hội. Tôi hy vọng những thảo luận sẽ khơi gợi những ý tưởng mới, những sáng kiến mới, nguồn cảm hứng mới để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Đồng thời, thúc đẩy hơn nữa sự tham gia, đóng góp của các nhà khoa học nữ đối với sự tăng trưởng và phát triển bền vững của các nền kinh tế trong kỷ nguyên số”, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết thêm.

Đánh giá cao mục tiêu của APNN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, phụ nữ có tiếng nói quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là lĩnh vực khoa học và công nghệ với những chủ đề như môi trường, phát triển bền vững, bình đẳng giới, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

“Việt Nam đang tích cực tìm các giải pháp để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với trí tuệ nhân tạo, kỷ nguyên số, tận dụng những thời cơ và giảm thiểu những thách thức mà cuộc cách mạng này mang đến”, ông Trần Văn Tùng cho hay.

Theo thống kê năm 2016, Việt Nam có tỉ lệ dân số nữ là 50,6%. Việt Nam cũng đã ban hành Luật Bình đẳng giới (năm 2006). Tỉ lệ nhà khoa học nữ ngày càng tăng, từ 41,6% (năm 2011) lên 44,9% (năm 2015). Vì vậy, sự đóng góp của phụ nữ nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng là vô cùng quan trọng và to lớn.

Theo ông Trần Văn Tùng, Việt Nam có nhiều nhà khoa học nữ xuất sắc. Tiêu biểu, bà Trần Hà Liên Phương và bà Nguyễn Thị Hiệp đã được nhận Giải thưởng quốc tế dành cho tài năng trẻ L’Oreal do UNESCO trao tặng năm 2015 và 2018. Chủ tịch tập đoàn sơn KOVA Nguyễn Thị Hòe đã tự nghiên cứu các loại sơn chống thấm, sơn nano từ vỏ trấu và trở thành doanh nghiệp lớn có nhà máy tại Singapore, Malaysia, Campuchia.

“Đây thực sự là những tấm gương khích lệ chị em dấn thân vào con đường khoa học. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị bỏ lại phía sau. Vì thế, vai trò của các nhà khoa học nữ là vô cùng quan trọng. Ngoài việc trực tiếp đóng góp cho hoạt động nghiên cứu và triển khai, các chị là những tấm gương khuyến khích chị em gái học các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học nhằm  thích ứng với sự thay đổi của xã hội", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

APNN là Mạng lưới các nhà khoa học nữ trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương được thành lập năm 2011 trực thuộc Mạng lưới quốc tế các nhà khoa học và kỹ thuật nữ. Cho đến nay, APNN có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia mạng lưới gồm: Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam…

Với nhiều hoạt động ý nghĩa, Hội nghị APNN được tổ chức thường niên nhằm tạo điều kiện cho các thành viên APNN trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực và vai trò của các nhà khoa học nữ trong phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị năm nay cũng là cơ hội để phụ nữ Việt Nam mở rộng hợp tác, đóng góp cho những hoạt động chung của APNN và quá trính hội nhập quốc tế của đất nước. Hội nghịcòn là cơ hội để giới thiệu, quảng bá đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.


Theo Thế giới và Việt Nam