Đạm Phương nữ sử tên thật là Công nữ Đồng Canh, tự Quý Lương, sinh năm Tân Tỵ (1881) tại phủ Tôn Nhơn, kinh đô Huế. Thân phụ bà là Nguyễn Miền Triện, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng, thụ tước Hoàng Hoá Quận Vương. Thời niên thiếu, bà được thụ hưởng nền giáo dục truyền thống nghiêm tức của hoàng tộc nhưng lại có người cha có đầu óc duy tân, nhờ vậy bà giỏi cả Hán văn, Pháp văn, quốc ngữ, cầm, kỳ, thi, hoạ và có kiến thức về tự do, dân chủ, nữ quyền từ rất sớm. Những kiến thức phong phú được rèn luyện trong suốt thuở thiếu thời đã chung đúc thành vốn văn hoá vững chắc, sâu rộng, tạo điều kiện cho Đạm Phương thành công trong sự nghiệp.

Chân dung bà Đạm Phương.

Năm 1897, khi 16 tuổi, Công nữ Đồng Canh xuất giá lấy ông Hàn Lâm viện Cung phụng Nguyễn Khoa Tùng, hậu duệ  đời thứ 6 của Nguyễn Khoa Chiêm, tác giả cuốn Nam triều công nghiệp diễn chí, tiểu thuyết lịch sử đầu tiên ở nước ta.

Ông bà sinh hạ được ba người con gái và ba người con trai, tất cả đều được rèn luyện trong nền giáo dục nghiêm cẩn. Ba người con trai của bà lần lượt ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp giải phóng dân tộc, trong đó có nhà lý luận mác xít tiền bối xuất sắc Hải Triều Nguyễn Khoa Văn.

Năm 1926, Đạm Phương nữ sử sáng lập Nữ công học hội Huế và trực tiếp làm hội trưởng. Đây là tổ chức phụ nữ phi chính phủ đầu tiên ở nước ta buộc chính quyền thực dân phong kiến thừa nhận. Hội thu hút nhiều hội viên từ ba miền Bắc, Trung, Nam tham gia sinh hoạt theo định kỳ.

Chương trình hoạt động của Hội rất phong phú, cụ thể và thiết thực. Tổ chức dạy chữ cho những hội viên chưa biết chữ; sau đó dạy chuyên đề nâng cao hiểu biết cho những hội viên đã biết chữ; sau cùng là dạy đại cương về giáo dục phụ nữ, dạy cách nấu ăn, dạy những nghề thông dụng để giúp chị em kiếm sống. Hội còn cung cấp tri thức và kinh nghiệm tổ chức gia đình, nuôi dạy con cái, đồng thời tạo điều kiện cho chị em làm quen với hoạt động tập thể, tiến tới tham gia công việc xã hội. Hội đã trở thành chỗ dựa cho phong trào nữ học sinh trường Đồng Khánh, trường Quốc học Huế bãi khoá.

Các bậc chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và các trí thức trẻ Đào Duy Anh, Đoàn Nồng, Nguyễn Lân rất hoan nghênh và nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động của Hội, góp phần vào thành công và nâng cao uy tín của Hội. Xu hướng tiến bộ của Nữ công học hội Huế dưới sự lãnh đạo của Đạm Phương nữ sử được dư luận, báo chí đánh giá cao và nhiệt tình cổ vũ. Ảnh hưởng của Hội lan truyền khắp cả nước, làm dấy lên phong trào hoạt động xã hội tích cực của phụ nữ ở các địa phương như Vinh, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Phòng, Hội An, Nha Trang, Sài Gòn, Gia Định, Cần Thơ...

Đạm Phương nữ sử và chồng, ông Nguyễn Khoa Tùng.

Về văn chương, bà là tác giả của hai tiểu thuyết Kim Tú Cầu và Hồng phấn tương tri do Nữ lưu thư quán Gò Công xuất bản. Tiểu thuyết đầu tay Kim Tú Cầu trước khi in thành sách năm 1928 đã được đăng trên hai tờ báo Lục tỉnh tân văn và Trung Bắc tân văn, là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên do một người phụ nữ viết. Ngoài ra, bà còn có nhiều tác phẩm khác viết về phụ nữ, nhiều bài khảo cứu và thơ đăng trên các báo, tạp chí khắp cả nước.

Đạm Phương cũng là một trung những nhà báo nữ đầu tiên của nước ta. Bà là cây bút nữ miền Trung đầu tiên cộng tác với báo chí Nam Kỳ, là cộng tác viên của báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, là một trong 4 nhà văn nữ trong ban biên tập của Nữ lưu thư quán do Phan Thị Bạch Vân thành lập năm 1928.

Trong lĩnh vực giáo dục, Đạm Phương là nhà giáo dục học tân tiến. Bà là nữ trí thức Việt Nam đầu tiên quan tâm đến việc dưỡng dục thế hệ trẻ thơ từ lúc lọt lòng mẹ đến khi tới trường. Trong cuốn Giáo dục nhi đồng xuất bản năm 1942, bà đã phê phán lề lối giáo dục lạc hậu, bất bình đẳng và đề xuất việc tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những quan điểm tiến bộ trên thế giới; trình bày những ý tưởng tốt đẹp và những kinh nghiệm quý báu về giáo dục nhi đồng trong gia đình, nhất là đối với các bà mẹ trẻ. Ngoài ra, bà còn có khá nhiều trước tác về giáo dục chưa được xuất bản như Nữ công thường thức, Gia đình giáo dục. Hằng trăm bài báo viết trong 10 năm từ 1919-1929 đều tập trung vào các chủ đề giáo dục như hướng dẫn phụ nữ cách sinh con, nuôn con, cách tổ chức gia đình theo đời sống mới.

Năm 1929, Đạm Phương bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam bởi hoạt động của bà đã gây ảnh hưởng to lớn đến phong trào yêu nước, bởi các con trai bà đều hoạt động trong các tổ chức cộng sản và yêu nước. Hai tháng sau, bà được thả nhưng bị thực dân Pháp giám sát chặt chẽ.

Bài báo đầu tiên của bà Đạm Phương đăng trên tạp chí Nam Phong.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, bà tản cư ra Thanh Hoá ở với gia đình con trai là nhà văn Hải Triều Nguyễn Khoa Văn. Một năm sau đó, bà tạ thế ngày 10/12/1947 tại Lạc Lâm, Thanh Hoá, hưởng thọ 66 tuổi.

Sinh thành nơi lầu son gác tía nhưng Công nữ Đồng Canh đã trở thành Đạm Phương Nữ Sử - một trong những nữ ký giả Việt Nam đầu tiên, một phụ nữ yêu nước đem cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp độc lập dân tộc và tiến bộ của đất nước. Nỗ lực hoạt động xã hội những năm đầu thế kỷ XX cùng với các trang viết của bà không chỉ là đóng góp quý báu trong các lĩnh vực như ngôn ngữ báo chí, văn, thơ, dịch thuật, mà còn để lại dấu ấn đậm nét cho phong trào đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử