Bà Nhẩn thả lưới kéo cá tôm mỗi ngày ở cái tuổi 76. 

Một ngày của bà Nguyễn Thị Nhẩn (76 tuổi) ở thôn Đồng Dồi (xã La Sơn, huyện Bình Lục, Hà Nam) bắt đầu từ 4h sáng. Quờ quạng chiếc áo nâu khoác vào người, bà rón rén xuống bếp tối thui, nhóm lửa nấu cơm. Người ta nấu chỉ mất 30 phút nhưng bà mất đến hàng giờ. Đôi khi do củi lửa bị ướt vì căn bếp dột nát, có lúc là do tuổi già, mắt kém không nhìn rõ mọi vật. Nhưng chủ yếu vẫn là những lần tỉnh dậy bất chợt của chị Tươi, con gái bị tâm thần, năm nay 45 tuổi của bà.


Bữa cơm sáng, trưa, tối của hai mẹ con hầu như ngày nào cũng chỉ có rau. Đôi khi mới được cải thiện bởi những con cá rô bà bắt ngoài đồng mà không bán được cho ai. Cho con ăn xong, bà chuẩn bị đồ ăn, thức uống bữa trưa của chị Tươi, sau đó bắt đầu đi kiếm việc làm. 

Bà Nhẩn đi dọc con kênh rìa làng một hồi, trước khi trầm mình xuống nước để bắt cua, cá. Mỗi ngày đánh bắt như vậy từ sáng sớm đến tối mịt, bà chỉ kiếm được từ 20 đến 30 nghìn, nhưng ngày mưa ngày nắng, đều có bóng dáng quen thuộc của bà thả lưới trên con kênh...

"Tôi đi làm chỉ lo con ở nhà. Con Tươi thế mà biết, bữa nào tôi khoá cửa đi làm là nó cũng khóc níu kéo", bà nói về con gái của mình đang bị nhốt ở nhà. 

Cuối con đường làng lầy bùn đất sau những trận mưa kéo dài, ngôi nhà tình nghĩa của bà Nhẩn nằm trơ trọi một góc bên cánh đồng. Bên trong cánh cửa khép chặt, là tiếng nỉ non lúc to lúc nhỏ và mùi xú uế nồng nặc. Trong góc nhà là một người phụ nữ trung niên nhưng ánh mắt ngây dại, miệng tễ nước.

Căn nhà tình nghĩa loang lổ đã xuống cấp là nơi sinh sống
hai mẹ con bà Nhẩn nhiều năm qua
.

Đã qua 45 tuổi nhưng trí tuệ của chị Tươi chỉ bằng đứa trẻ lên 2, khi chị không thể nói được từ nào khác ngoài từ "mẹ" và phát âm còn không rõ. Chị hay chạy ra đường nên bà Tươi phải khoá cửa mỗi khi ra ngoài. Lúc bà ở nhà, cũng không thể rời mắt khỏi con. Cuộc sống của chị Tươi hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ già đã gần 80 tuổi.

Bà Nhẩn bước ra từ cuộc chiến năm 1968 tại Vĩnh Linh (Quảng Bình). Lúc trở về, bà mang mảnh đạn ghim một bên đầu cùng những vết sẹo chạy dọc bên phải cơ thể. 

Nhưng vết thương dai dẳng chưa dừng lại khi bà lập gia đình và nhận ra đứa con duy nhất không được bình thường. Chồng mất sớm, cuộc sống chồng chất khó khăn khi phải một mình nuôi con. 45 năm trôi qua, bà không nhớ nổi đã bao lâu mình chưa có một giấc ngủ trọn vẹn.

"Những năm gần đây sức khoẻ tôi kém. Mỗi lần đi tắm cho con như một lần đánh vật", bà vừa nói, vừa bê chậu nước vào đầu hè, rồi dắt con gái ra đó. Sức vóc bà nhỏ, chị Tươi lại to, bà Nhẩn chới với mỗi lần kéo chị xuống hay nâng lên. Chị Tươi còn thường sà vào chậu nước, đập tung toé, khiến mẹ khó khăn lắm mới tắm xong được cho mình.

Có những lần bà ốm và vết thương cũ tái phát, chẳng thể ngồi dậy, nhưng rồi một sức mạnh nào đó vẫn nâng được bà đi kiếm được cái ăn cho con.

Hàng tháng, bà nhận được một triệu đồng tiền thương binh, cùng 450 ngàn đồng tiền trợ cấp của con gái. Những năm qua bà làm thêm nhiều việc khác để nuôi sống hai mẹ con, lúc thì kéo lưới, khi bện chổi, bốc vác...

Trước hoàn cảnh đăc biệt khó khăn của mẹ con bà Nhẩn, ông Phạm Anh Tuấn (Chủ tịch xã La Sơn) cho biết: "Xã đã nhiều lần đề nghị trợ cấp đặc biệt cho bà nhưng quyết định lại là do các cấp huyện, tỉnh. Sắp tới chị Tươi cũng được xã xin xét duyệt cho được hưởng mức trợ cấp đặc biệt". 

Một ngày của bà Nhẩn kết thúc cùng những cơn đau ê ẩm khắp người. Căn nhà cuối xóm chỉ có duy nhất một bóng điện tù mù. Bà Nhẩn nhìn sang đứa con nằm trên manh chiếu thủng lỗ chỗ dưới nền nhà, rồi thở dài xa xăm.

"Cho đến khi nhắm mắt, điều tôi lo nhất là ai nuôi con Tươi, rồi ai thay tôi cúng giỗ, chăm lo cho mồ mả tổ tiên", nước mắt rớm trên khuôn mặt người đàn bà lưng đã còng, tóc bạc.

Theo VNExpress