Chị Đỗ Thị Mỹ Diệu (trái) - người con gái Quảng Nam chịu khó

Cô gái Quảng chịu thương chịu khó

Cái tên Đỗ Thị Mỹ Diệu bỗng chốc được nhiều người biết đến khi chị kêu gọi đầu tư thành công 5 tỷ đồng từ các ông chủ lớn trong chương trình Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ). Sự chân thành của cô gái xứ Quảng Nam đã thuyết phục được nhà tài trợ. 

Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, gia cảnh nghèo khó ở vùng núi của tỉnh Quảng Nam, từ nhỏ, Mỹ Diệu đã nỗ lực không ngừng để vươn lên. Với phẩm chất chịu thương chịu khó của người dân xứ Quảng, Diệu quyết tâm gây dựng sự nghiệp. Bản lĩnh của cô khiến không ít đấng mày râu phải ngưỡng mộ.

Chặng đường khởi nghiệp mà cô gái xứ Quảng bắt đầu chỉ là số tiền ít ỏi “liều lĩnh” vay mượn từ người thân và các khoản chi phí được các đối tác tin tưởng cho nợ.

Chị chia sẻ, ngay sau khi thi xong liên thông đại học, chị đi phỏng vấn xin việc và được nhận vào làm chính thức. Thế nhưng người bạn thân duy nhất của chị ở Sài Gòn vì không tìm được việc làm nên cũng đã về quê. Còn một mình giữa thành phố rộng lớn, đã có lúc Diệu muốn bỏ về nhà. Nhưng rồi Diệu nhận được tin đậu đại học liên thông, đó chính là niềm hy vọng níu chân Diệu ở lại. Có thời điểm Diệu vừa đi làm ở công ty bán phần mềm kế toán, vừa đi học thêm buổi tối, rồi dùng tiền dành dụm được mở quán ốc và nhận làm báo cáo thuế ở nhà. Có những ngày chị chỉ ngủ được 4 - 5 giờ đồng hồ. Nhưng cũng nhờ những vất vả đó nên hiện tại công việc có nhiều cách mấy Diệu cũng cảm thấy không mệt.

Nữ giám đốc của công ty tiền tỷ

Trao đổi công việc với cộng sự

Kể về ý tưởng khởi nghiệp, chị Diệu cho biết: Trong lúc đi làm về lĩnh vực kế toán, chị may mắn gặp được các anh chị làm ở lĩnh vực bảo hộ lao động. Từ đó, chị nhận thấy thị trường may quần áo bảo hộ lao động ở Việt Nam có tiềm năng khá lớn nên chị quyết định chuyển từ công việc kế toán sang kinh doanh may mặc.

Chị Diệu chia sẻ: “Bắt đầu từ 2011, mình thành lập công ty. Ban đầu chỉ nghĩ làm để kiếm tiền nuôi sống bản thân, trang trải kinh tế gia đình. Sau đó, mình càng làm thì càng yêu nghề và cảm thấy vui khi thấy những bộ đồng phục bảo hộ của mình được các anh chị công nhân trân quý. Giá trị nhân văn từ công việc của mình là đem đến sự an toàn cho người lao động. Dần dà về sau mình mở rộng xưởng và nhận những đơn hàng lớn hơn. Mục đích xa hơn là mình muốn xây dựng công ty nằm trong top công ty uy tín về sản xuất hàng bảo hộ lao động trên cả nước”

Chị chia sẻ thêm: Ở TPHCM để thành lập một doanh nghiệp khá đơn giản nhưng quan trọng là suy nghĩ như thế nào để công ty tồn tại và phát triển. Nhiều đêm chị phải thức trắng, nhiều lúc tưởng chừng như bỏ cuộc vì thương trường là chiến trường. Chưa kể, chị một thân một mình gây dựng sự nghiệp nơi xứ người nên gặp rất nhiều khó khăn.

“Mình không thể quên được giai đoạn đầu thành lập công ty. Lúc đó mình vừa phải tìm hướng đi cho công ty vừa phải hiểu được mình là ai trong thị trường rộng lớn này. Đặc biệt, vốn là khó khăn khó giải quyết nhất. Tuy nhiên, mình cảm thấy khá may mắn khi các đối tác tin tưởng thời gian đầu cho phép nợ và những người thân đã cho mượn một số vốn nhất định” - chị Diệu bộc bạch.

Vượt qua gia đoạn đầu công ty của chị cũng có những bước đi vững chắc. Vốn điều lệ của công ty Mỹ Diệu hiện là 1 tỷ đồng, tổng tài sản cố định khoảng 6 tỷ đồng. Xưởng may được thuê với giá 1,5 tỷ đồng. Vui hơn, trong năm 2018, Công ty chị Diệu được các nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam quyết định đầu tư 5 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần công ty.

Hiện tại, thị trường của công ty chủ yếu là Việt Nam và cũng có nhiều đơn đặt hàng của người Việt tại các nước như Hàn Quốc, Cộng hòa Czech, Mỹ,… Công ty của chị đã tạo được môi trường làm việc ổn định và đảm bảo các chế độ đầy đủ cho chị em công nhân. Mức lương cơ bản mỗi tháng bình quân 6 triệu đồng/người, có những người đạt mức trên 10 triệu đồng/tháng.

Bí quyết riêng để thành công của Diệu là làm việc gì cũng phải làm hết mình. Nghĩa là phải đặt ra kế hoạch cụ thể bao nhiêu tiếng trong ngày dành cho mục tiêu và bao nhiêu tiếng lơ đãng. Diệu thường tập trung cao độ cho mục tiêu đặt ra và có thể làm việc 10 - 12 tiếng/ngày.

 

 Phạm Thương - Hải Cường