Bạn sẽ phải leo lên những ngọn núi cao bằng mây giữa ẩm ướt và giá lạnh


Tôi cũng rất ngại phải đi đôi giày sũng nước và mặc bộ đồ ướt trong thời gian dài. Thế nhưng, chính tôi cũng không ngờ, khi bước vào hành trình này, mọi nỗi lo đều biến mất.
Mục tiêu 2.200 m: chóng mặt và nôn ói
Đoạn đường đầu tiên đi lên trạm nghỉ 2.200m khá dễ, không quá nhiều dốc cao. Ai cũng hăm hở và sung sức lắm. Tôi là một trong những người đầu tiên dẫn đầu đoàn. Thế nhưng, chỉ chừng 1 tiếng sau là tôi bắt đầu đuối, dần bị tụt lại và trở thành người đi chậm nhất. Những đoạn dốc cao làm mất sức nhiều, tôi buộc phải dừng lại nghỉ và điều hòa hơi thở liên tục mới có thể leo tiếp. Cũng có đoạn, tôi bị chóng mặt, nôn ói vì quá sức.
Tại trạm nghỉ 2.200 m, chúng tôi ăn trưa rồi nghỉ ngơi khoảng 30 phút. Bữa trưa đơn giản là xôi gà, cơm nắm, muối vừng, trứng luộc và vài quả chuối. Kinh nghiệm là đừng bỏ thức ăn thừa lại mà hãy mang theo dự trữ để tiếp sức cho cung đường tiếp theo, cực kỳ mất sức và tiêu tốn năng lượng.

Sau 30 phút nghỉ trưa, những người dẫn đoàn giục chúng tôi tiếp tục đến điểm dừng chân 2.800m với thông báo: “Chặng đường tiếp theo còn dài và khó đi hơn nhiều. Leo từ đây lên đó mất khoảng 4-5 tiếng”. Cả nhóm lại lục đục vác balo lên đường. Nhiều bạn thắc mắc: “Fansipan cao 3.143m, có nghĩa là mình phải leo hơn 3 km ấy hả?”. Câu trả lời là để lên được “đỉnh Fan”, bạn phải leo qua nhiều ngọn núi, thấp đến cao dần chứ không phải chinh phục một ngọn núi cao chừng ấy mét. Cả đi - về khoảng chừng 60 km.
Mục tiêu 2.800m và bài học chấp nhận
Đoạn đường tiếp theo quá nhiều dốc cao, làm tôi kiệt sức. Càng lên cao gần mây trời càng mưa to, sương mù dày đặc. Người ngợm lấm lem bùn đất.
Sau 2 giờ leo núi, tôi lại là người cuối cùng tụt lại phía sau. May mà bên cạnh còn có người bạn đồng hành. Chúng tôi phải tự mò mẫm đường đi, chẳng còn thấy bóng ai phía trước, cũng chẳng nghe tiếng người. Mặc dù có áo mưa nhưng người vẫn ướt và giày thì lõng bõng nước. Chút xôi và cơm nắm lúc này trở thành món ăn cứu đói. Kỳ thực, chưa bao giờ tôi thấy xôi và cơm ăn với vừng mà ngon đến thế. Các bạn cũng nên mang theo kẹo để phòng khi bị hạ đường huyết nữa nhé.
Đến thời điểm này, tôi đã không còn chút lo lắng về vắt hay mưa. Tôi bắt đầu học được cách chấp nhận. 17 giờ 40, chúng tôi đã nhìn thấy những mái tôn xanh giữa rừng. Hai đứa không còn sức để hò hét mà chỉ lao vào ôm chầm lấy nhau cười sung sướng.
Trạm nghỉ 2.800m và hạnh phúc bình dị
Trạm nghỉ chân buổi tối của chúng tôi không phải ở trong lều như nhiều tour khác mà nghỉ trong những căn nhà mái tôn nhiều phòng. Mỗi phòng 7 người, mỗi người được 1 túi ngủ dày ấm áp. Ở đây không có điện nên phải tận dụng ánh sáng từ điện thoại và đèn pin. Sương mù dày đặc, trời mưa lạnh tê tái, gió rít từng cơn, đường thì bùn lầy nhão nhoẹt, nước lạnh như đá. Vô phòng tháo được đôi giày và tất ướt sũng nước, thay bộ đồ khô để mặc đi ngủ là niềm hạnh phúc vô bờ.
Chúng tôi ở cùng phòng với 2 cô gái đến từ Canada và 3 cậu sinh viên mê phượt. Bữa cơm tối với thịt và rau do người H’Mông nấu rất ngon. Chúng tôi trò chuyện vui vẻ và cảm giác thật ấm cúng. Những câu chuyện về mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang, về đỉnh Fansipan hay ước mơ một lần được đặt chân đến Everest...
7 giờ tối, chúng tôi bắt đầu chia nhau túi ngủ và đi nghỉ sớm để chuẩn bị cho hành trình bắt đầu vào 4 giờ sáng hôm sau.
Hành trình lên đỉnh
4 giờ 30, trời còn tối như bưng, cả đoàn lại tiếp tục hành trình “lên đỉnh”. Trời vẫn mưa, đường đá thì vừa bùn lầy, vừa trơn trượt. Sau hơn 2 tiếng trầy trụa và chật vật, chúng tôi cũng leo lên được đến đỉnh. Trời gió mạnh, sương dày và vẫn mưa lạnh tê tái khiến chúng tôi không ai đủ can đảm cởi áo khoác để khoe chiếc áo cờ đỏ sao vàng đã mặc sẵn bên trong. Cảm giác thật tự hào khi một cô gái liễu yếu đào tơ vẫn chinh phục được “nóc nhà Đông Dương”.
Sau những phút ở trên đỉnh, tận hưởng cảm giác chinh phục được chính những nỗi lo sợ của bản thân mình, chúng tôi lại tiếp tục chuẩn bị cho hành trình quay về. Ai cũng đã mệt và chân có dấu hiệu đau nhức, thêm lực dồn xuống hai đầu ngón chân cái nên một số người phải đi khập khiễng và tím bầm đầu ngón chân.
Cuối cùng, trạm Tôn - điểm đến cũng hiện ra trước mắt, kết thúc hành trình đầy thử thách.
Chưa phải là tất cả
Điều quan trọng mà tôi nhận được là càng leo lên cao, tôi càng thấy khâm phục những người đã đi trước, đặc biệt là những người đồng bào dân tộc và công nhân ở đây. Hàng ngày, họ vẫn lầm lũi vác trên vai những gùi vật dụng nặng để leo núi, kể cả trẻ em, phụ nữ và người già.
Với tôi, điều quan trọng nhất khi leo lên được đến đỉnh Fansipan là để có thêm nhiều trải nghiệm đáng nhớ, về ý chí, về cuộc sống xung quanh mình. Và hơn hết, tôi càng thấy thêm yêu thương, quý trọng người bạn đồng hành đã luôn ở bên cạnh mình để động viên và tiếp sức.


Theo Thanh niên