Người dân tận hưởng một ngày nắng ở Helsinki, Phần Lan, tháng 2-2021 - Ảnh: AFP

Năm ngoái, khi các quốc gia trên thế giới ra quy định yêu cầu người dân giữ khoảng cách 2m để chống dịch COVID-19, ở Phần Lan người ta đùa với nhau rằng: "Tại sao tụi mình không thể giữ khoảng cách 4m như mọi khi?".

"4 lần liên tiếp nhiều quá"

Dân Phần Lan là bậc thầy về giãn cách xã hội - từ rất lâu trước đại dịch, họ tự nhận mình là một dân tộc hay sầu muộn và thích sống khép kín. 

Có câu nói phổ biến ở quốc gia Bắc Âu này là: "Hạnh phúc sẽ luôn kết thúc trong nước mắt" - đủ để thấy họ không nhìn đời qua lăng kính màu hồng.

Vậy mà, trong 4 năm liên tiếp Mạng lưới Các giải pháp phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc xếp Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Báo cáo mới nhất công bố tháng 3-2021 khiến nhiều người Phần Lan không khỏi ngạc nhiên.

"4 lần liên tiếp là nhiều quá. Thời tiết Phần Lan lúc nào cũng trông như một ngày xấu nhất ở London. Hẳn là lịch sử có điều gì đó khiến lòng tự tôn của dân tộc tôi nhỏ bé thế này, lúc nào cũng cảm thấy mình kém cỏi" - Jukka Lindstrom, một nhà văn Phần Lan, chia sẻ trên báo New York Times.

Phần Lan có một xã hội tương đối quân bình (ít bất bình đẳng), người dân có xu hướng không quan tâm đến chuyện "nỗ lực cho bằng người ta". Tính cách này chưa chắc tồn tại ở những nước có thu nhập cao khác.

"Xã hội Phần Lan ít có sự chênh lệch. Điều này bắt đầu từ giáo dục: Tất cả mọi người đều được tiếp cận nền giáo dục tốt, do đó khoảng cách thu nhập và tài sản tương đối nhỏ" - giáo sư Antti Kauppinen từ Đại học Helsinki tiết lộ bí mật.

Theo giáo sư Sari Poyhonen từ Đại học Jyvaskyla, người Phần Lan thường có cái nhìn thực tế trong cuộc sống, khi có điều gì đó tốt đẹp vượt quá mong đợi xảy ra họ chỉ hành xử khiêm tốn, thích đùa một cách tự ti hơn là khoe khoang.

"Người Phần Lan là bậc thầy trong việc giữ bí mật hạnh phúc" - bà Poyhonen mô tả.

Điều đó giải thích tại sao Báo cáo hạnh phúc nhận được ít sự quan tâm của truyền thông xứ Bắc Âu này.

Những điều tưởng như bình thường

Tất nhiên Phần Lan không thể gọi là hoàn hảo, chủ nghĩa dân tộc cực hữu đang gia tăng ở đây, tỉ lệ thất nghiệp thì lên đến 8,1%... 

Bù lại, họ tích lũy được nhiều thứ: hệ thống giáo dục thuộc hàng tốt nhất thế giới, trẻ em không bị áp lực thi cử, đại học thì miễn phí hoàn toàn, hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân tốt và chi phí nuôi con dễ chịu.

Để so sánh, dân Mỹ - xếp thứ 14 trong báo cáo - cảm thấy không hạnh phúc vì các yếu tố xung đột xã hội, ma túy, tiếp cận y tế kém và thu nhập không đồng đều. 

Cũng nhờ tin tưởng chính phủ mà dân Phần Lan ít phản đối khi tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội trong dịch COVID-19, trái ngược với Mỹ.

Heikki Aittokoski - phóng viên quốc tế của tờ nhật báo lớn nhất Phần Lan Helsingin Sanomat - kể rằng sau chuyến đi vòng quanh thế giới qua Anh, Bhutan, Costa Rica, Botswana, Mỹ và Đan Mạch để tìm tư liệu cho một quyển sách, ông bất ngờ nhận ra có nhiều khía cạnh tưởng chừng rất bình thường trong đời sống Phần Lan nhưng lại xa xỉ ở nơi khác.

Ví dụ tiêu biểu là ở Phần Lan cư dân luôn tin tưởng nhau, theo ông Aittokoski. Ở Helsinki, cảnh tượng thường thấy buổi sáng là trẻ em, nhỏ nhất chỉ khoảng 7 tuổi, tự xách cặp đi bộ đến trường không cần cha mẹ mà vẫn cảm thấy an tâm tuyệt đối.

"Đó là hình ảnh thu nhỏ cho hạnh phúc của người Phần Lan. Ít nhất chúng tôi cũng làm được vài điều đúng đắn" - ông Aittokoski chốt lại.

Tiêu chí đánh giá hạnh phúc

Báo cáo hạnh phúc thế giới (World Happiness Report) được xây dựng trên dữ liệu thu thập từ 350.000 người ở 95 quốc gia do Hãng thăm dò Gallup trực tiếp phỏng vấn.

Xếp hạng không dựa trên yếu tố thu nhập hoặc tuổi thọ, mà dựa trên cách mọi người đánh giá hạnh phúc của bản thân theo thang điểm từ 1-10.

"Chúng tôi tin rằng những nhận xét chủ quan, tự nhận thức đó đáng tin cậy để nhận biết cuộc sống (ở quốc gia đó) có tốt không.

Câu hỏi bao gồm "Hôm qua bạn có cười không", "Hôm qua bạn có học hoặc làm được điều gì thú vị không", "Hôm qua bạn có được đối xử tôn trọng không"..." - giáo sư Shun Wang từ Trường Chính sách công và quản lý KDI (Hàn Quốc), đồng tác giả của báo cáo, giải thích.

Những câu hỏi khác liên quan đến lòng tin. Ví dụ, các nhà nghiên cứu phát hiện nếu một người tin tưởng rằng cảnh sát hoặc người lạ "nhất định sẽ trả lại cái ví bị đánh rơi của tôi", người đó nhìn chung sẽ hài lòng về cuộc sống hơn một người nghĩ ngược lại.

Theo tuoitre