Ban kim nhạc giáo xứ Tràng Quan trong một lần biểu diễn
 
Bén duyên với cây kèn Tây 

Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm về giáo xứ Tràng Quan, xã Trọng Quan. Hỏi thăm mãi, chúng tôi mới gặp  được chị Nguyễn Thị Tuyến, Đội phó Ban kim nhạc giáo xứ Tràng Quan. Hỏi chuyện về đội kèn Tây, chị bẽn lẽn: "Chị Mến giới thiệu cho các chú đến đây à? Đội kèn Tây ở giáo xứ Tràng Quan thì trong huyện Đông Hưng và vùng lân cận này ai cũng biết tiếng". 

Năm 2008, cha Đa Minh Nguyễn Văn Đạt, đứng đầu nhà thờ chính tòa giáo xứ Tràng Quan, xã Trọng Quan, đã gợi ý và động viên một số chị em, trong đó có chị Nguyễn Thị Tuyến, tập chơi kèn Tây, học nhạc.

Cha Đạt đã lặn lội lên tận Hà Nội và sang làng kèn đồng ở Xuân Trường, tỉnh Nam Định, để tìm mua nhạc cụ. Khi có một số kèn như trumpet, saxophone, trombone, cornet... thì buổi tối, chị em lại tề tựu về nhà thờ để học nhạc lý, thổi kèn.

Chị Nguyễn Thị Tuyến "phiêu" cùng cây kèn Tây 

Theo chị Nguyễn Thị Tuyến, buổi đầu mới thành lập, đội có 20 người tham gia, người trực tiếp dạy nhạc cho chị em là cha Nguyễn Văn Đạt. Chị em đa số là người trong làng, công việc chủ yếu là làm nông nghiệp, không có ai biết về nhạc lý, không qua trường lớp âm nhạc nào nên những ngày đầu làm quen với chiếc kèn Tây to, nặng trịch, ai nấy đều bỡ ngỡ.

“Những ngày đầu làm quen với cây kèn Tây, chị em chúng tôi còn lạ lẫm, chưa biết bấm, thổi thế nào. Mất cả ngày loay hoay học nhưng thổi chẳng thành nốt nhạc, không ra bài. Nhờ sợ tận tình dạy dỗ của cha Đạt nên chị em chúng tôi lúc trước chỉ quen với cái cày, cái cuốc, công việc đồng áng lại dần bén duyên với cây kèn Tây”, chị Tuyến kể lại.

Ngoài thời gian học ở nhà thờ vào buổi tối, chị em còn đưa kèn về nhà để tập khi rảnh và chồng con là khán giả đánh giá, thẩm định bản nhạc của mẹ, của vợ... 

Với sự kiên trì và cách dạy "cầm tay chỉ việc" của cha Đạt, người biết bày cho người chưa biết nên đội kèn nữ ở xã Trọng Quan ngày càng tiến bộ. Đội đã tập trung được khoảng 30 chị em tham gia. Ở đội có bà Lê Thị Mến (hiện là đội trưởng Ban kim nhạc giáo xứ Tràng Quan) đã 60 tuổi là người cao tuổi nhất nhưng vẫn miệt mài cùng chị em học thổi kèn, nhạc lý gần chục năm qua.

Tiếng lành đồn xa

Mục đích ban đầu khi thành lập đội kèn Tây là chủ yếu phục vụ cho nhà thờ của giáo xứ nhưng tiếng lành đồn xa nên người dân trong xã và vùng lân cận họ mời đội đi thổi góp vui cho những dịp lễ trọng, đám rước hay đám hiếu, lễ mừng thọ...

Những ngày đầu học thổi kèn, đội chỉ luyện vài bài tủ như Tình cha, Lòng mẹvề sau do nhu cầu và đã làm chủ được cây ken Tây nên đội luyện thêm các bài ca ngợi Đảng, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước... để phục vụ cho nhu cầu của người dân.

"Cũng tùy vào các sự kiện mà mình được mời tham gia cho gia chủ, nếu đám hiếu là cựu chiến binh thì chúng tôi lại thổi những bài mang âm hưởng cách mạng, hào hùng, đám rước, tiệc mừng thọ thì thổi những bài có tiết tấu vui vẻ trữ tình", chị Tuyến cho hay.

Địa bàn của đội không chỉ phục vụ trong làng ngoài xã mà còn đến tận vùng Cẩm Phả - Quảng Ninh, Hưng Yên, Nam Định... Hễ có lời mời, đội kèn đều nhận lời mà không tính giàu nghèo, sang hèn, so đo công cán bao nhiêu.

"Với gia đình nào khá giả, khi đội kèn phục vụ cho họ một ngày một đêm ở đám hiếu, họ trả 5-6 triệu đồng tiền công rồi lại biếu thêm cho cả đội như lời cảm ơn. Nhưng cũng có gia đình không dư dả thì ửi một ít lộ phí tiền xe, ăn uống, chúng tôi cũng vui lòng phục vụ", chị Tuyến bộc bạch.

 Trường Lê - Mai Tường