Chị Trần Thị Loan (SN 1961, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Gần 40 năm chứng kiến sự phát triển của Hà Nội, chị Trần Thị Loan (SN 1961, Hoàn Kiếm) vẫn nhớ như in những ngày đầu về làm dâu phố cổ.

“Đó là một căn phòng rộng 12m2. 8 người lớn sống cùng nhau. Chồng tôi là con cả. Sau đám cưới, hai vợ chồng được ở không gian riêng là căn gác xép. Tuy nhiên căn gác xép không được lắp đặt kiên cố nên chỉ cần một di chuyển nhẹ cũng tạo nên những tiếng cọt kẹt”, chị Loan nhớ lại.

Trong nhà, để tránh va đầu vào gác xép, các thành viên phải khom lưng mỗi khi đi lại. Cuộc sống khổ cực, thiếu thốn.

Căn nhà tiếp giáp mặt đường nên chị Loan tận dụng bán nước, bán hàng ăn để mưu sinh.Nhiều năm trôi qua, các em của chồng đã xây dựng gia đình, tìm nơi ở mới. Gia đình chị Loan vẫn gắn bó với nơi đây.

“Công việc không mang lại thu nhập cao nhưng đó là chiếc cần câu cơm của nhiều người dân phố cổ. Khi chuyển đi nơi khác, không gian sinh hoạt có thể rộng rãi thoáng mát hơn nhưng những lợi thế kiếm sống thì không thể bằng nơi này. Nhất là khi nơi đây càng ngày càng đón tiếp nhiều khách du lịch tới thăm quan hơn”, chị Loan chia sẻ.

Nhiều khách Tây được đứng dưới quạt mát trong lúc chờ bạn ở vỉa hè phố cổ.

Nhà chị Loan nằm trên phố Nguyễn Siêu (quận Hoàn Kiếm), cách Hồ Gươm không xa nên việc được tiếp cận, bán hàng và trò chuyện với khách du lịch nước ngoài vốn là chuyện thường ngày của cả gia đình.

Tuy nhiên không giống như cách một số người kinh doanh trên phố cổ đang làm, chị Loan phản đối việc chèo kéo, ép khách phải mua hàng.

“Tôi thấy nhiều người bán hàng cứ lẽo đẽo đi theo khách du lịch để nài nỉ họ. Như vậy là làm phiền họ và vô tình làm xấu hình ảnh của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Với tôi, tôi chỉ mời 1 lần, nếu khách không có nhu cầu, họ từ chối thì không nên chèo kéo nữa”, chị Loan nói.

Theo Vietnamnet