Thủy Tiên trong ngày tốt nghiệp

Cuối tháng 3-2019, khi phóng viên từ 20 quốc gia đến thăm ĐH Gallaudet dành cho sinh viên điếc trên toàn thế giới, tiến sĩ Charles Reilly - giám đốc điều hành bộ phận hỗ trợ nghiên cứu và quan hệ quốc tế của trường - đã dùng từ "super star" (siêu sao) để nói về một sinh viên Việt Nam tên Tiên tốt nghiệp trường này. 

Bài học lớn nhất

* Mỗi năm Trường ĐH Gallaudet chỉ dành hai suất học bổng cho sinh viên điếc trên toàn thế giới. Vì sao bạn được chọn?

- Lúc trước tôi học ở Đồng Nai theo chương trình giáo dục cho người điếc Việt Nam do Tổ chức Nippon của Nhật hỗ trợ. Tốt nghiệp, tôi làm cho chương trình này. Khi đó, ĐH Gallaudet hợp tác với Nippon giới thiệu học bổng và cô giám đốc chương trình nói tôi viết dự án tham gia.

Dự án tôi muốn làm là về ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc. Bởi trong cộng đồng điếc Việt Nam khi đó ngôn ngữ chỉ có giao tiếp cơ bản, chưa có ngôn ngữ phân tích chuyên sâu và học thuật. Dự án hỗ trợ cộng đồng người điếc có thể làm sách, từ điển để phát triển ngôn ngữ của mình.

* Cảm xúc của bạn như thế nào khi biết mình được trao học bổng? Với những bạn nghe được, tiếng Anh cũng không phải là chuyện đơn giản. Vậy bạn đã vượt qua rào cản tiếng Anh như thế nào?

- Bất ngờ. Nộp hồ sơ rồi nhưng tôi không hi vọng vì sinh viên điếc trên thế giới nộp dự án rất nhiều. Thêm nữa là tiếng Anh của tôi chưa tốt.

Trước khi học thạc sĩ, tôi có một năm chuẩn bị cho tiếng Anh. Tôi tập trung cho hội thoại, ngữ pháp. Ở lớp giáo viên chỉ dạy 30%, còn lại 70% phải tự đọc sách, ra ngoài giao tiếp. Tôi phải tự học, nỗ lực rất nhiều.

* Đến Trường Gallaudet, một giáo viên Mỹ dùng từ "siêu sao" để nói về bạn. Chắc bạn để lại ấn tượng đặc biệt lắm ở trường?

- Có lẽ thầy ưu ái tôi thôi. Nhưng thật sự là tôi luôn nỗ lực cho con đường học tập của mình. Ở phổ thông, nhiều năm liền tôi là học sinh giỏi. Tôi đạt thủ khoa khi thi tốt nghiệp bổ túc cấp II cùng chương trình với các bạn nghe được. Khi ấy, có những bạn khác nhìn vào tôi kiểu như "À người điếc cũng học được và học tốt".

Nhiều người nghĩ người điếc học cấp II là được rồi, nhưng tôi muốn chứng minh không phải vậy. Học thạc sĩ ở Mỹ, tôi tốt nghiệp với 3.7/4 điểm và nhận bằng giỏi.

* Môi trường đại học ở Mỹ với bạn bè từ khắp nơi trên thế giới đã thay đổi bạn như thế nào sau ba năm học?

- Tôi học thạc sĩ sư phạm ngôn ngữ ký hiệu. Với chuyên ngành này, có những môn hỗ trợ như văn hóa người điếc, cộng đồng người điếc... Qua đó, bài học lớn nhất tôi học được là bản sắc của người điếc và góc nhìn của tôi thay đổi rất nhiều.

Khi còn ở Việt Nam, tôi chưa biết người điếc làm được gì, khả năng, điểm mạnh của mình là gì. Khi được dạy về bản sắc, tôi biết mình là ai, người điếc là như thế nào, sự chủ động quan trọng như thế nào với người điếc. 

Tôi cảm nhận sâu sắc rằng khi chủ động mình có thể làm được mọi thứ và tôi động viên các bạn điếc khác chủ động trong cuộc sống của họ.

Giúp người điếc hòa nhập xã hội

* Tiếp xúc với bạn bè quốc tế, giảng viên người nước ngoài, bạn thấy sự nhìn nhận về năng lực của người điếc trong những xã hội khác nhau như thế nào?

- Ở Việt Nam có lúc tôi cảm nhận ý kiến của tôi với đồng nghiệp - người nghe được - là họ phớt lờ và không tiếp thu. Có người nghĩ người điếc không làm được đâu, rồi cái đó chẳng có gì là hay ho cả. Tôi cảm thấy rất buồn vì mình có những ý kiến riêng.

Từ bạn bè quốc tế, tôi thấy nhiều nơi tôn trọng ý kiến người điếc. Ở Mỹ, tôi cũng học được khi mình có ý kiến riêng và tin vào điều đó thì phải thuyết phục được người khác đến khi thành công.

* Với những kiến thức, kỹ năng gặt hái được trong thời gian du học, bạn làm gì khi trở về Việt Nam?

- Tôi mong muốn tập huấn những kiến thức đã học cho cộng đồng người điếc ở Việt Nam về ngôn ngữ ký hiệu, bản sắc, văn hóa của người điếc... Năm 2016, khi tốt nghiệp thạc sĩ và về nước, nhiều nơi ở Hà Nội mời tôi tập huấn cho người điếc. 

Tôi cũng có tham gia chương trình 5 ký hiệu mỗi ngày trên VTV7. Bên cạnh đó, tôi cũng đang triển khai dự án hỗ trợ người điếc, cộng đồng người điếc Việt Nam tự tin hòa nhập xã hội.

* Theo bạn, rào cản lớn nhất hiện nay của người điếc và cộng đồng người điếc ở Việt Nam là gì?

- Đó là sự chủ động. Quan trọng nhất là người điếc biết chủ động nêu lên những ý kiến của mình để thuyết phục được người khác. Người điếc cũng cần phải có sự tự tin mình làm được gì và chứng minh được điều đó trong xã hội. Khó khăn thứ hai là ngôn ngữ ký hiệu chưa nhiều về ngôn ngữ chuyên sâu, học thuật.

* Với những kiến thức đã học được, bạn muốn nói gì với trẻ điếc và phụ huynh của những trẻ này?

- Trước hết phụ huynh hãy lắng nghe và tôn trọng trẻ, đừng áp đặt suy nghĩ và hãy ủng hộ trẻ làm những gì tốt nhất cho bản thân. Điều thứ hai, cộng đồng người điếc phải tự hào mình là người điếc, nhận ra mình làm được gì và khả năng của mình là gì. Đừng sợ hãi và sợ thất bại.

Tôi cũng muốn nói có nhiều người đôi khi vẫn định kiến người điếc không thể làm được gì. Nhiều người hỏi tôi làm gì, tôi nói làm giáo viên thì ngạc nhiên "ủa bạn cũng làm được giáo viên hả, có... bằng cấp không?". 

Thủy Tiên trong một hoạt động tập huấn ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc ở Hà Nội

Hay tôi đi ngân hàng, nhiều nhân viên nói "kêu ba mẹ ra giúp đi", trong khi tôi có thể giao tiếp được bằng giấy bút bình thường. Những định kiến, ít hiểu biết như vậy về người điếc, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, nên sớm không còn trong xã hội phát triển của chúng ta.

* Bạn thần tượng ai?

- Một thầy ở Mỹ tên là Mike Kemp (đã mất). Thầy tới Việt Nam nhiều năm trước. Biết thầy là tiến sĩ, tôi thấy... vô lý vì không tin người điếc làm tiến sĩ được. Nhưng thầy nói thầy làm được và tôi cũng làm được. Cuộc gặp này thay đổi đời tôi.

* Nếu có điều ước, bạn sẽ ước gì?

- Ước muốn của tôi là cộng đồng người điếc có thể làm được những gì họ muốn.

* Ra phố không có phiên dịch đi cùng, bạn xoay xở như thế nào?

- Tôi giao tiếp bằng giấy và bút.

* Có bao giờ bạn mong ước mình nghe được như người bình thường không?

- Chưa bao giờ! 
                                                                                                                                                                                                                                                   
Thắng giải dự án 25.000 euro ở Hà Lan

Hiện nay, tôi và một người bạn cùng sáng lập tổ chức mang tên HandSpeak Việt Nam - Bàn tay nói. Đây là một tổ chức của người điếc và vì cộng đồng người điếc.

Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai dự án "Thắp sáng ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam".

Dự án đã đoạt giải nhất trong một cuộc thi tại Hà Lan với kinh phí tài trợ 25.000 euro cho một năm.

Mục đích của dự án là tập trung hỗ trợ trẻ điếc ở Cà Mau, Kiên Giang và Bạc Liêu. Các bạn người điếc ở đây thiếu giáo viên điếc và ít có cơ hội giao lưu học hỏi với các bạn điếc ở những tỉnh thành khác nên việc tiếp cận thông tin, kiến thức rất khó khăn.

Dự án tập huấn cho các bạn ba tỉnh này hằng tháng trong vòng một năm, nhằm giúp các bạn nâng cao kiến thức và năng lực của mình.

- Nguyễn Trần Thủy Tiên - 
                                                               
                                                                                                                                                                                Theo
Tuổi Trẻ