Ngày cuối tuần, chị Hà Thị Thu Mai, 38 tuổi, cùng con trai Bách Hợp, 11 tuổi, đi siêu thị Asda ở Scotland. Chị cầm máy quay cảnh con trai giới thiệu cách phát âm từng loại quả và rau bằng tiếng Anh.

Bách Hợp giải thích phiên âm, nghĩa tiếng Việt của từng từ. Thỉnh thoảng không nghĩ ra từ tiếng Việt, cậu bé lại cầu cứu mẹ. Đến quầy bán xoài, cậu phấn khích reo lên vì gặp loại quả yêu thích. Chất đầy hàng lên xe, cậu tự đẩy tới quầy quét mã vạch thanh toán.

Nhìn con trai nhanh nhẹn, tự tin, chị Mai thầm cảm ơn những ngày tháng bền bỉ đồng hành cùng con.

Gia đình chị Mai từng 3 năm ở Australia và hiện sống tại Scotland. Trước khi đón con từ Việt Nam sang, chị đã tìm hiểu các trường tiểu học. Trường tư chất lượng và cơ sở vật chất tốt, nhưng chi phí học tập vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Trường công thì yêu cầu đúng tuyến.

Gần nhà khi ấy có trường nhưng chị Mai quyết định chuyển nhà, chấp nhận đi làm xa để chọn ngôi trường nhỏ và gần gũi hơn cho Bách Hợp. Năm 2015, Bách Hợp, lúc đó 5 tuổi, sang Australia sống cùng bố mẹ. "Con sang được một tuần thì bắt đầu đi học. Mặc dù được bố mẹ hướng dẫn những câu đơn giản, con vẫn sốc vì chưa bao giờ biết tới tiếng Anh", chị Mai nhớ lại.

Buổi đầu tiên đến lớp, Bách Hợp muốn mượn bút của bạn nhưng không biết diễn đạt bằng tiếng Anh nên tự lấy và bị bạn chọc bút chì vào tay. Cậu bé sau đó bị yêu cầu ngồi tô tranh kỷ luật do đẩy bạn.

Thấy con chiều nào đi học về cũng buồn, chị Mai chủ động hỏi chuyện, gợi mở để con chia sẻ. Sau mỗi buổi học, chị thường nán lại hỏi cô giáo về tình hình học tập của Bách Hợp. Cậu bé được tham gia một nhóm phụ đạo đặc biệt 2 tiếng mỗi ngày dành cho các bạn học yếu.

Ở trường của Bách Hợp, giáo viên coi trọng việc học đánh vần (spelling) và đọc sách (reading). Hàng tuần, các con học 15-20 từ vựng và phải đảm bảo được ba yêu cầu: Phát âm đúng từ trong bảng từ, phát âm đúng các từ được chọn ngẫu nhiên và đánh vần lại các từ.

Sau khi hoàn thành, cô giáo sẽ kiểm tra và chỉ khi đáp ứng đúng ba yêu cầu trên, các con mới được giao từ mới về học. Nếu không qua, con học lại để trả bài cho cô vào tuần sau.

Không giỏi tiếng Anh, chị Mai làm theo phương pháp cô giáo dạy con trên lớp. Để giúp con nhớ từ, sáng nào đi bộ đi học, chị Mai cũng cùng con học đánh vần qua hình thức đố vui. Nhiều hôm, Bách Hợp học mãi không thuộc bảng từ, đặc biệt là phần đánh vần.

"Tôi học các cô giáo không ép con quá. Nếu chưa thuộc, con có thể đi chậm lại, nhưng ngày nào cũng phải thực hành để hình thành thói quen học đều đặn", chị Mai cho hay.

Ngoài từ vựng, mỗi tuần Bách Hợp được nhận 2-3 cuốn sách chia thành các mức độ từ 1 đến 30. Cô giáo theo dõi và giao sách theo trình độ của học sinh. Bách Hợp được giao mức dễ nhất, nhưng lúc đầu để hoàn thành được một cuốn, con cần tới một tuần.

Chị Mai nghĩ ra cách cùng con đọc trước lúc đi ngủ hay nấu cơm rồi kể lại cho nhau nghe. Gặp những từ không chắc đã phát âm chính xác, hai mẹ con tra từ điển, nghe rồi đọc lại.

Trường Bách Hợp có thư viện với nguồn tài liệu phong phú và được chia theo cấp độ. Chị Mai và con chiều nào cũng qua thư viện mượn thêm sách. Việc đọc sách đem lại cho Bách Hợp vốn từ vựng phong phú và khả năng đọc trôi chảy.
6 tháng sau, Bách Hợp đạt giấy khen của lớp vì đánh vần tốt.

                                                                                                                   Bách Hợp, 11 tuổi, sắp nhập học trường Albyn School ở Scotland. Ảnh: Thu Mai.

Năm lớp 1, cậu bé giành giải nhất Toán khối 1; năm lớp 2 và 3, đoạt giải nhất cả Toán và đánh vần của khối. Năm lớp 3, con tham gia thi khảo sát chất lượng toàn Australia (NAPLAN) và giành điểm tuyệt đối ở các môn. Bách Hợp cũng đạt chứng chỉ High Distinction cho môn Toán và tiếng Anh trong kỳ thi ICAS (International Competitions and Assessments for Schools) dành cho học sinh tiểu học và trung học trên toàn thế giới, do Đại học New South Wales tổ chức.

Nhưng thay vì vui mừng, vợ chồng chị Mai nhận thấy một vấn đề mới nảy sinh - con quên đi một vài khái niệm của tiếng Việt. Thay vì phải nói "bóc vỏ chuối, đắp chăn", Bách Hợp lại nói "mở quả chuối, mặc chăn"... Vì thế, ngoài học tiếng Anh, chị Mai bắt đầu cho con học thêm tiếng Việt.

Chị Mai thừa nhận việc dạy con tiếng Việt "quả là khó khi con tiếp xúc tiếng Anh 9 tiếng một ngày". Ở nhà chị gần như không nói tiếng Anh với con. Cuối tuần, cả nhà cùng nhau học tiếng Việt qua sách giáo khoa mang từ nhà sang. Tuy nhiên, hiệu quả không nhiều mà chị Mai dễ nổi cáu với con vì lúc này con thiên hướng nói tiếng Anh, không muốn nói tiếng Việt.

Vợ chồng chị thay đổi cách dạy truyền thống, bắt đầu tìm các phim hoạt hình cho trẻ em của Nhật có phụ đề tiếng Việt rồi thay nhau đọc phụ đề cho con. Sau một năm áp dụng cách này, Bách Hợp đã đọc và viết được tiếng Việt.

Ở Australia ba năm, gia đình chị Mai chuyển sang Scotland do công việc của chồng chị thay đổi. Bách Hợp lại bắt đầu những điều mới mẻ, với những ngày lạnh gần như quanh năm tại Scotland. Nhưng lần này, Bách Hợp thích nghi nhanh vì đã nói tiếng Anh thành thạo.

Theo chị Mai, nền giáo dục ở Australia có nhiều cạnh tranh hơn so với Scotland. Ở Australia, Bách Hợp có kỳ thi ở trường, kỳ thi toàn quốc và có nhiều trung tâm luyện thi, trong khi Scotland gần như không có kỳ thi nào.

Việc học không áp lực thi cử nên không tạo động lực cho Bách Hợp như khi học ở Australia. Để tiếp tục duy trì động lực, chị Mai đặt mục tiêu cho con giành học bổng vào trường tư. Hơn nữa, con muốn học tập trong môi trường tốt, cách duy nhất là thi được học bổng.

Trước khi thi trường Albyn school, Bách Hợp viết một bức thư cho hiệu trưởng giới thiệu bản thân cùng những mong đợi ở môi trường học tập mới. Con làm bài thi online trong một tiếng rưỡi và có buổi phỏng vấn nhóm với thầy hiệu trưởng sau một tuần. Tại trường Robert Gordon’s College, Bách Hợp thi trong hai tiếng rưỡi với nhiều môn như toán, viết, IQ...

Sau những nỗ lực, Bách Hợp giành được học bổng của 2 trường tư thục nổi tiếng của thành phố Aberdeen: Albyn school và Robert Gordon’s College. Cậu bé nhớ mãi khoảnh khắc reo vang nhà khi nhận được thư báo được học bổng. "Con run đến độ không bóc được phong bì, phải nhờ bố bóc hộ. Khi đọc thư và biết được đã giành học bổng, con sung sướng ôm chầm lấy bố mẹ", Bách Hợp chia sẻ.

Chị Mai tâm sự con trai nhiệt tình, giàu năng lượng và hay giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên, con hơi khó gần khi lần đầu gặp và khá nhút nhát trong giao tiếp. Để con tự tin hơn, chị Mai rèn cho bé từ những việc nhỏ nhất như lên xe buýt phải tự hỏi mua vé, đi siêu thị tự tìm và hỏi nhân viên đồ dùng mẹ cần mua, gặp người lạ phải chủ động bắt chuyện...

Năm 2020, chị lập một kênh YouTube để con luyện khả năng thuyết trình trước ống kính và dạy tiếng Anh. Bách Hợp hào hứng khi tự học các phần mềm xử lý video, xử lý ảnh, học cách quản lý kênh rồi dạy lại cho mẹ. Hai mẹ con cùng bàn kịch bản cho bài thuyết trình trên kênh. Sau đó, Bách Hợp xử lý, cắt ghép video và chị Mai là người duyệt lại, nhận xét cho con những đoạn chưa hay.

Từ lúc dành cả ngày mới quay được một video nói trôi chảy, giờ Bách Hợp đã tự tin nói không cần chuẩn bị trước, các video chỉ cần quay một lần. Nhờ hoạt động này, cậu bé rèn được tính cẩn thận, trau truốt từng sản phẩm. Hiện con vẫn tiếp tục làm video cho kênh của mình với số lượng một video mỗi tuần.

Sau khi kết nối được với một số phụ huynh ở Việt Nam, chị Mai lập nhóm Facebook học cùng Bách Hợp, trong đó con sẽ hướng dẫn các bạn khác qua phần mềm Zoom vào hai ngày cuối tuần. Sau 7 tháng, Bách Hợp tự tin khi hướng dẫn, kiến thức cũng vững hơn nhờ tự học và biết cách ứng xử.

Bách Hợp mơ ước trở thành chủ doanh nghiệp về công nghệ vì thần tượng Bill Gates.


                                                                                                                    Bách Hợp luôn có mẹ đồng hành. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tháng 8 tới mới nhập học trường Albyn School, nhưng ngay từ bây giờ Bách Hợp đã tìm hiểu một số hoạt động thể thao và ngoại khóa của trường để nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Cậu bé muốn duy trì kênh YouTube và các lớp học để giúp nhiều bạn học giỏi tiếng Anh hơn nữa.

Bách Hợp cũng có kế hoạch kết nối các bạn ở trường mới với bạn ở Việt Nam để tạo nên một nhóm học tập hiệu quả. Ngoài ra, cậu bé còn muốn tự ôn luyện và thi một số chứng chỉ tiếng Anh để trải nghiệm, lấy kinh nghiệm hướng dẫn các bạn.

Chia sẻ lời khuyên giúp con hòa nhập với môi trường mới, chị Mai nhấn mạnh việc phụ huynh nên dành thời gian đồng hành cùng con. Cha mẹ cũng nên kết nối để các con có điều kiện học cùng nhau và học từ nhau.

"Tiếng Anh cũng như các ngôn ngữ khác là công cụ giao tiếp. Việc kết nối để nói chuyện và học tập vừa giúp rèn luyện phản xạ nói vừa giúp các con học những đức tính tốt từ bạn bè, nhìn vào sự chăm chỉ và thành công của bạn để mình cố gắng hơn", chị Mai chia sẻ.