Le Thi Hoa (phía trước) và các đồng nghiệp trong đội rà phá bom mìn thuộc Dự án Renew. Ảnh: SCMP

Mặc đồng phục khaki và đi bốt, Le Thi Hoa cột cao tóc và giấu nó dưới chiếc mũ tai bèo. Cô bước ra mảnh đất trống với máy dò kim loại, một chiếc xô và xẻng nhỏ trên tay.

Người phụ nữ 36 tuổi, cựu công nhân trồng cao su, cẩn thận rà chiếc máy trên mặt đất và chỉ tiến lên phía trước nếu chiếc máy không phát ra âm thanh nào. Nếu nó kêu "bíp", nhóm của cô sẽ vào cuộc.

Hoa, cùng hơn chục phụ nữ khác, là một phần trong nhóm rà phá bom mìn toàn nữ đầu tiên của Việt Nam, được thành lập vào tháng 10/2018 bởi Dự án Renew, một tổ chức chuyên loại bỏ bom mìn chưa phát nổ (UXO) ở tỉnh Quảng Trị. Dự án Renew do chính quyền tỉnh Quảng Trị thành lập vào năm 2001 và nhận tài trợ từ 17 tổ chức đoàn thể, trong đó có Bộ Ngoại giao Mỹ và Unicef. 

Ngày càng có nhiều phụ nữ Việt tham gia vào việc rà phá bom mìn, công việc từng được xem là quá nguy hiểm. Dự án Renew hiện thu hút hơn 60 phụ nữ, trong đó có 12 người vừa gia nhập trong ba tháng đầu năm nay. Tổ chức Tư vấn Bom mìn có trụ sở tại Anh (MAG) bắt đầu làm việc ở Việt Nam từ năm 1999 và cũng có số lượng nhân viên nữ tăng gấp đôi lên 167 người chỉ trong vòng hai năm qua.

Trưởng nhóm Nguyen Thi Thuy, 30 tuổi, tham gia Dự án Renew vào năm 2013, sau khi tìm hiểu về sự nguy hiểm của các loại vũ khí chưa phát nổ còn sót lại sau chiến tranh. Huyện Gio Linh, nơi cô sinh ra và lớn lên, cũng ẩn chứa hàng loạt UXO, gây nguy hiểm cho việc canh tác.

Nhóm rà phá bom mìn toàn nữ đầu tiên của Việt Nam thuộc Dự án Renew. Ảnh: SCMP

"Từ bé, tôi đã nhìn thấy rất nhiều vật liệu chưa nổ. Tôi cũng từng chứng kiến một người hàng xóm bị thương khi một UXO phát nổ", Thuy kể. "Tôi muốn giúp cho tỉnh mình được an toàn".

Chồng Thuy rất ủng hộ vợ nhưng cha mẹ cô lại lo lắng khi con gái làm công việc này. Thuy được bổ nhiệm làm trưởng nhóm vào năm 2015, cùng năm đó cô có bầu. Thuy đã làm việc đến tận tháng thứ 8 của thai kỳ và sinh ra một bé gái khỏe mạnh, hiện đã 3 tuổi.

Là một trong hai nữ trưởng nhóm của Dự án Renew, sự nhiệt huyết của Thuy đã truyền cảm hứng cho các phụ nữ khác tham gia, trong đó có Hoa. Từ nhỏ, cô đã được nghe nói về những nguy hiểm của UXO. 

"Tôi từng chứng kiến nhiều hàng xóm bị mất người thân do bom mìn", cô nói. "Tôi tự hỏi bản thân mình, tại sao mọi người vẫn phải chết và tại sao chiến tranh vẫn gây đau thương cho người dân?".

Gia đình Hoa được trấn an bằng chương trình huấn luyện an toàn mà cô tham gia cùng Dự án Renew. Trong hai tháng đầu đi làm, Hoa đã xử lý ít nhất 7 UXO.

Các nhân viên rà phá bom mìn sử dụng thiết bị dò kim loại do Đức sản xuất, có giá gần 4.000 USD một bộ. Ảnh: SCMP

Dự án Renew và MAG đang tích cực giáo dục cho người dân địa phương, đặc biệt là trẻ em, về sự nguy hiểm, quy trình rà phá và những gì phải làm khi họ gặp phải bom mìn. Theo Trung tâm Hành động Bom mìn Quảng Trị, cơ quan giám sát các tổ chức phi chính phủ liên quan đến hoạt động này, có 990 trẻ em tuổi từ 1 đến 15 đã thiệt mạng trong các vụ nổ sau khi chiến tranh kết thúc và hơn 1.600 em bị thương.

Trong khi Dự án Renew tập trung vào giáo dục tác hại của bom mìn cho học sinh, MAG hướng đến đối tượng người lớn. Họ đã tiếp cận được gần 400.000 người lớn và trẻ em, gần hai phần ba dân số Quảng Trị.

Bất chấp những nỗ lực này, việc loại bỏ hoàn toàn bom mìn khỏi Quảng Trị là điều bất khả thi. Tuy nhiên, trưởng ban liên lạc và phát triển của Dự án Renew Hien Xuan Ngo không nản lòng.

"Mục tiêu thực sự là làm cho Quảng Trị an toàn", ông nói. "Chúng tôi quyết tâm đạt mục tiêu này vào năm 2025, khi Quảng Trị sẽ được tuyên bố là tỉnh đầu tiên tại Việt Nam không còn tác động của bom mìn".

                                                                                                                                                                                                                                                                                          Theo vnexpress