Nguyễn Huyền Phương (mặc áo bò, đứng giữa) trong một chuyến đi
dạy chữ cho các em nhỏ vùng cao

Từ một đam mê

Là một bạn trẻ thích xê dịch, Huyền Phương đã dành thời gian đi du lịch, tìm hiểu cuộc sống của người dân tại nhiều vùng miền trên khắp đất nước. Trong những chuyến du lịch đến các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng núi Tây Bắc, những cảm xúc đọng lại trong tâm trí Phương không chỉ là những cảnh đẹp còn hoang sơ của thiên nhiên, mà chính là những hình ảnh xúc động về cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của người dân nơi đây.

Qua mỗi chuyến đi, Phương đều kêu gọi gia đình, bạn bè, những người xung quanh quyên góp sách vở, vật dụng, tiền bạc để làm quà từ thiện. Nhưng khi có dịp quay trở lại những vùng đất ấy, cô gái trẻ càng day dứt và buồn hơn, vì cô nhận ra, những món quà tặng mình và mọi người mang đến chỉ có ý nghĩa tạm thời, không thực sự tác động đến cộng đồng dân cư tại địa phương.

Cuộc sống khó khăn của họ vẫn tiếp diễn. Thậm chí, đôi khi, những món quà từ miền xuôi mang lên lại tạo cho bà con tâm lý chờ đợi, ỷ lại.

Đó là lý do để Nguyễn Huyền Phương bắt đầu hành trình khởi nghiệp với mô hình kinh doanh là tổ chức những chuyến du lịch tình nguyện, du khách đóng tiền để có được cơ hội tham gia nhiều hoạt động tình nguyện.

Đi ngược với số đông

Phương và những người bạn đồng hành bắt tay vào khởi nghiệp chỉ với mục đích mang đến nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho cộng đồng, mà trọng tâm là hỗ trợ người dân tại những vùng còn nghèo khó.

Lúc mới đi vào hoạt động, Tổ chức tình nguyện vì giáo dục mang đến khá nhiều bất ngờ và lạ lẫm cho những người xung quanh. Không ít người đặt ra câu hỏi: Tại sao đã đi làm tình nguyện mà lại phải đóng tiền? Nhưng các bạn trẻ có nhiệt huyết trong và ngoài nước lại rất đồng tình và ủng hộ Huyền Phương.

Địa điểm tổ chức hoạt động du lịch Huyền Phương thường chọn những địa điểm du lịch chưa được phát triển như Lô Lô Chải, Bản Cỏi, đảo Cái Chiên... Qua các chuyến đi, Phương nhận ra, muốn mang đến cuộc sống ấm no, điều đầu tiên cần làm là phải bắt đầu từ giáo dục, phải dạy cho các em nhỏ kiến thức, văn hóa và mang đến cho người dân những mô hình phát triển kinh tế bền vững.

Trong những chuyến đi do Phương tổ chức, du khách không chỉ được trải nghiệm phong cảnh, cuộc sống xung quanh mà còn có dịp tham gia các hoạt động giáo dục như dạy trẻ em địa phương học tiếng Anh, học các kỹ năng sống; hướng dẫn người dân địa phương cách làm du lịch; hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất (điện, đường, trường, trạm); hướng dẫn bà con cách triển khai các mô hình kinh tế mới như trồng rau sạch, phát triển nghề truyền thống...

 Trần Lê