Đại đội nữ pháo binh bên tượng đài được xây dựng nơi từng là trận địa pháo.

Tuổi 70, khuôn mặt bà Nguyễn Thị Thới (xã Ngư Thuỷ Trung, Lệ Thủy, Quảng Bình) vẫn rạng ngời, nụ cười còn lưu lại chút duyên thời đôi mươi. Kể về 10 năm chiến đấu của Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy chuyên đánh tàu chiến Mỹ ngoài khơi tỉnh Quảng Bình, bà Thới tươi hẳn lên.

Những năm 1967-1968, xã Ngư Thủy tiếp giáp với vùng đất giới tuyến Vĩnh Linh (Quảng Trị), là địa đầu miền Bắc tiếp tế cho miền Nam nên thường xuyên hứng chịu những trận thả bom, bắn phá của hải quân Mỹ.

Ngày 20/11/1967, Tỉnh đội Quảng Bình thành lập Đội nữ pháo binh Ngư Thủy, ban đầu gồm 37 cô gái tuổi từ 16 đến 20, trú ở ba xã miền biển Ngư Hòa, Hải Thủy, Ngư Thủy của huyện Lệ Thủy. Lúc cao điểm, Đại đội lên đến 91 người, luân phiên chiến đấu. Người dân thường gọi Đại đội pháo binh là “C gái”.

Từ ngày đầu thành lập, Đại đội được cấp bốn khẩu pháo 85mm. 37 cô gái phiên thành hai trung đội phụ trách bốn khẩu pháo, một trung đội chỉ huy - trinh sát.

“Con gái mới lớn, lần đầu thấy khẩu pháo toàn sắt thép không khỏi ớn lạnh. Chúng tôi học ngày học đêm tại trận địa để sớm làm chủ khẩu pháo. Pháo thủ học vận hành, đài chỉ huy thì tập bắt mục tiêu… Ai cũng háo hức chờ thành quả, nhưng cũng rất lo không biết có hoàn thành nhiệm vụ không”, bà Thới nhớ lại.

Chỉ hơn hai tháng rưỡi từ ngày thành lập, đến 7/2/1968, Đội nữ pháo binh đánh thắng trận đầu, bắn trọng thương tàu khu trục Mỹ khi tàu đến đánh phá vùng biển Quảng Bình. Trong 100 ngày đầu năm 1968, Đội nữ pháo binh Ngư Thủy bắn trúng ba tàu khu trục Mỹ, tạo tiếng vang lớn. 

Những cú đánh này chấm dứt hai năm liền chịu trận trước sự bắn phá của hải quân Mỹ. Mảnh đất Quảng Bình hẹp bề ngang, việc bắn được tàu chiến Mỹ buộc chúng ra xa bờ biển, giúp cho nhiều vùng trọng yếu ở phía Tây được an toàn.

Bà Nguyễn Thị Hụng (63 tuổi) khi ấy phụ trách lau đạn, chuyển đạn, nạp đạn tại khẩu đội 3. “Mỗi quả đạn to bằng bắp chân, nặng 16kg, khóa nòng 32kg nhưng tôi một tay vẫn xách nhẹ băng. Không khí chiến đấu hừng hực cả khẩu đội”, bà Hụng kể.

Trận địa pháo đặt trên một quả đổi, bốn khẩu pháo bố trí cách nhau 20 mét, bên  trái mỗi khẩu pháo là hầm đạn, bên phải là hầm chữ A trú ẩn. Đài chỉ huy chính đặt cách xa khoảng 1-2km, đài chỉ huy phụ đặt cách 4km.

Để đảm bảo an toàn cho pháo thủ, trong năm đầu thành lập, còn có một khẩu đội pháo phòng không 12,7mm do bộ đội chính quy chiến đấu chống phản pháo. Ngoài ra, sau một đợt bắn, dân quân địa phương nghi binh bằng giật bộc phá, đốt lửa ở trận địa giả đặt trên quả đồi cách 1-2km.

Nhờ việc nghi binh và nguỵ trang khéo léo, trong 10 năm tồn tại, Đại đội chỉ bị bắn trúng một lần vào năm 1972. “Một khẩu pháo bị địch bắn hư được thay thế. Rất may, cả Đại đội không ai hy sinh, chỉ bị thương”, bà Thới nói.

Bà Nguyễn Thị Thới, chính trị viên Đại đội pháo binh Ngư Thủy tươi cười kể
về thời kỳ bắn tàu chiến của Mỹ

“Tiêu diệt được địch hay không là ở những phát bắn đầu tiên. Chúng tôi có 120 quả đạn, bắn trong bảy phút để tiêu diệt tàu địch”, bà Hụng kể. Sau bảy phút bắn, nhiều pháo thủ ù đặc cả tai, rỉ máu do nghe tiếng nổ lớn và sức ép.

Ngay sau loạt bắn, các cô gái cơ động vào hầm trú ẩn để tránh phản pháo của địch. Bà Thới kể có trận phản pháo, các cô gái phải ẩn nấp trong hầm từ 10h đến 15h, bom nổ dồn dập ngay bên tai. “Lúc ấy ở làng, nhà nào có con gái ra trận địa đều nghĩ chúng tôi hy sinh cả rồi”, bà Thới nhớ lại.

Những năm chiến tranh, nhiều lãnh đạo trong nước và quốc tế đến thăm Đại đội nữ pháo binh, như Chủ tịch Cuba Fidel Castro, các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Đến cuối tháng 12/1977, chiến tranh đã lùi xa, C gái được giải tán để thực hiện nhiệm vụ khác trong thời bình. Trong lịch sử tồn tại, C gái nhận được nhiều phần thưởng, huân huy chương của Nhà nước. Tháng 8/1970, Đại đội được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang. Sau này, tỉnh Quảng Bình xây dựng tượng đài C gái anh hùng, đặt ở thôn Thượng Luật, xã Ngư Thủy Trung.

Hòa bình lập lại, các cô gái trở về với đời thường, tiếp tục giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đến nay, 12 cô gái ngày nào đã mất, những người còn thì cũng 70-80 tuổi. Điều khiến cho các nữ pháo thủ đượm buồn là trở về thời bình, họ không được hưởng một chế độ, chính sách gì dù từng bắn cháy không ít tàu chiến Mỹ, được phong đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang.

Theo VNExpress