Lê Diệp Kiều Trang, Tân giám đốc Facebook Việt Nam

Tân giám đốc Facebook Việt Nam, Lê Diệp Kiều Trang, từng được biết đến như một “ngôi sao khởi nghiệp”của Việt Nam, khi khởi nghiệp với dự án Misfit Wearables - chuyên về các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe và đo mức vận động của cơ thể. 
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh (có cha là ông Lê Văn Trí, từng là Phó Tổng giám đốc Công ty cao su miền Nam), Kiều Trang nổi tiếng học giỏi khi là thủ khoa tuyển sinh đầu vào trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong, đồng thời cũng là thủ khoa tốt nghiệp lớp 12 của trường.
 
Năm 2000, cô giành học bổng Đại học Oxford, để rồi năm 2005 tốt nghiệp với bằng thạc sĩ ngành Kinh tế học. Từng nhận học bổng tiến sỹ nhưng cô đã không theo đuổi và quyết định đầu quân cho Tập đoàn Tài chính McKinsey, văn phòng tại Boston, với vị trí chuyên gia tư vấn tài chính.
 
Thế nhưng, cô lại khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ với dự án Misfit, do chồng cô, Sonny Vũ, đồng sáng lập. Đây là doanh nghiệp tập hợp được khá nhiều bộ óc siêu việt trong giới công nghệ người Việt được đào tạo ở nước ngoài. Năm 2015, Misfit được bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD. Lúc này, đội ngũ nhân sự của công ty có hơn 20 nhân vật nòng cốt cùng nhiều thủ khoa, á khoa của các trường đại học hàng đầu Việt Nam.
 
Cô chia sẻ rằng, bài học đầu tiên trong khởi nghiệp chính là công tác tuyển dụng nhân sự. Chính nhờ thu hút được đội ngũ tinh hoa vào làm việc, công ty đã có sức hấp dẫn để tiếp tục thu hút nhiều nhân tài khác. Và đó chính là nền tảng để tạo nên giá trị của  Misfit.
 
Bài học thứ 2, đó là giá trị của kỹ năng. “Lúc đầu, tôi quan niệm chỉ số thông minh (IQ) của một nhân sự là quan trọng nhất, bởi nó đóng vai trò then chốt để phát kiến được những công nghệ mới. Tuy nhiên, khi va chạm với thực tế thì tôi lại đề cao vai trò của kỹ năng. Bởi việc thông minh, phát minh ra được điều gì đó cũng quan trọng nhưng kỹ năng mới là cái chuyển hóa sự thông minh thành cái gì đó có ích, có nghĩa”, nữ doanh nhân 38 tuổi nhận định.
 
Tuy nhiên, theo cô, bài học quan trọng nhất chính là sự am hiểu chứ không phải là số năm kinh nghiệm. Hiện có khá nhiều công ty ở Việt Nam khi tuyển dụng nhân sự thường căn cứ vào số năm kinh nghiệm, coi đó như một trong những yếu tố quan trọng để lựa chọn người.
 
Nhưng Kiều Trang nghĩ khác: “Có không ít người mặc dù có tới vài chục năm làm việc nhưng thực ra kinh nghiệm lại chẳng tích lũy được bao nhiêu. Ví dụ, người có thâm niên 20 năm nhưng nếu không biết cách tích lũy, làm cho phong phú hơn kinh nghiệm của mình, thì chỉ có thể coi là 1 năm kinh nghiệm được lặp đi lặp lại 20 lần. Vậy thì con số 20 năm kia chẳng có nhiều ý nghĩa”, cô chia sẻ.
 
Do đó, sự am hiểu sâu, rộng về công việc chuyên môn cũng như các lĩnh vực khác của một nhân sự mới thực sự có giá trị. Và đó là điều chỉ có thể định tính chứ không định lượng bằng số năm làm việc.
 
“Khởi nghiệp là trường học đẩy mình đi tới và mỗi ngày luôn là một ngày học hỏi. Công việc đó thú vị hơn nhiều, ý nghĩa hơn về mặt tài chính sau này mình đạt được”, Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ.

Hải Thanh