Nhà thiết kế Phương My - Ảnh: Jingna Zhang

* Chúc mừng Phương My với "quả ngọt" đầu năm với Tuần lễ thời trang New York (NYFW) vào tháng 2-2019, rồi sau đó lại là New York Fashion Week Bridal tháng 4-2019 và được xuất hiện trên nhiều tạp chí lớn mà trong đó có cả tờ New York Times. Làm sao để làm được những điều trên?

- Tôi nghĩ đó là thành quả của cả một quá trình. Tôi nhớ những lần làm showroom (phòng trưng bày) ở Pháp, hầu hết đại diện các chuỗi cửa hàng lớn trên thế giới đều đến xem. Nhưng họ chấp nhận đợi và quan sát tính bền vững của thương hiệu, phải qua ba, bốn mùa dõi theo thì họ mới đặt bút ký mua dù trước đó đã rất thích.

Bài giới thiệu các mẫu thiết kế của Phương My trên tờ New York Times - Ảnh: Tony Le

* Theo tôi biết thì phải đợi đến lời mời thứ ba thì Phương My mới đồng ý tham gia NYFW - một "thương hiệu" vốn rất danh giá.

- Nghe quả là hơi khó hiểu phải không anh? Lần đi họp trước đây với ban tổ chức NYFW, họ cũng nói chưa có thương hiệu nào phải mất hơn 2 năm để thuyết phục tham dự, đa phần mọi người đều rất hứng thú tham gia ngay.

Cá nhân tôi nghĩ rằng mình không làm thời trang vì ánh hào quang phù du, tôi muốn có một cái gì đó vững chắc ở phía sau. Tôi muốn biết sau sô diễn ở NYFW thì sản phẩm mình có bán được không? Ai sẽ nhìn thấy và tìm đến?

Chưa kể NYFW là sự kiện thời trang lớn hàng đầu thế giới, song song với vinh dự là áp lực vì bước vào rồi sẽ không bước ra được. Đó không phải là sân chơi để bước vào thăm thú rồi thôi, mà sau bước vào thì chỉ có một hướng đi là bước lên tiếp.

Khi bước vào thì thương hiệu của mình sẽ được nhiều người biết đến, dõi theo mỗi năm và nếu không thấy tên mình trên lịch diễn các sàn diễn lớn những năm kế thì họ sẽ nghĩ mình đã hết thời.

Một thiết kế trong bộ sưu tập áo cưới vừa được vinh danh - Ảnh: Arun Nevader

* Và ắt hẳn lần gật đầu năm nay còn có lý do khác…

- Tôi cũng muốn góp phần nâng tầm thương hiệu Việt. Hiện nay khi đi nước ngoài, chúng ta dễ dàng thấy các sản phẩm áo, quần ghi "Made in Vietnam". Nhưng khi nhìn thấy, mọi người có xu hướng nghĩ ngay "à, đây là hàng chất lượng ổn, nhưng chắc là hàng giá rẻ".

Tôi muốn khi thấy hai chữ Việt Nam thì người nước ngoài sẽ nghĩ đến hàng tốt, giá có thể sánh ngang những thương hiệu danh tiếng bởi lao động trong ngành may mặc của Việt Nam có tay nghề không hề thua kém với nước ngoài. Nếu có chăng một "điểm trừ" thì đó là một bộ phận chúng ta thường "đốt cháy giai đoạn" thành phẩm, từ đó ảnh hưởng đến sản phẩm thời trang Việt trong thương trường.

Việc tôi đưa bộ sưu tập năm nay đến trình diễn tại NYFW để thể hiện sự tự hào, dấu ấn mới cho thời trang Việt Nam.

Một thiết kế trong bộ sưu tập áo cưới vừa được vinh danh - Ảnh: Arun Nevader

* Tuy làm một nghề bay bổng nhưng ở bạn cũng thể hiện rất rõ sự tỉnh táo…

- Bởi vì nếu không thì cuối ngày chúng ta sẽ rất mệt mỏi. Dĩ nhiên có nhiều người hướng đến sự nổi tiếng, hoặc muốn mặc sức bay bổng với thời trang nhưng họ chỉ phát triển bền vững nếu sau lưng họ là một người làm kinh doanh giỏi. Bởi vì khi ra thương hiệu thì đó không chỉ là cuộc sống của mỗi NTK mà còn cuộc sống của hàng chục, hàng trăm nhân công.

Nếu tôi đưa bộ sưu tập đến NYFW và ai cũng khen nhưng cuối ngày không thấy ai mua, không thấy trưng bày trong các cửa hàng lớn trên thế giới... thì lúc đó nên tự hỏi mình đến NYFW để làm gì? Bản thân đã sai điều gì? Âm nhạc của sô diễn có ổn chưa?

Nhưng những câu hỏi đó chúng ta không được quyền hỏi sau sô diễn, mà phải là hỏi trước. Khi không có sự chăm chút, tìm tòi, phân tích kĩ lưỡng thì thương hiệu dễ dàng bị mất trong phút chốc, thời trang đâu chỉ là vẽ vời và vài sải chân hào nhoáng?

Dĩ nhiên vẫn có đâu đó là sự hên xui, nhưng khi đã mặc cho số phận thì rủi ro đi kèm cũng rất cao.

Một thiết kế trong bộ sưu tập áo cưới vừa được vinh danh - Ảnh: Arun Nevader

* Lời khuyên để các NTK Việt có thể chinh phục thị trường thời trang cao cấp quốc tế?

- Thật sự thì để một thương hiệu dễ nổi tiếng, nhiều người thường chọn hướng gắn sản phẩm mình với các nhân vật có ảnh hưởng. Dĩ nhiên hướng đi đó sẽ dễ viral (lan tỏa) nhưng tôi nghĩ đến cuối ngày, người ta sẽ không chú ý đến thương hiệu mà thường nhớ đến người nổi tiếng kia hơn. Tôi tránh hướng đi đó, muốn hướng sự tập trung của mọi người vào câu chuyện, những con người đằng sau thương hiệu.

Cá nhân tôi nghĩ đến ba điều: Đầu tiên, chất liệu phải khác bởi khi khách hàng dễ dàng tìm được chất liệu ở nơi khác thì sẽ khó "giữ chân" họ.

Thứ hai, đường cắt phải độc đáo.

Cuối cùng, câu chuyện đằng sau thương hiệu phải rõ ràng, xuyên suốt. Tôi luôn nghĩ để bán một cái đầm hai triệu trở xuống, chúng ta chỉ cần bán cái khách hàng thích. Còn nếu muốn bán bộ đồ trên 20 triệu, chúng ta phải bán những cái họ chưa nghĩ họ thích nhưng họ rồi sẽ thích vì mình thật sự hiểu con người, câu chuyện của họ.

Một thiết kế trong bộ sưu tập áo cưới vừa được vinh danh - Ảnh: Arun Nevader

* Dẫu đã được mời trình diễn ở nhiều chương trình lớn như Vancouver Fashion Week 2017, Dubai Fashion Week 2017, Tokyo Fashion Fuse Show 2011… nhưng bạn vẫn xúc động, vẫn khóc mỗi khi nhạc kết thúc bộ sưu tập trỗi lên?

- Tôi xúc động vì đằng sau các sải chân đó là công sức, sự chăm chút của hàng trăm con người, và thời gian qua thành quả chúng tôi đón nhận luôn rất xứng đáng. Tôi thường nghĩ và nhắc về từ "xứng đáng" trong các cuộc họp với nhân sự công ty, bởi vì theo tôi đó là một từ rất hay. Tôi tin điều chúng ta nhận về sẽ luôn xứng đáng với những gì bản thân bỏ ra.

Một thiết kế trong bộ sưu tập áo cưới vừa được vinh danh - Ảnh: Arun Nevader

Theo tuoitre