Xuân Quỳnh là một gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ trẻ chống Mỹ. Trong dàn đồng ca ấy, chị nổi lên với một tiếng thơ đầy nữ tính. Vẻ đẹp ấy ở thơ Xuân Quỳnh là sự hội tụ của thiên tính tự nhiên và ý thức phái tính của người phụ nữ hiện đại mà vẫn bảo lưu được những giá trị truyền thống. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng thành thực của một tâm hồn phụ nữ với cách cảm, cách nghĩ đặc trưng của giới mình, là “tiếng nói tâm tình về những ngọt bùi, đắng cay ở đời, tiếng nói của tình yêu và tình mẫu tử”. Có thể nói bên cạnh mảng đề tài về tình yêu, những bài thơ về tình mẫu tử của Xuân Quỳnh luôn toả nguồn sáng ấm áp trong lòng độc giả Việt Nam bao năm qua.

Cốt lõi của nữ tính là mẫu tính. Thiên tính này đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của văn chương nhân loại bao đời và Xuân Quỳnh không nằm ngoài quy luật đó. Trong thơ chị, mẫu tính làm nên âm điệu ấm áp, dịu dàng, làm nên những lời ru êm đềm, ngọt ngào:

“Ngủ nào ngủ ngoan

Mí yêu của mẹ”

(Ngủ nào, ngủ ngoan)

Lời ru ấy thể hiện sự vỗ về, che chở của người mẹ dành cho đứa con yêu. Từ bao đời nay, lời ru luôn là biểu hiện sâu sắc của tình mẫu tử, là sợi dây gắn kết tình yêu thiêng liêng giữa mẹ và con:

“Dẫu con đi đến suốt đời

Vẫn không đi hết những lời mẹ ru”

(Lời ru)

Lời ru khiến cho tất cả trở thành thương yêu của Xuân Quỳnh, đặc biệt là trẻ thơ, là những người con. Chị yêu con bằng tất cả kinh nghiệm của những năm tháng chiến tranh gian khổ, bảo vệ con giữa bom rơi, đạn nổ, giữa bao hiểm nguy, bất trắc:

“Con rãnh rộng bàn chân con thì bé

Trăm nhớ thương, mẹ gửi nơi này”

(Con đi sơ tán)

“Ba tháng lẫy, bảy tháng ngồi

Con chơi với đất, con chơi với hầm”

(Tuổi thơ của con)

Trong những vần thơ đầy yêu thương ấy ẩn chứa biết bao âu lo, xót xa. Vì vậy, người mẹ ấy luôn ước ao:

“Con thức ban ngày, mẹ chở che con

Khi con mơ mẹ làm sao che chở

Trong giấc mơ chỉ mình con bé nhỏ

Chỉ mình con chống chọi với quân thù

... Nếu giấc mơ là ngôi nhà cửa mở

Thì mẹ sẽ vào che chở cho con”

(Dải đất thuộc về tôi)

Những ước ao lạ lùng này đã là sự thể hiện rõ ràng nhất cho tình mẫu tử trong thơ chị. Cái thiên tính nữ cao đẹp ấy đã khiến chị có thể đi sâu vào thế giới trẻ thơ, nhìn mọi vật bằng con mắt trẻ thơ. Chị thấu cảm đến tận đáy lòng những tâm tư suy cảm của con trẻ. Và những câu thơ chị cứ hồn nhiên như lời của một em bé:

“Tôi kể với các bạn

Một màu trời đã lâu

Đó là một màu nâu

Bầu trời trong quả trứng

Không có gió có nắng

Không có lắm sắc màu

Một vòm trời như nhau

Bầu trời trong quả trứng”

(Bầu trời trong quả trứng)

Điều đó chỉ có thể có được ở tấm lòng của một người mẹ tha thiết yêu con. Bằng trái tim trọn vẹn yêu thương của một người mẹ, chị cảm nhận sâu sắc tình cảm thân thương con gái giành cho mình. Và tiếng thơ bật lên như tiếng nói của tình mẫu tử:

“Con yêu mẹ bằng ông trời

Rộng lắm không bao giờ hết.

…À mẹ ơi có con dế

Trong bao diêm con đây

Mở ra là con thấy ngay

Con yêu mẹ bằng con dế.”

(Con yêu mẹ bằng con dế)

Sở dĩ Xuân Quỳnh viết nhiều, viết hay về tình mẫu tử bởi chị không chỉ viết bằng tâm hồn của người nghệ sĩ, bằng tấm lòng của một người mẹ mà còn bằng những mặc cảm côi cút của tuổi thơ mình. Sự thiếu thốn hơi ấm tình mẹ cha trong tuổi thơ Xuân Quỳnh đã dấy lên khát khao được giãi bày, được bù đắp, được chia sẻ, được an ủi và nó được cụ thể hoá qua những vần thơ ngọt ngào, chan chứa tình mẫu tử. Và với sự nhạy cảm đặc biệt của một đứa con gái mồ côi, Xuân Quỳnh đã có những lời thơ thấm thía, tinh tế cho một đứa trẻ sớm chịu cảnh chia ly của cha mẹ. Chị đã vượt qua được mối quan hệ vốn phức tạp, khó khăn xưa nay giữa dì hai và con chồng, giúp đứa trẻ thoát khỏi mặc cảm về một gia đình bất hạnh. Chỉ bằng mấy câu thơ , Xuân Quỳnh đã xoá tan mặc cảm trong lòng đứa bé:

“Con làm bằng yêu thương

Của cha và của mẹ

Của ông và của bà

Của má nữa, biết không

Con làm bằng tất cả”

(Cắt nghĩa)

Chính chị đã từng nói: “Thơ – đó là món quà của các bạn nhỏ ngày xưa tặng các bạn nhỏ bây giờ” vì vậy mà bao đắng đót, chua cay Xuân Quỳnh đã chắt lọc qua tâm hồn chan chứa yêu thương để nó chỉ còn là thơm tho, ngọt lành. Điều đó làm nên một thế giới trẻ thơ trong trẻo, thánh thiện – thế giới cổ tích:

“Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con”

(Truyện cổ tích về loài người)

Nơi đó làkhông gian củatrìu mến, ấm áp, của yên bình với:

“Màu xanh bắt đầu cỏ

Màu xanh bắt đầu cây

Cây cao bằng gang tay

Cái hoa bằng cái cúc

Màu đỏ làm ra hoa”.

(Truyện cổ tích về loài người)

Thế giới ấy còn tràn ngập cả thương yêu:

“Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Cho nênmẹ sinh ra

Để bế bồng chăm sóc.

Chuyện ngày xưa, ngày sau

Không hiểu là từ đâu

Mà bà về ở đó...”

(Truyện cổ tích về loài người)

Cả cuộc đời Xuân Quỳnh là một bài thơ – bài thơ của một tâm hồn phụ nữ khao khát yêu thương và khát khao được trao gửi thương yêu, của một trái tim nhân hậu, đằm thắm và giàu nữ tính. Chính Xuân Quỳnh từng thổ lộ với chị gái mình: “Em đã viết những điều em đã sống”. Chị viết và sống như một sự hối thúc được giãi bày, một cách để trải lòng yêu thương cho cuộc sống, cho trẻ thơ mà trước hết là những đứa con của chị. Và phải chăng tâm hồn thành thực ấy chính là sức hút mạnh mẽ của thơ Xuân Quỳnh đối với độc giả Việt Nam. Và đặc biệt, cái tình mẫu tử ấm áp, tốt lành ấy sẽ mãi là một ngọn lửa cháy sáng trong lòng độc giả Việt Nam, gieo vào lòng con trẻ sự vị tha và tình yêu thương cao thượng.

Theo hoilhpn.org.vn