Dương Đăng Trúc Khuyên hiện làm ở khoa chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) của Microsoft /// NVCC
 
                         Dương Đăng Trúc Khuyên hiện làm ở khoa chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) của Microsoft

Cuộc phỏng vấn ấn tượng kéo dài 5 tiếng đồng hồ

Từng hai lần thực tập ở Google, được cấp học bổng thực tập tại Viện công nghệ Hà Lan, cũng từng “kinh qua” nhiều công ty công nghệ lớn nhỏ khác nhau nhưng với Dương Đăng Trúc Khuyên (27 tuổi, TP.HCM) thì kỳ thi tuyển dụng vào Microsoft ấn tượng hơn cả.
Dương Đăng Trúc Khuyên là cử nhân ngành khoa học máy tính ở Đại học Texas tại Austin (Mỹ), cô đang làm kỹ sư phần mềm tại Microsoft chuyên về mảng AI, đồng thời Khuyên cũng đang theo học cao học ngành trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford - một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ hiện nay.
“Sau khi hoàn thành chương trình đại học, khi nộp hồ sơ em nộp cả 100 công ty, trong đó có cả Microsoft. Và may mắn là em có nhận được mail thông báo phỏng vấn của ông lớn này. Về cuộc phỏng vấn đề vào Microsoft em trải qua 2 vòng. Vòng đầu tiên, đại diện phỏng vấn của công ty sẽ phỏng vấn trực tiếp ở trường, và cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 1 tiếng. Những thí sinh được chọn sau đó được Microsoft đài thọ chi phí để ứng viên qua trụ sở chính tại bang Washington để phỏng vấn vòng 2", Khuyên cho biết.
Cũng theo Khuyên, kỳ phỏng vấn này cực kỳ căng thẳng khi có tới 5 người phỏng vấn, mỗi người kéo dài cả tiếng đồng hồ và cuộc phỏng vấn của em kéo dài liên tục 5 tiếng đồng hồ. Cứ mỗi đợt kéo dài cả tiếng, sau đó ứng viên được nghỉ giải lao 15 phút rồi lại tiếp tục phỏng vấn.
"Các câu hỏi tùy vào team phỏng vấn, lúc đó em được phỏng vấn bởi khoa AI và Reasearch nên các câu hỏi cô nhận được những câu hỏi chuyên ngành như thuật toán, về công nghệ, AI…", nữ sinh chia sẻ.
Khuyên bật mí, thường những tập đoàn lớn sẽ tổ chức phỏng vấn rất kỹ và khó, Khuyên đã dành 2-3 tháng liền chỉ để luyện tập phỏng vấn.
Điều đặc biệt, là chỉ sau 4 ngày phỏng vấn, Khuyên nhận được thông báo của Microsoft về việc chính thức được nhận vào tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này với mức lương hàng trăm ngàn đô mỗi năm. Khuyên được nhận vào làm ở khoa chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI), chuyên môn của cô thiên về nghiên cứu các ứng dụng trong lĩnh vực này.

Microsoft tài trợ chi phí học thạc sĩ tại ĐH Stanford

Tốt nghiệp chuyên tin của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, trong khi hầu hết các bạn đều nhận học bổng du học hoặc chọn học ở những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam thì Khuyên quyết định gap year (nghỉ 1 một năm) để định hướng và chuẩn bị hồ sơ xin học bổng ở các trường đại học lớn.
Trước đó, Khuyên không có ý định du học Mỹ mà hướng tới các trường khác ở Phần Lan, Hồng Kông, Hà Lan và được khá nhiều trường cấp học bổng. Tuy nhiên, sau đó cha mẹ cô đều khuyên du học ở Mỹ để sống gần nhà người thân nên cô đã quyết định chọn học ở Oklahoma State University.
Từ năm nhất đại học, Khuyên đã nhiệt tình tham gia các cuộc thi về lập trình do trường tổ chức và giành nhiều giải thưởng. Cũng nhờ những cuộc thi này, Khuyên lọt vào mắt xanh của các thầy cô trong khoa và được mời tham gia một số dự án nghiên cứu của họ. Từ những kinh nghiệm đó, ngay trong năm học đầu tiên Khuyên quyết định nộp hồ sơ thực tập vào gã khổng lồ Google.
“Lúc đầu Google từ chối, không cho em được phỏng vấn vì trường em học không phải là trường top trong ngành công nghệ, mà phải chờ có bảng điểm năm học mới xem xét. Lúc đấy may mắn là cuối năm học em tổng kết GPA 4.0/4.0 và may mắn được gọi phỏng vấn và được nhận vào thực tập ngay năm đầu tiên”, Khuyên kể.
Tiếp tục duy trì phong độ học tập, năm thứ 2 Khuyên tiếp tục thực tập ở Google. Sau khi hoàn thành 2 năm đầu tiên, Khuyên quyết định chuyển sang học Đại học Texas tại Austin. Điều này khiến cô phải mất 5 năm để học đại học vì một số học phần ở trường đại học cũ không được chấp nhận ở trường mới.
Ở lần thứ 3 đi thực tập, với mong muốn thay đổi môi trường thực tập để có nhiều cơ hội cọ xát, Khuyên chuyển qua làm một dự án nghiên cứu ở ĐH Bách khoa liên ban Thuỵ Sĩ… Cô sau đó cũng tham gia thực tập ở những công ty khác để có thể có cái nhìn toàn cảnh về ngành học của mình.
“Đối với ngành công nghệ, đặc biệt là AI cô cho biết sẽ không làm việc hay ở lại một công ty nào đó quá lâu vì quy luật phát triển chóng mặt của ngành này. Bản chất ngành công nghệ phát triển liên tục, nếu mình ở lâu một chỗ mình sẽ tụt lại phía sau”, Khuyên nói và cho biết cô vào Microsoft năm 2018, sau gần một năm làm việc, cô được Microsoft tài trợ toàn bộ chi phí để học lên thạc sĩ tại ĐH Stanford.

Theo Thanh Niên