Chị Hương (thứ 3 từ phải qua) trong một chuyến từ thiện tại Sơn La


Muốn tự đứng trên đôi chân của mình

Chị Thu Hương đang có một gia đình hạnh phúc bên người chồng hết mực yêu vợ và chăm lo cho cả gia đình, một cuộc sống đủ đầy, không vướng bận quá nhiều đến kinh tế. Tuy nhiên, sâu thẳm trái tim, chị luôn nung nấu và khát khao làm một điều gì đó để khẳng định bản thân. Biết phía trước sẽ nhiều chông gai, khó khăn, vất vả song cuối cùng, chị đã chọn và quyết tâm đến cùng chinh phục đam mê kinh doanh.

Chị đến với bánh mỳ và kinh doanh bánh mỳ như là duyên nợ. Sau quá trình chuyển giao cơ sở hạ tầng cho bên siêu thị Fivimart, chị đã đề xuất giữ lại dây chuyền sản xuất bánh mỳ. Ý tưởng tách ra và kinh doanh bánh mỳ của chị đã gặp không ít trở ngại từ Ban giám đốc, họ không tin vào việc đơn thuần kinh doanh bánh mỳ sẽ mang lại hiệu quả.

Chị  Thu Hương (áo đen) trong chương trình vui Tết thiếu nhi mà bánh mỳ SAPO
tổ chức ở Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hà Đông

Đặc biệt là chồng chị, anh phản đối việc vợ tự kinh doanh. Anh e ngại, nếu chị lao vào công việc sẽ ít có thời gian dành cho gia đình, con cái thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Nhưng trước sự quyết tâm, tự tin vào bản thân và xây dựng kế hoạch, đường lối rõ ràng, chị đã thuyết phục được niềm tin tưởng ở gia đình, đồng nghiệp.

 Tưởng vậy là êm xuôi song chị Thu Hương tiếp tục gặp phải những vấn đề nan giải khác: Đó chính là tìm phân khúc thị trường, làm việc với nhà cung cấp nguyên liệu, quy trình làm bánh, quản lý chất lượng và định lại hướng đi cho bánh mỳ SAPO làm sao có thể  cạnh tranh và đáp ứng được thị trường...

 Thời điểm bắt đầu, chỉ với nguồn nhân lực chưa đến 10 người nhưng với ý chí quyết tâm, không ngại vất vả, khó khăn, chị và đội ngũ nhân viên đã cùng nhau làm tất cả mọi việc mà không hề có sự phân biệt lãnh đạo - nhân viên. Bản thân chị thậm chí không nề hà cả việc đứng bếp rán hay đóng bánh cho khách hàng. Chị muốn được hòa mình vào công việc chung của mọi người, vào đam mê làm bánh với mong muốn mang lại những sản phẩm thơm ngon nhất, chất lượng nhất.

 “Với doanh thu ban đầu chỉ khoảng 3 đến 5 triệu đồng/ngày nhưng từ tháng thứ 2 trở đi, doanh thu đã có sự khởi sắc rõ rệt, một ngày thu được 20 triệu rồi tăng lên 30 triệu đồng. Lúc này, tôi nhận thấy rõ hướng đi của mình là đúng đắn, bản thân cần làm gì và nên tiếp tục phát triển ra sao. Bên cạnh đó, khi nhìn thấy nhân viên làm việc chăm chỉ, hăng say, quên cả giờ giấc, tôi càng có thêm niềm tin vững vàng vào một thành công không xa”, chị Hương cho biết về quá trình để gây dựng thương hiệu bánh mỳ SAPO.

Hiện tại, với thương hiệu bánh mỳ SAPO, chị và các cộng sự cho ra lò nhiều loại bánh mới, phong phú về chủng loại, giá cả cũng rẻ hơn để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, bắt kịp xu hướng trên thị trường. Thương hiệu bánh mỳ SAPO cũng được nhiều người biết đến qua các kênh phân phối, các chuỗi siêu thị, các cửa hàng tiện ích và các cửa hàng bán thực phẩm sạch.

Với phương châm đặt chữ Tâm lên hàng đầu trong kinh doanh cũng như cách đối nhân xử thế mà chị được khách hàng quý mến, nhân viên dưới quyền nể trọng. Đây cũng chính là động lực và nguồn cổ vũ tinh thần để chị đưa thương hiệu bánh mỳ SAPO ngày một lớn mạnh và có chỗ đứng trên thị trường.

 Mê làm từ thiện

 Khi cuộc sống, công việc kinh doanh đi vào ổn định, công ty đã có doanh thu khá nhưng sâu trong trái tim chị lúc nào cũng chẳng thể nguôi ngoai nỗi trăn trở trước cảnh đời của những người yếu thế. Ít ai hiểu, ẩn dưới vẻ bề ngoài rất sắc xảo, mạnh mẽ ấy là những nỗi niềm rất đời, rất nhân văn: Chị muốn dùng khả năng, vốn sống của mình để giúp đỡ những người yếu thế, những cảnh đời còn vất vả, khó khăn. 

Chị là người tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện - nhân đạo như tham gia tổ chức giúp đỡ bà con vùng lũ Mường La (Sơn La), chuyển bí đỏ từ vùng lũ về Hà Nội và bán ngay tại cửa hàng số 8 Quang Trung (Hà Đông). Số tiền bán bí được bao nhiêu, công ty bù thêm tiền mua 100 bồn nước nhựa cùng 2 tấn gạo và các đồ nhu yếu phẩm để mang lên ủng hộ cho bà con. Đó còn là những lần chị cùng các con và bạn bè trong lớp đi tặng xe đạp, sách vở và dụng cụ học tập cho các bạn học sinh nghèo vượt khó ở Hòa Bình...

 “Trong một lần đi lên Mường La làm từ thiện, khi quà tặng đã trao hết cho bà con có tên trong danh sách thì tôi phát hiện ra có một người dân đang rất buồn khổ vì nhà cửa bị cuốn trôi hết. Trong lòng áy náy vô cùng, tôi đã lấy ra 3 triệu đồng và đưa cho con gái đến chia sẻ, trao tận tay cho bác ấy. Chứng kiến hoàn cảnh đó, con gái tôi đã khóc và tôi thì thấy mắt mình cay xè”, chị Hương trải lòng về một kỷ niệm trong chuyến đi từ thiện của mình.

 Mới đây, chị Hương đã cùng các nhân viên của bánh mỳ SAPO, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 cho các cháu đang điều trị tại khoa nhi của Bệnh viện. Dự kiến trong năm nay, chị Hương và Công ty sẽ cùng với chính quyền sở tại hoặc địa phương để thực hiện chương trình trao và tặng xe bán bánh mỳ (với hình thức nhượng quyền) cho những gia đình nghèo và những khách hàng quan tâm. “Theo mô hình Chương trình lục lạc vàng, mọi người trao bò cho các hộ dân nghèo. Còn ở đây, chúng tôi sẽ trao xe hàng bánh mỳ để người nghèo, sinh viên nghèo có cần câu cơm”, chị Hương cho biết.

 Chị Hương chia sẻ: “Sự đồng cảm đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó giúp những người nghèo khổ để họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Nhìn thấy những người nghèo hạnh phúc khi có cuộc sống khá hơn, các cụ cao tuổi vui mừng khi nhận quà mình tặng, nét mặt háo hức của các học sinh vùng cao khi nhận tập vở, xe đạp..., tôi cũng thấy vui lây. Mình làm từ thiện là xuất phát từ cái tâm, với mong muốn được giúp đỡ và chia sẻ một phần khó khăn với những người có hoàn cảnh không may mắn”.

Hạnh phúc đôi khi chỉ là những yêu thương cho đi mà không cần nhận lại. Đó chính là sự đồng cảm. Trái tim rộng lớn và bao dung là nguồn sống, là động lực để chị tiếp tục cố gắng trên con đường chị đã chọn.

 Trường Lê - Mai Tường