'Chim trời cá nước mà nuôi làm gì?'
Cạnh hàng rào Thảo cầm viên Sài Gòn, một bà cụ tay vung nắm thóc, miệng thì hô to: “Già ơi, Giàaaaaa! Già ơi, Giàaaaaa!”. Ngay sau đó, đàn chim trời với đủ các loại: nào là sẻ, sáo sậu, chim cu, bồ câu sà xuống mổ thóc, lấp đầy một khoảng vỉa hè đầy cây xanh mát rượi.

Đó là bà Hồng Tuyết Mai (64 tuổi), người ta gọi bà là bà Năm “khùng”. Ai gặp bà cũng nói: “Chim trời, cá biển thì nuôi làm gì?”. Ấy vậy mà bà đã nuôi và thương yêu lũ chim, sóc,… như những đứa con của mình. Cứ canh đúng giờ, bà lại ra điểm quen thuộc gọi tên "từng đứa" như thể gọi con về ăn cơm.
Bà Mai xé nhỏ ổ bánh mì nguội ngâm vào ly nước, vừa làm bà vừa tâm sự: “Khoảng 10 giờ là mấy con sáo già, chim sâu xuống đất kiếm ăn, tôi mà ra trễ chút chắc tụi nó xỉu hết. Còn phần bánh mì này, tôi để dành cho mấy con sóc ăn vào lúc 11 giờ”
Bà Mai kể, ngày trước, con trai của bà thấy những chú chim non bị thương hoặc rơi khỏi tổ thì mang về nhà chăm sóc. Đến khi các chú chim này khỏe mạnh, có thể bay được thì con bà để chúng được trở lại với môi trường.
Nhìn thấy việc làm ý nghĩa của con, bà nảy ra ý tưởng sẽ cho những chú chim trời, những con thú hoang ăn thóc.  


Hằng ngày, bà Mai chi khoảng 100.000 đồng để mua thóc, chuối, bắp,... rồi đem ra những địa điểm quen thuộc để gọi đàn chim xuống ăn. Cứ đều đặn như vậy, đến nay bà Mai đã làm công việc này được hơn 10 năm.
“Đậu phộng 10.000 đồng, cơm 5.000 đồng, bắp 20.000 đồng, sâu bọ 60.000 đồng, còn lúa gạo thì nhà có bao la khỏi mua! Bán có nhiêu tiền cho tụi nó ăn hết, tui không còn cắc bạc nào”, bà Mai cười khanh khách.
Nói rồi bà quay sang chiếc lồng treo trên hàng rào, bên trong có hai con sóc nhen nhỏ xíu, bà nói: “Hai anh đẹp trai này hôm kia bị gió thổi rơi từ trên ổ xuống đất, mấy bà bán nước ở đây la lên. Tôi lật đật chạy ra ẵm về nuôi. Thấy nhỏ vậy chứ một ngày tụi nó uống hai bình sữa đó”.


Chăm chim hơn chăm con mọn
Hơn 4 giờ sáng, bà Mai bắt đầu một ngày mới bằng việc nhoài mình trên chiếc xe đạp cũ từ nhà ra Q.5 để mua dế, châu chấu, sâu về cho chim ăn. Trên xe của bà lúc nào cũng có một túi gạo trộn lúa, bánh mì ngọt, chuối, bắp, bánh mì ngâm nước để trên đường về bà rải cho chim trời, thú hoang ăn.

Bà thường ngồi trên yên sau xe, đẩy chân để xe chạy chầm chậm, đến điểm quen bà lại gọi “Già ơi, Giàaaaaa! Già ơi, Giàaaaaa! Ời Ời!”, rồi hốt một nắm gạo thóc chìa ra. Chưa kịp rải xuống đất là hàng chục con chim trên cây đã sà xuống bãi cỏ xanh mướt như những đứa trẻ chờ mẹ đi chợ về.
Cứ thế bà đi từ nhà thờ Q.5, qua ngã bảy Lý Thái Tổ, rồi đến công viên Tao Đàn, Thảo cầm viên. Chiều đến, bà lại rảo bước dọc đường Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, sau đó bà quẹo sang Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu rồi mới về nhà.
Công việc hằng ngày của bà Mai là bán đồ chơi trước Thảo cầm viên. Vậy nên dù lễ, tết gì bà vẫn đi bán đều đặn. Bà Mai cười khà khà nhìn tôi rồi nói: "Bán được hay không được gì thì 5 giờ chiều tui cũng nghỉ. Biết sao hôn? Về dọc đường còn cho mấy "đứa con" ăn, tụi nó đang chờ tui ở ngoài đường á”.
“Có đợt bán không được, hết sạch cả tiền vốn nên phải đi mượn. Mà mượn hổng được nên tui phải đi cầm vàng để có tiền làm vốn, chừng có tiền thì đi chuộc lại. Nhiều người còn nói tui là “bà điên, bà khùng lấy tiền nuôi chim trời”. Tui nói kệ tui, không cho ăn tội nghiệp mấy con chim”, bà Mai kể lại.

Cứ vậy, mấy chục năm nay ngày nào bà cũng cho đàn chim trời, thú hoang ăn riết thành quen. Có những ngày bà bệnh nằm bệnh viện thì cậu con trai sẽ thay bà làm công việc này. Những hôm chim về ăn ít, bà Mai hiểu rõ vì sao nên bà giận lắm những người đã săn bắt đàn chim trời. Những ngày như vậy bà Mai lại bị mất ngủ, ăn uống cũng chẳng ngon.
Và bà Mai vẫn mặc kệ những lời người ta nói. Vì với bà, mỗi ngày còn được cho đàn chim trời, thú hoang ăn là còn niềm vui, còn hạnh phúc trong cuộc đời.

Theo Thanh niên