Bà Quỳnh Nga trên sân khấu đêm nhạc

Ra đi lập nghiệp tại nơi xứ lạ với hai bàn tay trắng, chị Quỳnh Nga đã trải qua những bước thăng trầm của cuộc đời, bươn chải, vật lộn với biết bao khó khăn nghiệt ngã, giấu tận đáy lòng nỗi nhớ quê hương cồn cào và sự cô đơn khắc khoải khi thiếu hụt “một nửa” của mình, để gồng mình kiếm sống, mong một tương lai sáng lạn không chỉ cho chính bản thân mà còn cho biết bao người Việt Nam.

Và chị – người phụ nữ bản lĩnh, can trường mà vẫn lạc quan, yêu đời, dịu dàng đầy nữ tính ấy đã làm được điều đó khi tự hóa thân thành ba nhân vật trong một con người.

Nhân vật thứ nhất mà chị đóng vai là làm trụ cột trong gia đình. Một mình nuôi con nhỏ khôn lớn, một mình vò võ kiếm kế sinh nhai để sau 30 năm xa xứ, chị đã là người phụ nữ thành đạt, có uy tín trong cộng đồng người Việt tại Berlin. Nhân vật thứ hai của chị là trở về với chính đam mê của mình, là ca hát, là làm nghệ thuật để mang niềm vui đến cho mọi người.

 Xuất thân là một nữ ca sỹ đầy triển vọng, bắt đầu có tiếng tăm tại Việt Nam nhưng vì cuộc sống phải xa quê, chị vẫn luôn mong được mang tiếng hát của mình phục vụ cho bà con Việt kiều để cùng thỏa nỗi nhớ đất Mẹ. Mỗi dịp Tết cổ truyền - Xuân về, hay nhân các ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam, chị thường tới các vùng có người Việt mình sinh sống, hát cho họ nghe những khúc ca của quê hương.

Và nhân vật thứ ba chị hóa thân – đó là làm Tổng biên tập báo điện tử Viet-bao.de, một trang báo hoạt động hiệu quả với năng suất cao và lượng truy cập là người Việt tại Đức. Vậy mà toàn bộ các công việc của một cơ quan báo chí từ lấy tin, chụp ảnh, biên tập, đăng bài,… đến Tổng biên tập đều do một mình chị làm.

Trang báo của chị cập nhật đa dạng thông tin về văn hóa, Phật giáo và đôi khi lại là những bài viết kêu gọi sự ủng hộ của kiều bào cho đồng bào nới quê nhà khi gặp khó khăn do thiên tai, lũ lụt.

Chị kể lại: Mỗi khi có sự kiện của cộng đồng mình thì chị lại thu xếp chu đáo việc gia đình, cổ đeo máy ảnh, máy quay, tay cầm điện thoại, micro để vừa tác nghiệp báo chí, vừa làm MC (dẫn chương trình), rồi lại hát phục vụ kiều bào. Ba nhân vật đồng thời tồn tại trong một con người bà là như vậy đó…

Đêm nhạc “Trở về 16” vào tối ngày 15/12/2016 tại quán cà phê nhỏ một ngày đâu đông se lạnh của Hà Nội, trong không gian nhỏ ấm cúng, đầy ắp tình yêu thương của đông đảo người thân, bạn bè, Phạm Quỳnh Nga đã được trải lòng mình qua tiếng đàn, câu hát, dẫn dắt khán giả đi cùng chị ngược lại thời gian để tận hưởng những phút giây thật xúc động.

Nhiều ca sỹ gạo cội, nổi tiếng như: NSND Thái Bảo, NSƯT Hà Vi, Thanh Tâm, Tuyết Tuyết, Quỳnh Hoa; trẻ tuổi như Mai Thi, Xuân Thuận… đã tặng chị những bài ca của quê hương, những bài ca mà một thời chị đã cùng họ hát khi chưa lưu lạc nơi xứ người. Điểm nhấn của “Trở về 16” là hai ca khúc do chính Phạm Quỳnh Nga sáng tác và trình bày.

Đó là ca khúc “Chơi vơi” – lời tự sự của tác giả về sự cô đơn, về nỗi nhớ cồn cào trên con đường đi tìm một bờ vai cho điểm tựa hạnh phúc. Nhạc sỹ Nguyễn Cường, người thầy đã động viên, dìu dắt chị trong nghệ thuật đã chia sẻ rằng: Đây là một tác phẩm âm nhạc “hay và độc” bởi chỉ có thế là của riêng Quỳnh Nga, không trộn lẫn với ai và mang nhiều cảm xúc từ một người đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm trong cuộc sống.

Ca khúc thứ hai là bài hát “Cưới” lại như lời động viên, thể hiện niềm tin, sự lạc quan để đón nhận niềm vui và hạnh phúc. Đạo diễn, nhà báo Nguyễn Trường Sơn – một người bạn thân thiết, lâu năm của chị đã xúc động nói: “Quỳnh Nga là người phụ nữ rất lạ và giỏi. Chị đã tự mình vượt qua bao khó khăn dù phải đóng rất nhiều vai trò trong gia đình, trong xã hội để ngày trở về của chị được hân hoan, được nồng ấm trong vòng tay của đất Mẹ…”.

Đêm nhạc khép lại trong tiếng hát ca tưng bừng của tất cả khán phòng. Quỳnh Nga đã khóc – những giọt nước mắt hạnh phúc của chị làm ấm lại đêm đông Hà Nội. Mong sao những lần trở về của chị sẽ là nguồn động viên vô giá cho những người con xa xứ./.


                                                                                                                    Theo VOV.VN