Cụ bà Phạm Thị Quảng


Đã 92 tuổi nhưng cụ bà Phạm Thị Quảng ở 14 phố Đào Duy Từ, Hà Nội vẫn còn rất minh mẫn, đặc biệt bà có biệt tài chia sẻ, tâm tình bằng thơ.

Cuộc hôn nhân 70 năm của bà khép lại khi cụ ông ra đi cách đây 3 năm, để lại một khoảng trống không thể lấp đầy nhưng bà vẫn lạc quan sống. Nhớ ông bà lại làm thơ, đọc cho hàng xóm và khách uống trà của bà.

Nhiều năm chung sống, ngoài trọn đạo của một người vợ hiền, dâu thảo bà còn nhiều lần "tạo điều kiện" để ông đi tìm "người thứ ba" vì bà không muốn có con. Bà đi xem tử vi, người ta bảo "Bà có con thì toàn đứa mất dạy". Lạ một điều bà rất tự nguyện và vui vẻ. Ông cũng rất tôn trọng vợ. Theo như bà kể: "Vợ cho đi thì mới được đi" .

Mẹ chồng bà rất thương con dâu, chưa một lần nhắc chuyện mong có cháu với bà. Sau khi mẹ chồng mất, bà chủ động giục ông đi tìm vợ thứ. Cưới vợ cho chồng, sống hòa thuận được 23 năm thì người vợ thứ mất. Bà làm cả một tập thơ đưa tiễn vợ thứ của chồng, dòng nào, trang nào cũng đong đầy tình cảm chân thành.

Ngoài người vợ thứ này ông còn rất nhiều mối tình khác, có cô còn chủ động tặng bà vé xem kịch để hai ông bà đi với nhau. Bà bảo: "Cô ý lịch sự lắm, tiếc là lúc cô ấy mất tôi không biết để đưa tang".

Tuy được vợ "tạo điều kiện" như vậy nhưng đến lúc mất ông cũng không có một người con nào.

Tình yêu vị tha và bao dung của bà dành cho ông thật khó có ai bì kịp. Về cuối đời, khi các mối tình đã bay theo gió đi xa cả. Còn lại mình bà tận tụy, thủy chung, chăm sóc ông từng chút một.

Có lần ông vào viện, cô y tá không cho kéo rèm cửa sổ. Bà sợ nắng chói mắt chồng nên gắng ngồi sấp bóng, che nắng khỏi hắt vào mặt ông. "Em ngồi che nắng cho anh/ Để đỡ chói mắt cho mình ngủ ngon".

Bà bảo ông thích ăn phở lắm, cả ngày ăn phở cũng được nhưng trước khi mất, ông thấy nhọc trong người, không ăn được. Tiễn biệt chồng, người đàn ông đào hoa trở về với cát bụi bà viết nên những dòng thơ đau xót:

"Anh dặn em rằng tuổi 90, năm nay ăn tết thật là vui

Mà sao anh cứ nằm trong viện, lỡ hẹn em rồi anh Đinh ơi

Anh cứ nằm im chẳng biết gì, ngờ đâu đến lúc phải chia ly

Các cháu bên anh chờ từng phút, tiếng gọi tim ngừng thực hay mơ

Anh đã đi rồi sao anh ơi, bằng lòng trọn vẹn cả cuộc đời

Tất cả ra về anh nằm lại, âm thầm lạnh lẽo quá anh ơi"

Lo chu toàn hậu sự cho chồng, bà trở về với thực tại, với cuộc sống vắng ông. Những ngày đầu bà không chỉ thắp hương trên ban thờ mà mỗi bữa ăn bà còn để thêm bát đũa như lúc ông còn sống. Bà vừa ăn cơm, vừa gắp cho chồng những món yêu thích. Cuối bữa, bà ăn lại chén cơm ấy: "Vừa văn minh, lại không hoang phí". Bà tự an ủi:

"Cửa căn hộ bé nhỏ xinh xinh, có mặt tiền

 Anh đi còn lại có mình em

Những buổi ban đầu nhà vắng vẻ

Nỗi buồn thầm lặng suốt ngày đêm

Chính mình cũng phải có niềm tin

Mở cửa bán hàng lại có tiền

Giao lưu với khách thêm trí tuệ

Cuộc sống hàng ngày dần cũng quen."

Người đàn bà gốc Hà thành, chia sẻ kinh nghiệm 70 năm hôn nhân của mình: "Con gái là phải nề nếp, lịch sự, sống đàng hoàng, không nói năng bừa bãi. Người chồng đi làm về mệt mỏi mình nên tươi tỉnh và có những sự chăm sóc vồn vã."

                                                                                                         Theo Thanh niên online