Nguyễn Thị Phương Nghi. Ảnh: Nhân vật cung cấp




"Em hạnh phúc vì ước mơ đã trở thành hiện thực", Phương Nghi, cán bộ nghiên cứu sinh năm 1995 của Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM, chia sẻ trong buổi lễ nhận học bổng Chevening tại tư gia Đại sứ Anh hôm 22/8.

Học bổng của Nghi gồm học phí, sinh hoạt phí và một số chi phí khác trong một năm học thạc sĩ ngành Khoa học trị liệu tại Cambridge, đại học tốt thứ hai nước Anh và đứng thứ bảy thế giới năm 2020 (theo QS).

Là cựu học sinh lớp chuyên Anh trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM), Nghi được bố mẹ hướng học Sư phạm tiếng Anh bậc đại học. Cho rằng đã học đủ để giao tiếp, đọc hiểu sách báo, Nghi muốn dùng tiếng Anh như công cụ để khám phá một lĩnh vực mới thay vì nghiên cứu chuyên sâu ngôn ngữ này.

Đúng lúc loay hoay chọn ngành đăng ký thi đại học, Nghi được xem thí nghiệm giải thích về ngành Kỹ thuật y sinh của GS Võ Văn Tới (Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM). Cảm thấy hứng thú, Nghi quyết định thi vào ngành này và giành được học bổng cho thí sinh trúng tuyển có điểm đầu vào cao.

Đến với Kỹ thuật y sinh một cách tình cờ, song càng tìm hiểu Nghi lại càng thích. Từ năm hai đại học, cô đã xin theo hướng nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của trường, đồng thời tìm kiếm chương trình trao đổi và thực tập khoa học ở nước ngoài để tìm hiểu việc nghiên cứu trong môi trường quốc tế.

Nghi ứng tuyển vào nhiều chương trình, đa số là thất bại. Nhớ lại năm ba, trường thông báo chương trình thực tập tại Canada, Nghi nộp hồ sơ nhưng rớt. "Lúc đầu rất nản, sau nghĩ rằng nộp hồ sơ có thể thất bại, nhưng không nộp sẽ không có cơ hội trúng. Cuối cùng em ứng tuyển 15 chương trình và đậu hai", Nghi nói.

Cô gái Sài Gòn đã tham gia hai chương trình trao đổi sinh viên ở Hàn Quốc và Indonesia, chương trình thực tập khoa học tại ba nước là Áo, New Zealand và Nhật Bản.

Phương Nghi trong chuyến thực tập khoa học tại Đại học Auckland (New Zealand). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việc từng nộp hồ sơ và trúng tuyển nhiều chương trình "du học ngắn hạn" giúp Nghi có thêm kinh nghiệm khi làm hồ sơ xin học bổng Chevening của Chính phủ Anh. Nghi phải viết bốn bài luận về khả năng lãnh đạo, xây dựng mạng lưới quan hệ, định hướng tương lai, lý do chọn khóa/ngành học ở Anh. Tích lũy kinh nghiệm làm việc trong phòng lab, khi đi thực tập, làm tình nguyện thời đại học, Nghi hoàn thành trong chưa đầy hai tuần.

Giữa tháng 2/2019, Chính phủ Anh thông báo danh sách ứng viên được chọn vào vòng phỏng vấn và Nghi đã vượt qua nhờ đạt 8.0 IELTS, học hỏi kinh nghiệm từ các cựu học giả Chevening của Việt Nam và thế giới. Việc còn lại của cô gái 9X là phải được một trường từ Anh chấp nhận.

Học bổng Chevening cho phép mỗi thí sinh lựa chọn ba đại học để nộp đơn ứng tuyển. Trong khi nhiều người chọn nộp vào cả ba trường thì Nghi chỉ nộp vào Cambridge vì từ lâu đã yêu thích và nuôi ước mơ được học tại ngôi trường với nhiều giáo sư nổi tiếng cùng hệ thống hỗ trợ sinh viên tốt. 

Thông thường, muốn được trúng tuyển hệ thạc sĩ ở Cambridge, ứng viên Việt Nam như Nghi phải có bằng thạc sĩ trong nước. Mới tốt nghiệp đại học, Nghi vẫn nộp hồ sơ vì tự tin có năm bài báo quốc tế trong quá trình nghiên cứu về gel sinh học thông minh có thể cầm máu, ngăn ngừa nhiễm trùng và hỗ trợ chữa lành vết thương. 

Phương Nghi (thứ tư từ phải sang, hàng trên) chụp cùng bạn bè quốc tế trong đợt thực tập tại Áo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiện, Nghi tự học viết học thuật để chuẩn bị cho quá trình học tại Anh với nhiều bài luận phải hoàn thành, trong đó có khóa luận tốt nghiệp dài khoảng 10.000 chữ. Cô hy vọng khi sang Anh học ngành Khoa học trị liệu, ngoài nghiên cứu về kỹ thuật dùng trong điều trị y tế và hỗ trợ bệnh nhân, có thể học được cách đưa các nghiên cứu ở phòng lab ra thị trường và ứng dụng lên người bệnh.

"Đại học Cambridge có khu hỗ trợ những startup từ trường thành công ty. Em nghĩ mình có thể học tập từ những dự án đó", Nghi nói.

Cô gái Việt sẽ lên đường sang Anh vào đầu tháng 9.

Theo vnexpress