Bà Bich-Thu “Lisa” Pham (phải) đang hỗ trợ một người gốc Việt

Tờ The Dallas Morning News dẫn lời Giám đốc phụ trách y tế của tổ chức phi chính phủ CCGD, ông Daniel Bouton, cho biết nhờ sự tận tâm của bà Bich-Thu “Lisa” Pham, nhiều người gốc Việt ở bang Texas đã có thể tham gia gói bảo hiểm theo Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền của chính phủ (gọi tắt là ACA).
CCGD là tổ chức nhận ngân sách để hỗ trợ người dân đăng ký bảo hiểm ACA ở bang Texas, nơi tỷ lệ người gốc Việt không được bảo hiểm lên đến hơn 14% vì những thách thức như trình độ tiếng Anh hạn chế và lịch sử tài chính. Theo số liệu của Tổ chức Diễn đàn y tế Người Mỹ gốc châu Á - Thái Bình Dương, trên toàn nước Mỹ có đến khoảng 46% người Việt sử dụng tiếng Anh dưới mức độ “thông thạo”. Cathy Phan, nhân viên chịu trách nhiệm đăng ký ACA tại một bệnh viện dành cho người Mỹ gốc Á ở TP.Houston, lưu ý thêm: “Chúng tôi chứng kiến nhiều trường hợp, nhất là cộng đồng người Việt mới nhập cư, vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt nên khó có thể chứng minh lịch sử tài chính khi mua bảo hiểm”.
Vì thế, trong những năm qua, bà Thu dốc hết sức mình vào trung tâm cộng đồng người Việt ở Tây Fort Worth để hỗ trợ đồng hương. Đến Mỹ vào năm 1975, bà Thu (năm nay 67 tuổi) trải qua nhiều công việc khác nhau, bao gồm kỹ sư phần mềm máy tính và thông dịch viên tại bệnh viện. Khi con cháu đã đề huề, bà vẫn không chịu nghỉ hưu theo lời khuyên của gia đình mà vẫn tham gia khóa huấn luyện liên bang để lấy giấy chứng nhận tư vấn viên liên bang về ACA hồi năm 2013. “Tôi chứng kiến nhiều người không nói rành tiếng Anh và họ thật sự không biết phải làm gì. Tôi tự nhận thấy đây chính là trách nhiệm bản thân phải giúp đỡ cộng đồng”, bà Thu chia sẻ.
Một trong những trường hợp khiến bà nhớ nhất là bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp tên Nguyen Thi Mua. Người phụ nữ 61 tuổi này không dám chuyển từ gói bảo hiểm y tế tư nhân sang bảo hiểm công do lo ngại không thể tiếp tục điều trị nếu bị bác đơn. Tuy nhiên, bà Thu đã tận tình hướng dẫn giúp bà Mua được hưởng các gói bảo hiểm chính phủ. Một trường hợp khác là bà Hong Vu, do tiếng Anh hạn chế nên dù đã 61 tuổi nhưng mãi đến gần đây, bà mới mua bảo hiểm sau khi chồng bị đột quỵ và bà phải bỏ việc để chăm sóc ông. Hồ sơ của bà Vu bị vướng ở phần khai báo tài chính, nhưng cuối cùng cũng được thông qua nhờ bà Thu giúp làm hồ sơ chứng minh tài chính đúng luật và minh bạch.
Những tư vấn viên song ngữ như bà Thu phần nào giúp cộng đồng người Việt tháo gỡ khó khăn.

Trình độ tiếng Anh hạn chế không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận gói bảo hiểm ACA mà còn cả dịch vụ y tế, khiến nhiều người gốc Việt ngần ngại đi khám sức khỏe tổng quát và thường chỉ nhập viện khi bệnh quá nặng. Tại Houston, nhiều người buộc phải trả tiền cao hơn cho những bác sĩ có thể nói tiếng Việt để khám chữa bệnh. “Họ không thể mô tả cho bác sĩ hiểu được mình cảm thấy không khỏe chỗ nào”, chuyên viên May Beyer thuộc Tổ chức PASS chuyên hỗ trợ cộng đồng người gốc Việt và Hoa ở TP.Philadelphia cho biết. Người thân cố gắng giúp họ giao tiếp với bác sĩ, nhưng đôi lúc cũng không thể mô tả chi tiết triệu chứng do tiếng Anh không được như người bản địa và thiếu chuyên môn.
Báo cáo của tổ chức mạng lưới các bác sĩ Doximity cho thấy trên toàn nước Mỹ chỉ có khoảng 7.000 phiên dịch viên tiếng Việt về y khoa và bảo hiểm, không đủ đáp ứng yêu cầu. Riêng ở Philadelphia có khoảng 16.000 người gốc Việt, nhưng chỉ có vài bác sĩ và phiên dịch viên có thể sử dụng tiếng Việt. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện không muốn tốn kém thêm chi phí thuê người chỉ làm mỗi công việc phiên dịch. Chính vì thế, những tư vấn viên tình nguyện như bà Thu đang phần nào giúp cộng đồng người Việt tháo gỡ khó khăn do rào cản ngôn ngữ.
Theo Thanh niên