Bộ Khoa học và Công nghệ vừa phê duyệt đề xuất trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 cho 3 nhà khoa học được Hội đồng Giải thưởng đề nghị. Đây là giải thưởng được trao cho tác giả của các công trình khoa học xuất sắc được thực hiện tại Việt Nam và công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ của đất nước hội nhập và phát triển.

Ba nhà khoa học được trao giải thưởng lần này gồm: PGS.TS Phạm Tiến Sơn, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan và TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu.

Trong đó, hai nhà khoa học: PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và PGS.TS. Phạm Tiến Sơn - Trường Đại học Đà Lạt được trao Giải thưởng dành cho nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học xuất sắc.

Cụ thể: PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (ngành Khoa học Y Dược) là tác giả của công trình: Lan N. Vuong, Vinh Q. Dang, Tuong M. Ho, Bao G. Huynh, Duc T. Ha, Toan D. Pham, Linh K. Nguyen, Robert J. Norman and Ben W. Mol, 2018. IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without Polycystic Ovaries. The New England Journal of Medicine, 378(2): 137-147.

PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (sinh năm 1971) được biết đến là một Bác sĩ y khoa, Tiến sĩ y học và là một chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm. Bà là người đã giúp cho ra đời hơn 10.000 đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Năm 1998 bà đã được vinh danh tại giải thưởng Kovalevskaya vì công trình thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam.

PGS.TS Phạm Tiến Sơn (ngành Toán học) là tác giả của công trình: Gue Myung Lee and Tien Son Pham, 2017. Generic properties for semialgebraic programs. SIAM Journal on Optimization, Vol. 27, No. 3, 2061-2084.

TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu - Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ngành Vật lý) được trao Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc, với công trình: Nguyen Truong Thanh Hieu, 2016. Low-energy electron inelastic mean free path in materials. Applied Physics Letters, Vol. 108, 172901.

Từ trái qua phải PGS, TS Phạm Tiến Sơn, PGS, TS Vương Thị Ngọc Lan, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu. Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ.

Dự kiến, lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 tại Hà Nội.

Đây sẽ là năm thứ 7 Bộ Khoa học và Công nghệ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho những nhà khoa học có thành tích xuất sắc. Năm nay, 8 đề cử giải thưởng, đặc biệt là giải chính, đều được đánh giá là có chất lượng công trình ở mức tốt.

Trước đó, ngày 29/4, Hội đồng Giải thưởng đã họp xem xét, đánh giá, lựa chọn các nhà khoa học được các Hội đồng khoa học chuyên ngành trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đề xuất người nhận giải trong 8 đề cử cho Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.

Theo Bộ KH-CN, các đề cử Giải thưởng năm nay ghi nhận sự đa dạng của các đơn vị nghiên cứu đến từ các khu vực miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng), miền Nam (TP.HCM) và khu vực Tây Nguyên (Đà Lạt). Điều này cho thấy phát triển đồng đều của khoa học Việt Nam tại các vùng miền trên cả nước, ngoài hai trung tâm khoa học lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Các công trình đều là kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật trong các chuyên ngành, được thực hiện tại Việt Nam, công bố trên các tạp chí quốc tế xuất sắc, tiếp cận các hướng nghiên cứu mới trên thế giới.

Kết thúc phiên họp, Hội đồng đã chọn ba nhà khoa học nêu trên, đề nghị Bộ trưởng Bộ KH-CN trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.

Theo Sức khoẻ đời sống