Nữ biệt động Chính Nghĩa thời trẻ.

 

Bà Vũ Minh Nghĩa sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em tại xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TP.HCM). Cha mất khi bà mới lên 2 tuổi, một mình mẹ bà tần tảo nuôi 8 người con. Vậy nhưng mẹ bà vẫn cùng các bà mẹ khác góp sức cho kháng chiến bằng những bữa cơm và tiếp tế lương thực cho bộ đội.

Ngay từ nhỏ, cô bé Chính Nghĩa đã nhanh nhẹn, thông minh. Khi các dì, các mẹ ở Củ Chi biểu tình đấu tranh chống địch, chẳng ai bảo, cô đã đi mua mía về tiếp tế. “Con bé 7 tuổi ngày đó cong lưng đạp xe chở cả vác mía lớn đã được chặt gọn gàng rồi vừa phát cho từng người vừa nói “Mấy dì cầm mía, vừa làm vũ khí đánh giặc vừa để giải khát nghen”. Sau này, các mẹ, các dì ở Củ Chi cứ nhắc mãi chuyện về con nhỏ Chính Nghĩa.

Lớn lên giữa không khí cách mạng, năm 1960, khi mới 12 tuổi, cô bé Vũ Minh Nghĩa đã làm giao liên cho cán bộ hoạt động bí mật tại xã. Ngày đó, nhà nhà, người người ở Củ Chi theo cách mạng nên bị đàn áp, ruồng bố triền miên. Địch liên tục đốt nhà, giết những người theo cách mạng và hãm hiếp các cô gái trẻ. Ngôi nhà lá của gia đình bà Chính Nghĩa bị giặc đốt đến 5 lần, cứ dựng lên, chúng lại đốt.

Năm 1964, người thanh niên Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Mỹ đưa ra xử bắn sau khi đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara không thành. Sự kiện này đã dấy lên phong trào tòng quân giết giặc của thanh niên ở khắp mọi làng quê của miền Nam Việt Nam.

Cái chết đầy anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi, một chiến sĩ biệt động là động lực khiến người con gái đất thép nung nấu ý định tham gia vào đội biệt động Sài Gòn. Gần một năm sau, Đội 5 của biệt động thành hoạt động tại Củ Chi tìm kiếm một cô gái dũng cảm tham gia vào đội. Đây là nhiệm vụ rất nguy hiểm với phụ nữ nên tiêu chuẩn tìm người rất khắt khe. Cuối cùng,Vũ Minh Nghĩa được chọn. Ngày 15/4/1965, Vũ Minh Nghĩa chính thức trở thành nữ biệt động Sài Gòn dưới sự chỉ huy của đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân (bí danh Bảy Bê). Năm đó cô vừa tròn 18 tuổi.

Vào đội, Chính Nghĩa được giao nhiều nhiệm vụ như làm liên lạc, vận chuyển thư từ, vũ khí trong nội và ngoại thành. Có những ngày, bà đi lại như con thoi theo lộ trình Sài Gòn - Thủ Đức - Củ Chi trong khi đồn bốt địch bủa khắp nơi. Nhanh nhẹn và gan dạ bà được anh em trong Đội 5 khi đó gọi là “chiến sĩ tên lửa”.

Cuối năm 1967, cơ sở của Đội biệt động 5 bị lộ, phần lớn số người trong đội bị bắt. Chỉ huy của biệt động Sài Gòn điều một số người ở các đơn vị khác qua lập ra một đơn vị biệt động 5 mới do Tô Hoài Thanh (bí danh Ba Thanh) làm chỉ huy trưởng. Đêm giao thừa trước trận đánh tết Mậu Thân 1968, ông Tô Hoài Thanh có gọi bà tới nói: "Đợt này cô đạt được nguyện vọng rồi đấy. Chuẩn bị tinh thần chiến đấu nghe". Ngay lúc đó, bà chỉ có một câu rằng: "Em sẵn sàng", bởi bà đã đợi cái ngày được cầm súng này từ lâu rồi.

Theo kế hoạch, đội biệt động của bà do đồng chí Tô Hoài Thanh chỉ huy đánh vào dinh Độc Lập và giữ trận địa trong khoảng 20 đến 30 phút chờ quân chi viện tới. Đây là một mục tiêu quan trọng, nằm trong nội đô và được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỗi động thái khác thường quanh mục tiêu sẽ bị địch kiểm tra và sẵn sàng bắn hạ.

Rạng sáng mùng 2 Tết, 15 chiến sĩ biệt động đi trên 3 xe tải nhỏ và 2 xe máy tiến vào cổng sau Dinh Độc Lập, trong số đó duy nhất có một người phụ nữ là Chính Nghĩa. Chiếc xe tải đi đầu nhanh chóng tiêu diệt chốt gác, tạo điều kiện đặt thuốc nổ phá cổng. Tuy nhiên, khối thuốc không nổ, lực lượng biệt động bị mắc kẹt ở cổng, 5 chiến sĩ hy sinh ngay khi trèo qua tường rào...

Không thể tiến công vào trong, các chiến sĩ biệt động chiến đấu ngay bên ngoài cổng. Gần 40 phút cầm cự vẫn chưa thấy có quân ta tiếp viện, cả Đội 5 dồn lực quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trận đánh đó mãi là một ký ức không thể nào quên với Chính Nghĩa bởi hôm đó bà chứng kiến những đồng đội thân thương của mình ngã xuống, trong đó người đội trưởng Tô Hoài Thanh hy sinh ngay trên cánh tay bà.

Chân dung các chiến sĩ Đội biệt động 5 tại căn hầm bí mật chứa vũ khí mà Đội biệt động 5 từng đào. Tấm ảnh cô gái ở hàng dưới cùng là bà Chính Nghĩa.

 

Cuộc chiến đấu không cân sức giữa 15 chiến sĩ biệt động với hàng trăm tên địch diễn ra trong 2 đêm 1 ngày. Tám người đã anh dũng hy sinh, số còn lại dù bị thương nhưng vẫn kiên cường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng.

Sau trận đánh vào Dinh Độc Lập, bà Chính Nghĩa bị bắt. Dù bị tra tấn rất tàn bạo, dã man nhưng người con gái đất thép vẫn quyết không khai nửa lời. Vì vậy chúng đã giam bà từ nhà tù Tổng nha Cảnh sát đến Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa và cuối cùng đưa đến “địa ngục trần gian” - nhà tù Côn Đảo.

Năm 1974, bà Chính Nghĩa được trả tự do. Một lần nữa, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bà lại được lệnh đánh vào Dinh Độc Lập nhưng khi mọi việc đang tiến hành thì mọi người vỡ òa sung sướng khi hay tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng.

Với những đóng góp của bà trong thời gian tham gia chiến tranh giải phóng đất nước, bà Chính Nghĩa đã được nhà nước phong tặng Huân chương chiến công hạng Ba và nhiều bằng khen khác.

Phụ nữ Việt Nam