Nghệ sỹ piano cổ điển Trang Trịnh bắt đầu sự nghiệp biểu diễn quốc tế năm 2006. Tuần báo Linz của Áo nhận xét: "Kỹ thuật chơi đàn của Trang Trịnh rất điệu nghệ và sự tinh tế của cô đã chạm vào trái tim người nghe".

Nữ nghệ sĩ tốt nghiệp xuất sắc cử nhân và thạc sỹ tại Học Viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, chuyên ngành biểu diễn piano với học bổng Sterndale Bennett. Năm 2013, cô cùng chồng - nghệ sỹ opera Park Sung Min sáng lập dự án "Dàn Hợp Xướng & Giao Hưởng Kỳ Diệu" dạy âm nhạc miễn phí cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội.

Trang Trịnh được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi đáng chú ý nhất tại Việt Nam năm 2015 và được trao tặng danh hiệu Thành viên của Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh năm 2018.

Trang Trịnh tới Anh Quốc đầu năm 2000. Khi đó cô mới 16 tuổi và luôn băn khoăn: Có nên theo đuổi âm nhạc không? Các giảng viên ở Anh đã cho Trang câu trả lời. 

Nghệ sĩ Trang Trịnh sinh năm 1986, tốt nghiệp Thạc sĩ Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh. Ảnh: Trang Trịnh.

- Sang Anh học nhạc khi mới 16 tuổi. Cuộc sống của bạn thời điểm đó như thế nào?

- Những năm cuối cấp hai, đầu cấp ba ở Việt Nam, khi bạn bè ở trường bàn bạc về lớp học thêm và luyện thi tốt nghiệp thì tôi khá lạc lõng vì phải một mình tập đàn. Tôi quyết định tới Anh để tìm câu trả lời cho băn khoăn: Có nên theo đuổi âm nhạc không?

Tôi nghe nhiều người khuyên nên đến Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh. Sẵn vốn tiếng Anh nên muốn thử. Có lẽ đó là cái duyên và tôi cảm thấy may mắn là mình đã được theo học một trong những cái nôi nghệ thuật tuyệt vời nhất thế giới.

Khi tôi đến Anh thì đã qua mất kì thi đầu vào ở học viện. May mắn, tôi được gặp giáo sư Elton, trưởng khoa piano lúc đó. Thầy trò chuyện, nghe tôi chơi đàn và mời tới dự một cuộc thi đầu vào đặc biệt, với đủ các vòng: biểu diễn, thị tấu, lý thuyết âm nhạc, viết luận. Chỉ có một thí sinh duy nhất nhưng giám khảo rất tận tâm, nghiêm khắc. Vài ngày sau, tôi nhận được giấy gọi nhập học vào mùa thu năm đó. Thế là một hành trình mới bắt đầu. Hành trình kéo dài suốt 6 năm từ bậc Đại học tới Thạc sĩ, một giấc mơ thành hiện thực.

Cuộc sống sinh viên của tôi khá đơn giản. Chỉ có tập đàn và ăn, ngủ. 8 tiếng ngủ, 8 tiếng đàn và 8 tiếng cho những gì còn lại. Tôi thấy đó là những ngày tháng quá tuyệt vời vì được sống giản đơn như vậy.

- Sinh viên ngành nghệ thuật cổ điển ở Anh được đào tạo như thế nào?

- Tôi có bốn năm học đại học, trong đó phần nặng nhất là chuyên ngành. Tôi học chuyên trình diễn piano (piano performance) nên được làm việc sâu với giáo sư trong các buổi học một thầy một trò. Ngoài ra, tôi tập piano và chơi nhạc cụ khác (ensemble) hoặc dàn nhạc, tham gia các cuộc thi và các buổi học chuyên sâu (masterclass) định kỳ với các nghệ sĩ, giáo sư khác.

Ngoài ra, có rất nhiều môn học về Lý thuyết âm nhạc, Ký xướng âm, phân tích lý luận, sáng tác, chỉ huy, lịch sử nghệ thuật, phương pháp sư phạm, ứng dụng công nghệ trong âm nhạc... toàn bộ học sinh đều phải hoàn thành mức độ cơ bản, sau đó được chọn để học chuyên sâu hơn.

Quá trình học có ba giảng viên (chuyên ngành, giảng viên chủ nhiệm, và giảng viên của từng lớp) giám sát. Trong quá trình học, sinh viên tự nhìn ra thế mạnh, điểm yếu cũng như thiên hướng phát triển và cá tính nghệ thuật của mình.

- Bạn đánh giá thế nào về môi trường đào tạo nghệ thuật tại Anh?

Tôi nghĩ đó là một môi trường rất cởi mở và thậm chí có phần tiên phong (avant-garde). Tôi được coi là nghệ sĩ trẻ (young artist in training) và chịu những đòi hỏi gắt gao về chất lượng và cá tính âm nhạc chứ không đơn thuần là sinh viên đi học. Đòi hỏi đó khiến tôi phải tự đào sâu năng lực của mình, để phát triển cá tính nghệ thuật chứ không đơn giản là luyện tập để đàn hay hơn. Giảng viên coi trọng cách học và thái độ học tập.

Học viện còn có những môn học đón đầu tương lai để chuẩn bị kĩ càng cho sinh viên về cá tính nghệ sĩ trong thời đại công nghệ. Trường khuyến khích sự sáng tạo đa ngành và sử dụng âm nhạc trong xây dựng cộng đồng văn minh và nhân ái. Những môn học phụ trợ đó rất hữu dụng khi tôi trở thành một nghệ sĩ độc lập. Đã 16 năm qua đi từ khi tôi là sinh viên, nhưng cho đến giờ tôi có thể thấy rằng hiếm có nhạc viện nào trên thế giới có sự đầu tư giáo dục đa phương diện, đa chiều như vậy.

Bên cạnh đó, đời sống nghệ thuật rực rỡ của London là một sân chơi đầy mời gọi cho những nghệ sĩ trẻ muốn khám phá ở nhiều lĩnh vực như: âm nhạc, kịch nghệ, hội hoạ, văn học...

Trong thời gian du học, tôi từng bị chấn thương ở vai và phải trị liệu tại những phòng khám đắt đỏ ở London. Học viện có hỗ trợ tài chính và tinh thần cho sinh viên. Chấn thương ấy dạy cho tôi rất nhiều bài học về sự kiên nhẫn, tình yêu với âm nhạc và mục đích cuộc sống của bản thân.

- Môi trường giáo dục ở Học viện âm nhạc Hoàng gia Anh ảnh hưởng như thế nào đến tính cách, quan điểm nghệ thuật của Trang Trịnh?

- Tôi trân trọng cơ hội được học ở môi trường học viện, gặp gỡ và trò chuyện với những nghệ sĩ hàng đầu như Andras Schiff, Sir Colin Davis, được ngắm nhìn cách họ làm việc và liên tục biến đổi để hướng tới sự tinh xảo và độc đáo trong biểu diễn. Quá trình này ảnh hưởng rất lớn tới cá tính nghệ thuật của tôi. Tôi nhận ra nghệ thuật là một con đường dài và người nghệ sĩ phải kiên trì, liên tục sáng tạo, hướng tới những thứ đẹp đẽ hơn nữa, không quên đi mục đích ban đầu đã chọn.

Trang Trịnh trong buổi ra mắt Báo cáo Nghiên cứu về Thế hệ Trẻ Việt Nam của Hội Đồng Anh Việt Nam. Ảnh: Hội đồng Anh Việt Nam.

- Trở về Việt Nam, Trang Trịnh thực hiện nhiều dự án mang nhạc giao hưởng đến gần hơn với mọi người bằng cách đưa âm nhạc xuống phố, đến những ngôi trường ở Hà Giang, Mèo Vạc, Tua Phìn... Vì sao bạn thực hiện những dự án như vậy?

- Năm 2013, tôi thực hiện dự án "Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ Diệu". Đây là một dự án âm nhạc dành cho những trẻ em kém may mắn. Đây là một dự án giáo dục âm nhạc miễn phí cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội với mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống và sự sung túc trong tinh thần của các em thông qua âm nhạc.

Là một công dân, tôi có quyền và trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng. Âm nhạc có sức mạnh kì diệu, nó có thể hàn gắn và xây dựng một cộng đồng văn minh hơn, hay trở thành một không gian để thể hiện tình yêu thương. Dự án đã bước sang năm thứ 7, tôi hy vọng những lớp học âm nhạc miễn phí ấy sẽ đem lại niềm vui và hy vọng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Khi bạn có âm nhạc làm tri kỷ, đó là một điều rất tuyệt vời.

- Gần đây, bạn đang thực hiện dự án tâm đắc nào?

- Tôi rất may mắn được viết sách giáo khoa Âm nhạc tiểu học, và sách lớp 1 đã được đưa vào sử dụng từ tháng 9. Đó là một cột mốc có ý nghĩa quan trọng trên con đường sự nghiệp tôi đã chọn. Tôi hy vọng với cuốn sách ấy, thật nhiều em nhỏ sẽ được trải nghiệm điều kì diệu của âm nhạc cùng bạn bè, thầy cô và gia đình mình. Tôi đã học được rất nhiều từ các đồng nghiệp, các tiền bối, các nhà giáo, nhà khoa học thông qua việc viết sách giáo khoa.

Ngoài ra, dự án Âm nhạc 24 Hour Music marathon, chơi nhạc livestream trong suốt 24 giờ cũng có ý nghĩa với tôi trong năm nay. Khi dịch Covid-19 khiến mọi chương trình biểu diễn bị huỷ bỏ, thì việc hơn 120 người yêu nhạc, nghệ sĩ, tập hợp lại trên 24 múi giờ khác nhau, chơi nhạc cho nhau nghe, là một minh chứng cho sức mạnh kết nối độc đáo của âm nhạc.

- Dự định của bạn trong thời gian tới?

- Tôi mong muốn sẽ có thêm thời gian để học. Có khá nhiều thứ mới mẻ tôi muốn khám phá trong nghệ thuật và giáo dục nghệ thuật. Vấn đề là làm sao để cân bằng những công việc và trách nhiệm. Bạn biết đấy, khi đã làm mẹ, có những lúc tôi không thể để mình bay theo những mộng tưởng và đam mê. Con gái tôi cần những ngày tháng tuổi thơ nhiều kỉ niệm. Vì thế trong một thời gian tới, các dự án của tôi cũng sẽ xoay quanh vũ trụ của những đứa trẻ. Đó là cách hữu hiệu nhất để vừa được làm nghệ thuật, vừa được làm mẹ.

- Hội đồng Anh vừa mở đơn xét tuyển cho Study UK Alumni Awards 2020-21- Giải thưởng tôn vinh Cựu sinh viên Vương quốc Anh trên toàn thế giới. Bạn suy nghĩ gì về hoạt động này?

- Tôi nghĩ đây là một hoạt động có ý nghĩa. Tôi đã đọc các câu chuyện và chúng thật truyền cảm hứng. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người đã và đang khiến cho thế giới tốt đẹp hơn, nhờ vào những gì mà họ đã học được từ thời gian du học tại Anh.

Theo  vnexpress