Anne Đăng Xuân ( phải) đang làm luận văn tiến sĩ về đề tài chất độc dioxin
tại Việt Nam
 

Thuộc thế hệ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, Anne Xuân, việt kiều Thụy Sĩ (tên Việt nam là Nguyễn Đăng Xuân) có tình cảm khá đặc biệt và gắn bó với quê hương Việt Nam. Những câu chuyện kể của ba mẹ theo cô suốt thời thơ ấu, khiến Việt Nam luôn gần gũi và quen thuộc. Anne Xuân tham gia khá nhiều dự án cộng đồng ở Việt Nam và đang làm luận văn tiến sĩ về đề tài chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.

Đăng Xuân kể, gia đình cô quê gốc miền Tây, sang Thụy Sĩ định cư từ khi cha cô khoảng 12 tuổi. Ban đầu cuộc sống rất khó khăn nên mọi người phải bươn chải làm nhiều nghề mưu sinh. Dù vậy, ngay từ bé chị em Xuân luôn nhận thấy rằng, thường trực trong tâm trí ba mẹ là nỗi nhớ, hoài niệm về quê hương Việt Nam:

“Mỗi khi cả nhà coi phim về Việt Nam, ba mẹ thường nhắc nhớ hay kể chuyện này chuyện kia thời ngày xưa. Chắc là mỗi ngày, ở nhà em đều có một câu chuyện nào đó về Việt Nam toàn nói bằng tiếng Việt thôi à. Thích lắm những câu chuyện ba em hay kể bằng tiếng Việt chuyện hồi bé ở miền Tây, cây trái miệt vườn, tắm sông, trèo cây làm sao. Khi lớn lên ba mẹ hay kể chuyện về Sài Gòn năm tháng chiến tranh”., Xuân kể.

Anne Xuân thích cuộc sống yên bình ở Hà Nội

Sau này, nhiều lần được về Việt Nam cùng ba mẹ hoặc đi một mình, Xuân không cảm thấy xa lạ, có lẽ một phần nhờ khả năng tiếng Việt rất tốt của mình. Xuân cho biết, nói tốt tiếng mẹ đẻ giúp cô hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa của nhiều vùng miền.

Với chất giọng miền nam lơ lớ dễ thương, Anne Xuân hào hứng kể: “ Ba mẹ em nói tiếng Pháp rất rành, nhưng chủ ý là phải cho con con mình ít nhất phải nói được tiếng Việt. Em nhớ khi còn bé, mỗi lần xin, đòi gì nếu  nói tiếng Tây ba mẹ lờ đi coi như không nghe thấy. Chỉ khi nói tiếng Việt ba mẹ mới nghe. Rồi cho học tiếng Việt, học múa vào mỗi sáng thứ 7, giúp em nói và viết  tiếng Việt tốt. Lớn hơn, ba hay cho em về Việt Nam ở nhà các chị họ. Khi các chị đi làm, không có gì làm em lôi truyện tranh bằng tiếng Việt ra đọc như "Cô tiên xanh hay Doremon, rất thích”.

Với Anne Đăng Xuân, hình ảnh Việt Nam trở nên thân thuộc với chị em cô cũng chính là qua phong cách sống thuần Việt của gia đình cô ở Lausane:

“Ở nhà, mẹ nấu ăn giỏi và bọn em được cưng chiều vì được ăn nhiều món ngon lắm. Hai món mẹ hay làm là bánh cuốn và bánh xèo. Món em ăn không bao giờ chán là Phở. Cách sống Việt Nam trong gia đình em qua thức ăn, qua những bức tranh gốm sơn mài và âm nhạc. Ba mẹ thích nhạc Trịnh Công Sơn. Hôì nhỏ em múa trong cộng đồng người Việt Nam. Ba mẹ em cũng thích đi chùa, nhà thờ công giáo và  tham gia cộng đồng người Việt khá nhiều. ...Khi sống tại Bỉ, mỗi lần nhớ nhà, nhớ Việt Nam em mở nhạc Trịnh Công Sơn.”

Anne Xuân thích chụp hình, nói rất ấn tượng với những chiếc xe đạp hoa
ở Hà Nộ
i

Có lợi thế sử dụng tiếng Việt tốt, hiểu văn hóa, tập tục quê hương nên mỗi lần làm luận văn hay đề án gì Đăng Xuân luôn tự tin chọn chủ đề liên quan đến Việt Nam. Năm 2014, Xuân viết luận văn thạc sĩ về đề tài Trường Sa - chủ quyền biển đảo Việt Nam, tham gia dự án cùng các bạn Pháp về làm phim ảnh Hà Nội hay những dự án cộng đồng vì trẻ em đường phố. Học tiếp lấy bằng tiến sĩ tại trường đại học Libre de Brucxelle, Bỉ, lần này Anne Xuân chọn đề tài nghiên cứu chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam:

“Em chọn đề tài này vì một vài lý do. Lúc đầu, em cùng mẹ tham gia một buổi văn nghệ, nấu cơm, chụp hình để ủng hộ nạn nhân da cam VN do hội Bảo trợ nạn nhân da cam VN tại Pháp ( VNED) tổ chức. Sau này, khi học xong thạc sĩ, em muốn lấy tiếp bằng tiến sĩ. Trong 3 đề tài em đề xuất, ông thầy đỡ đầu Christophe Vasenski khuyên rằng tại sao không làm đề tài xã hội về chất độc da cam vì em là người Việt, em biết tiếng Việt, có thể phỏng vấn bằng tiếng Việt, tức là em đủ điều kiện làm được một luận án tốt về chất độc da cam. Bản thân em cũng muốn biết về vấn đề này”

Đăng Xuân cho biết, cô đang thu thập, tìm hiểu số liệu, bằng chứng, những công bố theo hướng làm sao đủ sức thuyết phục để ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam tìm công bằng và lẽ phải. Điều làm cô ngạc nhiên sau mỗi chuyến đi thực tế, phần lớn những nạn nhân da cam mà cô trò chuyện không tỏ ra oán hận hay đòi hỏi điều gì mà dường như họ chỉ coi đó là số phận không may mắn. Anne Xuân hiểu rằng, đó là vì họ không muốn lần nữa đụng vào nỗi đau chiến tranh.Cô gái say mê nhạc Trịnh, nghiền phở Hà Nôi, thích chụp hình còn muốn sau này được tham gia nhiều hơn nữa những dự án cộng đồng vì Việt Nam, có cơ hội quảng bá cảnh đẹp, món ăn ngon của quê hương Việt Nam với bạn bè thế giới.

Anne Đăng Xuân luôn tâm niệm lời nhắc nhớ của người cha đã mất rằng ‘’khi làm bất cứ việc gì, hãy luôn nghĩ về gia đình, về quê hương nguồn cội. Khi làm gì giúp ích cho xã hội phải bằng tấm lòng, bằng sự tôn trọng và tính nghiêm túc thì mới đem lại kết quả tốt”.

Theo VOV5