NSND Đặng Nhật Minh nhận hoa của đại diện lãnh đạo Viện Phim Việt Nam. 

Sáng nay (14/3), Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam đã được diễn ra tại rạp Ngọc Khánh - Hà Nội. Bộ phim “Thương nhớ đồng quê” của Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh được chọn làm phim khai mạc tại cụm rạp này. Bên cạnh bộ phim này, hai phim “Mùa ổi” và “Cô gái trên sông” của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng được lựa chọn chiếu tại cụm rạp này vào ngày 15/3 và 16/3.

Trước khi bắt đầu buổi chiếu phim, Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đã có phần giao lưu với khán giả trong không khí ấm cúng và xúc động.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ, nhìn lại chặng đường 65 năm Điện ảnh Việt Nam đã đi qua, thời gian càng lùi xa thì khán giả lẫn những làm phim mới cảm nhận hết giá trị của nền điện ảnh đó. Nền điện ảnh đó thậm chí bây giờ đang mai một dần khiến người ta càng luyến tiếc về nó.

“Từ ngày về hưu, mỗi khi đi ra đường tôi gặp thường rất nhiều người, từ anh lái xe ôm đến chị bán hàng… hỏi tôi rằng: “Tại sao ngày xưa vật chất và phương tiện kỹ thuật thiếu thốn mà những người làm điện ảnh Việt Nam lại làm ra được nhiều bộ phim hay như vậy? Bây giờ phim nhiều nhưng phim để chúng tôi xem xong còn nhớ được lại rất ít”.

Đó là câu hỏi tôi nghe được rất nhiều mà cũng không biết trả lời thế nào cả. Tôi chỉ biết chia sẻ rằng, những phim trước đây từng làm nên giá trị của nền điện ảnh Việt Nam chính là thời kỳ bao cấp, là thời kỳ Nhà nước còn quan tâm mới có được những phim như vậy. Bản thân tôi làm hơn 10 phim thì cũng toàn là những phim do Nhà nước đóng góp cả. Từ thời đổi mới đến giờ chưa có đơn vị tư nhân nào bỏ tiền cho tôi làm phim cả.

Những phim mà khán giả xem trong Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 65 năm thành lập Điện ảnh Việt Nam không nằm trong khung giải trí và cũng không nằm trong khung kỷ niệm những ngày lễ lớn. Bây giờ người ta đổ xô làm nhiều phim giải trí nhưng vừa xem xong đã quên. Vì thế, càng lùi xa thời gian, chúng ta mới thấy chúng ta có một nền điện ảnh rất đáng tự hào. Và những bộ phim hay của chúng ta không kém gì các kiệt tác điện ảnh của thế giới. Nghệ sĩ Trà Giang đã xứng tầm nghệ sĩ điện ảnh đẳng cấp quốc tế dù chị đóng rất ít phim.

Cái mà thế giới kính nể niền điện ảnh chúng ta chính là nền điện ảnh không giống ai, không lai căng và không bắt chước. Nó thực sự là nền điện ảnh của Việt Nam, mang dấu ấn, văn hoá, tâm tư - tình cảm của con người Việt Nam.

Cách đây đã lâu, khi giới thiệu nền điện ảnh Việt Nam ra thế giới, người đầu tiên là Nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng người Pháp Georges Sadoul (tác giả cuốn “Lịch sử điện ảnh thế giới”). Ông có giới thiệu thế này: “Đó là một nền điện ảnh nằm trên bán đảo Đông Dương (đọc là “Indochine”) nhưng nó không “Indo” mà cũng không “Chine”. Có nghĩa là một nền điện ảnh không lai căng, không giống Ấn Độ mà cũng không giống Trung Quốc. Đó là cách đánh giá cao của điện ảnh thế giới đối với điện ảnh chúng ta. Có thể kỹ thuật chương bằng họ nhưng mà mang bản sắc Việt Nam 100%”, Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhấn mạnh.

Nói về bộ phim “Thương nhớ đồng quê”, Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh cho biết, bộ phim do Đài Truyền hình N.H.K của Nhật Bản tài trợ 100% kinh phí sản xuất nhân dịp kỷ niệm 100 năm điện ảnh thế giới vào năm 1995. Thời điểm đó, Đài Truyền hình N.H.K của Nhật đã mời 5 nhà điện ảnh Châu Á làm phim để chiếu cho người Nhật xem, trong đó có Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh.

Sau khi hoàn thành, phim “Thương nhớ đồng quê” do NSND Đặng Nhật Minh làm đạo diễn được mang sang chiếu khắp truyền hình nước Nhật. Và khi phim đã phát sóng xong, Đài N.H.K có viết một bức thư gửi cho Bộ trưởng Trần Hoàn khi đó là Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin cảm ơn.

“Tôi còn nhớ như in một câu trong bức thư đó rằng “Chúng tôi đánh giá cao đất nước Ngài, nơi đã làm ra một bộ phim như vậy”. Tôi cho đó là một lời khen mà không một phần thưởng nào cao quý bằng bởi thông qua một bộ phim để người ta đánh giá cao một đất nước thì không còn gì bằng”, Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh nói thêm.

Được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, “Thương nhớ đồng quê” lấy bối cảnh xã hội Việt Nam trong những năm 1980 của thế kỷ trước, thời điểm mà tình hình kinh tế, xã hội đứng trước nhiều thử thách. Cái làng quê vốn bằng lặng yên ả chợt xao động đổi thay… từ tâm tư con người đến nhịp sống thường ngày.

Cảnh trong phim "Thương nhớ đồng quê" của Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

Duyên (Lê Vân) sau những năm tháng vượt biên sống nơi đất khách quê người, nay trở về thăm lại làng xưa với bao nỗi niềm thương nhớ. Còn Ngữ (Thuý Hường) thì an phận sống tần tảo bên cạnh cậu em chồng, âm thầm chờ chồng đi xa làm ăn. Và Nhâm (Tạ Ngọc Bảo) chàng trai vừa tới tuổi vào đời, nhạy cảm, lãng mạn, gắn một thời tuổi thơ với đồng quê, đến khi gia nhập quân ngũ, vẫn không sao dứt được mối cảm thương đồng quê da diết… Tất cả họ, bằng những điểm tựa khác nhau, đều hướng về quê nhà, đều một lòng thương nhớ đồng quê.

Bộ phim từng đoạt Giải A Hội Điện ảnh VN (năm 1995), Giải đạo diễn xuất sắc tại LHP VN lần XI (năm 1996), Giải Khán giả tại LHP Quốc tế Ba Châu - Nates, Pháp (Năm 1996), Giải Khán giả tại LHP Quốc tế Vesoul - Pháp (năm 1997), Giải Khán giả tại LHP Quốc tế Fribourg- Thụy Sỹ (năm 1996) Giải KODAK tại LHP Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 42 tại New Zealand (năm 1996), Giải phim Châu Á hay nhất của NETPAC tại LHP Quốc tế Rotterdam - Hà Lan (Năm 1996).

Theo Dân trí