Đó là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, và hòa bình lập lại tại một làng quê nghèo ở Thanh Hóa có cái tên đẹp và thơ mộng: Nguyệt Lãng. Làng Nguyệt Lãng có dáng hình vầng trăng thượng huyền cỡ đại,  có một quần thể kiến trúc làng xã hoàn hảo của cha ông ngày trước. Với một ngôi làng giàu bản sắc văn hóa và đậm chất cổ tích, chẳng thế mà dịch giả Lê Bá Thự bộc bạch “Nhiều đêm tôi chiêm bao thấy mình đang ở làng, đang chơi bời nhảy múa với các bạn cùng trang lứa, đang làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp, đang gánh phân, nhổ mạ,bắt cua, bắt ốc, bắt ếch, kiếm cá, đang chăn bò trên cánh đồng làng, đang cắp sách cuốc bộ đến trường, đang xem phim tại bãi chiếu bóng ngoài trời…Nhiều đêm tôi chiêm bao thấy bố, thấy mẹ, thấy các em tôi, thấy bà con làng xóm đang sinh sống trong cảnh thanh bình, giàu tình làng nghĩa xóm, hồn nhiên, lạc quan và yêu đời. Những ký ức về làng chất chồng trong đầu tôi năm này qua năm khác.

Đây là cuốn sách mà tôi ấp ủ đã hàng chục năm nay, và cho đến bây giờ thì tôi cảm thấy chín muồi và nó cũng thôi thúc tôi và tôi quyết định mình phải tập trung vào viết về làng mình, về quê mình xứ Thanh thân yêu…Tác phẩm này tôi viết với bút pháp trung thực, và chính cái sự trung thực đó sẽ hấp dẫn bạn đọc. Những gì tôi viết tôi kể ở trong này đều là sự thực, những sự kiện mà tôi đã trực tiếp tham gia, trực tiếp chứng kiến. Thứ hai là viết về những sinh hoạt của làng của bà con hàng xóm của gia đình cho nên những người mà đọc cuốn sách này đều có thể dễ dàng nhận ra phần nào hình ảnh của mình ở trong đó”


Từng sinh ra và lớn lênở một ngôi làng tương tự như thế, nên khi đọc cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều như  được sống lại những năm tháng khó khăn của đời mình, của đất nước mình: "Cuốn sách này như một hồ sơ, một bảo tàng về đời sống và văn hóa làng. Tất cả những câu chuyện tưởng như chúng ta đã bỏ quên nó đi thì Lê Bá Thự đã dựng nó lại. Giọng văn chân thực, trong sáng và chứa đựng bên trong những thông điệp nhỏ cho đến thông điệp lớn về đời sống con người. Chính vì vậy cuốn sách mang lại hai điều quan trọng: một là tính hấp dẫn của văn chương, cách kể chuyện chân thành, biết lựa chọn chi tiết để đan kết nó lại và gửi gắm vào đótinh thần của người viết. Chính vì thế mỗimột câu chuyện, một ký ức đều chứa đựng toàn bộ cảm xúc của thời đại mà ông đã sống ở ngôi làng đó. Cuốn sách viết về một ngôi làng cụ thể nhưng nó đại diện cho hầu hết các làng quê nước ta”Là người trong cuộc, tỏ tường đến từng chân tơ kẽ tóc làng mình, và bằng ngòi bút chân thực, sinh động, vừa hóm hỉnh, dí dỏm, trào lộng vừathủ thỉ, nhẹ nhàng, thông qua nhân vật “Tôi”, tác giả kể cho độc giả về cuộc sống nghèo khổ và lam lũ song cũng rất hồn nhiên, lạc quan của bản thân ôngvàdân làng Nguyệt Lãng. Qua những câu chuyện người thực, việc thực, người đọc dễ dàng mường tượng cuộc sống của một làng quê xứ Thanh thời chống Pháp: tăng gia sản xuất tự nuôi mình và cung cấp lương thực cho bộ đội ăn no đánh giặc, đóng thuế nông nghiệp, đi dân công tải đạn và tải gạo phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ…Gian khổ và vất vả là vậy nhưng người dân làng Nguyệt Lãng vẫn lạc quan yêu đời, ca hát, nhảy múa.


Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng nhà văn-dịch giả Lê Bá Thự kể chuyện mình mà ra chuyện người.  Chuyện của làng mình mà cũng là chuyện của nhiều làng quê khác. Đó là vẻ đẹp đã “lùi vào cổ tích” nhưng là hồn vía của quê. Mà cái hồn vía ấy lại đang phiêu bạt. Trần Đăng Khoa gọi nhà văn-dịch giả Lê Bá Thự là người "gọi hồn" làng:“Cuốn sách  giống như một bảo tàng dân tộc học về một cái làng quê truyền thống của Việt Nam mà hiện tại bây giờ đã mất rồi. Tôi cho đây là một cuốn sách rất quý, những trò chơi dân gian, những phong tục tập quán lễ tết…đã được lưu giữ trong một cuốn sách. Cuốn sách viết về tuổi thơ của ông nhưng người lớn đọc cũng tìm thấy một cái gì trong đó…”

Ngắn gọn hơn, nhà thơ Văn Đắc đánh giá:“Tôi và làng tôi” là một tác phẩm tư liệu về làng quê Việt Nam một thời, một bài thơ văn xuôi dài”. Nhà lí luận phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm đã viết những lời bình sâu sắc mang tầm vĩ mô: “Cuốn sách có thể được xem như một phác họa chân dung Việt Nam truyền thống, hình thành trên cơ tầng văn hóa làng xã và văn minh lúa nước… Lê Bá Thự đã gợi lên ký ức của cả một cộng đồng, một dân tộc, của nền văn minh lúa nước và văn hóa làng xã”.Còn với một người cũng trạc tuổi như dịch giả Lê Bá Thự, thì nhà văn Hoàng Quốc Hải nói một cách giản dị như thế này: “Ở cái tuổi 75 mà nhà văn Lê Bá Thự vẫn giữ được nét trong trẻo của cái thời thơ bé. Ở tuổi này mà vẫn giữ được cảm xúc như thế là hơi bị hiếm. Mà muốn giữ được sự trong trẻo hồn nhiên thì phải có tâm thiện, có lòng yêu quê hương đất nước…”

Và chúng tôi muốn mượn phát biểu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều để thay cho lời kết bài viết này: “Cuốn sách này nó cần cho những đứa trẻ để đọc, cần cho những người giảng dạy, cho nhà văn, cho những người nghiên cứu về văn hóa làng. Và đương nhiên cả những người lớn nữa. Tôi cũng có ngôi làng riêng, nhưng khi đọc cuốn sách này tôi thấy hình như tôi đã sống ở ngôi làng đó. Nghĩa là tác giả đã tìm ra một mẫu số chung về đời sống, phong tục tập quán, tâm hồn và cuộc sống lao động của những người nông dân trên khắp các làng quê Bắc bộ nước ta”

Theo VOV5