Nhiều bạn trẻ đã thay đổi tích cực sau khi tham gia khóa tu mùa Vu Lan 


Là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của đạo Phật, Lễ Vu Lan cũng là thời khắc để người con dù ở phương trời nào cũng một lòng hướng đến mẹ cha, nhớ đến ơn sinh thành, dưỡng dục như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn… của cha mẹ.

 Lê Minh Hải (16 tuổi, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) từng tham gia khóa tu mùa Vu Lan năm 2017 tại Chùa Bằng A (Hoàng Mai, Hà Nội) nhớ lại, khóa tu Hải tham gia tổ chức vào cuối tháng 8/2017 có đến mấy trăm người.

 “Tham gia khóa tu, bọn em phải dậy từ sáng sớm, không được ngủ nướng như ở nhà. Tối 9h đã phải đi ngủ. Trưa ăn cơm chay ở chùa và ngày thì nghe các thầy giảng kinh. Lúc đầu em đã nghĩ không thể nào theo nổi ba ngày, nhưng những bài giảng của các thầy về công ơn sinh thành dưỡng dục rất hấp dẫn. Nhiều bạn bật khóc hu hu khi nghĩ đến những lỗi lầm đã gây ra trong quá khứ. Em cũng khóc…”, Minh Hải chia sẻ.  

Chị Trần Hải Linh, mẹ của Minh Hải cho biết, khi biết thông tin về khóa tu này, chị đã phải thuyết phục con suốt mấy ngày. Là con một nên bình thường Minh Hải được ông bà, bố mẹ chiều chuộng. Con ngoan nhưng đôi khi sống rất ích kỷ, với suy nghĩ mọi người phải phục vụ con vì con còn nhỏ, không biết nhường nhịn các em nhỏ tuổi hơn mình. Đặc biệt, mỗi khi có gì không vừa ý, Hải vùng vằng và tỏ thái độ rất lâu khiến cả nhà khổ sở.

 Theo chị Hải Linh, khóa tu chỉ trong 3 ngày nhưng thực sự có tác động đến con gái chị. Từ chùa về nhà con đã giảm hẳn “thái độ ta đây” với những người xung quanh. Ông bà nội thì mừng lắm khi thấy cháu đã biết quan tâm hỏi bà đau ở đâu; khi thấy ông xách nước từ dưới nhà lên tầng còn biết nói “ông để cháu xách giúp ông!”. Mẹ thì phấn khởi hơn khi con gái lân la vào bếp giúp mẹ nấu ăn khi thấy mẹ đi làm về lại tất bật nấu nướng. Bố cháu cũng vui vì có hôm con gái “đề nghị” được là quần áo để sáng mai bố mặc đi làm… Những điều đơn giản đó, trước đây Minh Hải chưa một lần biết nói, hoặc biết thể hiện. “Cuộc sống thanh nhàn trong chùa, đã giúp các con tĩnh tâm và lắng mình xuống, có lẽ câu chuyện về tình cha nghĩa mẹ khi đó sẽ dễ dàng đi vào lòng người hơn”. 

“Người Việt Nam, ai cũng biết câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, nhưng làm thế nào để các con hiểu một cách sâu sắc thì không phải cha mẹ nào cũng dạy được. Vì thế, tôi nghĩ các thầy ở chùa Bằng đã giúp các con “ngấm” được tình thương yêu vô tận của cha mẹ với các con và hiểu được rằng đạo hiếu không chỉ là truyền thống của người Việt mà còn là nền tảng quan trọng để làm người. Khóa tu đã giúp các con tu tâm dưỡng tính, sửa đổi mình với mong muốn cha mẹ, ông bà sẽ vui!”, chị Hải Linh bày tỏ, “Năm nay, tôi cũng đang tìm hiểu để có thể đăng ký cho con tham gia khóa tu ngắn ngày hơn vì con đã đi học rồi, thu xếp thời gian khó hơn”.

 Nhiều khóa tu miễn phí mùa Vu Lan

Năm nay, Lễ Vu Lan rơi vào ngày 25/8 dương lịch. Tuy nhiên, thời điểm này đã có khá nhiều chùa thông báo sẽ tổ chức các khóa tu miễn phí.

 Ngay trong tuần này, vào ngày 18, 19/8/2018, tại chùa Bằng (số 63 Bằng Liệt, Phường Hoàng Liệt, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) sẽ tổ chức khóa tu Vu Lan báo hiếu dành cho tất cả mọi người, từ 13 tuổi trở lên. Theo đó, khóa tu sẽ bắt đầu từ 12h ngày 18/8 (tức ngày 8/7 âm lịch) và kết thúc vào 16h ngày 19/8. Lễ tri ân cha mẹ, ông bà tổ tiên và lễ bông hồng cài áo sẽ diễn ra từ 19h30 đến 21h ngày 18/8/2018.
 Theo chùa Bằng, đây là khóa tu mở nên không cần phải đăng ký trước. Nhà chùa cũng đề nghị, khi đã tham gia vào khóa tu hãy tinh tiến tu học, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của chùa.

 Chùa Đình Quán (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng tổ chức khóa tu Vu Lan 2 ngày với giảng pháp của Đại đức Thích Ngộ Phương trong ngày 25/8 (15/7 âm lịch) và Thượng tọa Thích Tiến Đạt vào ngày 26/8. Khóa tu bắt đầu từ 8h sáng ngày 25/8 và kết thúc vào chiều ngày hôm sau. Đại lễ Vu Lan “bông hồng cài áo” cũng diễn ra vào 19h ngày 25/8.

 Khóa tu hoàn toàn miễn phí và khóa sinh có thể đăng ký trực tiếp tại chùa Đình Quán hoặc đăng ký online tại địa chỉ: https://goo.gl/CKpGBE

Đại đức Thích Thanh Tâm - Ủy viên Ban hoằng pháp TW, Giáo thọ sư lớp giáo lý chùa Bằng với chủ đề “Đừng” vào năm 2017:

“Một tuần các bạn nói chuyện với bố mẹ bao nhiêu lần, hay chỉ là những tin nhắn gửi cho nhau. Tác hại của nền văn minh nên tạo sự xa cách với nhau, trong gia đình với nhau sao không giao tiếp mà phải sử dụng những tin nhắn chữ vô hồn như vậy. Sợi dây tình cảm của con và bố mẹ ngày càng xa rời, con người ngày càng sống vô tâm, hời hợt theo sự chạy đua của thế giới thời hiện đại mà quên đi những tình cảm giản dị, cao quý và rất đỗi thiêng liêng”.

Từ đó, Đại đức mong các khóa sinh:

Đừng ăn chơi khi mẹ còn đau khổ, đừng đua đòi khi cha đổ mồ hôi.

Đừng vô tâm sống chỉ biết mình thôi, đừng mê muội mộng mơ đời hư ảo.Trong thời đại hiện nay, không phải sống là niềm tự hào của bố mẹ nữa mà cần là người bạn của bố, người bạn của mẹ.

Đừng xa hoa khi mẹ già tần tảo, đừng hão huyền gây phiền não cha yêu. Phải nghiệm điều này để trưởng thành.

Đừng ra đường với cái mặt tự kiêu, đừng cao ngạo mà chê bai kẻ yếu.

Đừng phung phí khi gia đình túng thiếu, đừng vì tiền mà bất hiếu song thân.

Đừng cãi lời khi cha mẹ khuyên răn, đừng vội vã phân chia lối sống, chúng ta thấy được nghệ thuật ở đời rằng, những sự hi sinh của cha của mẹ có xứng đáng hay không?

Đừng bao giờ để hòa nhoáng bên ngoài đánh bóng làm mất đi lí trí không nghe theo lời bố lời mẹ, khiến cho tự mình phải hối hận.

Đừngquá lời khi máu mình đang nóng, đừng bỏ nhà khi cha mẹ ngóng trông. Đây chính là một nghệ thuật giúp cho chúng ta tránh tạo những tội lỗi đặc biệt là với cha với mẹ. Chỉ vì những lời trách móc của cha của mẹ mà giới trẻ bây giờ sẵn sàng sắp xếp quần áo, bỏ nhà ra đi mặc cho sự lo lắng của cha mẹ. Phải biết kiềm chế nóng giận, bằng cách quay đi chỗ khác để đến lúc nguôi giận thì quay lại nói chuyện

Đừng dại khờ với suy nghĩ chưa thông, đừng kiêu ngạo khi mình còn dốt nát.

 

 An Huy