Du học sinh Việt cùng bạn bè quốc tế tại hồ Baikal, Nga - Ảnh: ĐỒNG QUIN

Thiếu sự chuẩn bị kỹ với yếu tố này, sức khỏe và việc học của du học sinh bị ảnh hưởng đáng kể.

Chảy máu mũi, ngất xỉu ngoài đường

Sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, thời tiết nhiều khu vực làm cho sự lựa chọn của du học sinh Việt bị ảnh hưởng nặng nề. Chẳng hạn vùng trung tây, đông bắc nước Mỹ liên tiếp nhiều năm bị giá rét khắc nghiệt (có nơi thậm chí xuống mức kỷ lục -41 độ C khiến ít nhất bảy người thiệt mạng như vào tháng 1-2019).

Ngược lại, tại nước Úc cũng vào thời điểm trên lại hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ ngoài trời một số nơi lên đến gần 50 độ C, dẫn đến mặt đường chảy nhựa, đường ray thép bị giãn nở...

"Tuy Chính phủ Úc liên tục thông báo, tuyên truyền hoặc cảnh báo hậu quả của thời tiết, vẫn có trường hợp du học sinh, khách du lịch bị thất lạc do bão tuyết, có người bị lũ cuốn, thậm chí vướng những hệ quả nghiêm trọng khác do nắng nóng" - bạn Toàn Dương (ĐH Western Sydney, Úc) nói.

Từng rơi vào tình huống chính sức khỏe bản thân bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, bạn Bùi Văn Chiến (Đại học Kyonggi, Hàn Quốc) nhớ lại: "Hôm đó, nhiệt độ ban ngày tầm 10 độ C, vì vậy khi đi học và đi làm, tôi mặc áo khoác mỏng để thoải mái nhưng khi đêm xuống nhiệt độ giảm nhanh, chỉ còn -10 độ C. Đi ngoài đường, ban đầu tôi cảm nhận có vẻ đang chảy nước mũi vì lạnh quá, nhưng khi nhìn kỹ thì đó là máu".

Ngoài ra, Chiến cho biết ở Hàn Quốc còn có "hiện tượng cát vàng" từ Trung Quốc thổi qua, rất độc hại. Bạn từng bị ốm, cảm cúm đến một tuần khi sơ ý hít phải loại bụi nguy hiểm này.

N.Quỳnh (du học sinhViệt tại thành phố New York, Hoa Kỳ) cho biết bản thân "choáng váng" với đợt giá rét kỷ lục vừa rồi tại Mỹ.

"Do học và làm thêm cùng lúc, tôi bị kiệt sức, lại thêm thời tiết quá khắc nghiệt mà tôi lu bu, sơ ý không cập nhật liên tục để rồi gục ngã ở ngoài đường. Tôi nhập viện khoảng một tuần nhưng không dám nói với gia đình" - N.Quỳnh chia sẻ.

Cần chuẩn bị những gì?

Là du học sinh tại một trong những quốc gia thời tiết giá lạnh hàng đầu, bạn Đồng Quin (sinh viên cao học ĐH Tổng hợp nghiên cứu kỹ thuật quốc gia Irkutsk, Liên bang Nga) chia sẻ: "Nhiệt độ trung bình mùa đông tại thành phố Irkutsk dao động từ -5 đến -40 độ C và kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3.

Nhà trường luôn nhắc nhở chúng tôi về việc giữ ấm. Nếu thời tiết dưới -38 độ C, chúng tôi được tạo điều kiện nghỉ học. Khi có các đợt bão tuyết sắp tới, du học sinh thường theo dõi báo đài, các kênh thông tin liên lạc của thành phố để có sự chuẩn bị cần thiết.

Đặc biệt, nếu gặp sự cố về thời tiết, không nên cắn răng chịu đựng, phải nhanh chóng tìm nơi trú ẩn và liên lạc với người quen hoặc nhờ sự giúp đỡ từ cảnh sát".

Còn Toàn Dương thông tin: "Trước khi du học, tôi đã dành thời gian theo dõi và nghiên cứu kỹ nơi đến để có sự chuẩn bị phù hợp nhất (thuốc men, áo ấm, máy sưởi, các ứng dụng cập nhật thông tin thời tiết...).

Từ khi sang Úc, tôi có thói quen xem dự báo thời tiết trên điện thoại hoặc tivi để phòng ngừa thời tiết chuyển biến xấu cũng như mặc đồ phù hợp ra đường. Tại Úc, khi trời bão dẫn đến tuyến đường ray bị trì hoãn, những chuyến xe buýt miễn phí được điều đến để hỗ trợ người dân kịp thời. Còn nhà trường luôn hỗ trợ 24/24h mỗi khi thiên tai xảy ra hoặc thời tiết chuyển biến xấu.

Các du học sinh cần lưu lại những số điện thoại khẩn cấp của chính phủ hoặc cảnh sát khu vực để liên lạc khi cần thiết".

Sinh sống tại thành phố Toronto (Canada), nơi nhiệt độ có lúc xuống -30, -40 độ C, Nhật Minh cho biết bản thân đã nghiên cứu kỹ thời tiết trước khi qua.

"Gặp thời tiết khắc nghiệt, nhà trường và truyền thông luôn cập nhật tình hình và các phương pháp đối phó với mùa đông hữu ích. Chính phủ, nhà trường sẽ hủy lớp và khuyến cáo sinh viên nên ở nhà thông qua website, email, tin nhắn... Các du học sinh nên thường xuyên cập nhật thông báo từ những phương tiện trên.

Chính phủ và nhà đài sẽ cung cấp các hotline khẩn cấp để liên lạc trong trường hợp cấp bách. du học sinh nhất thiết phải nắm rõ các thông tin trên" - Nhật Minh nói.

Theo Nhật Minh, du học sinh cần trang bị những bộ quần áo chuyên dụng để giữ ấm. Tuy có thể sẽ đắt tiền, nhưng hãy nhìn đó như một khoản đầu tư, không nên tiết kiệm. "Khi bị cảm lạnh hay phải đi bác sĩ vào mùa đông, viện phí và chi phí thuốc men sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều" - Nhật Minh chia sẻ.

Du học sinh Việt tại Hàn Quốc - Ảnh: CHIẾN HAN

Bạn Văn Chiến cho biết tại Hàn Quốc khi thời tiết thay đổi bất thường đều có cảnh báo quốc gia gửi về các số điện thoại cá nhân. Truyền thông Hàn Quốc cũng thường xuyên cập nhật tin tức mọi lúc. Như khi hiện tượng cát vàng đến mức báo động, các phương tiện truyền thông như tivi và báo chí, điện thoại di động đều phát ra cảnh báo cho người dân từ trước 1-2 ngày.

"Điều quan trọng là chúng ta không nên xem nhẹ, phớt lờ. Với các du học sinh tại Hàn Quốc, khi cần những thông tin về thời tiết, sự hỗ trợ có thể tham khảo hoặc hỏi mọi người tại Hàn thông qua trang mạng xã hội của Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK)" - Văn Chiến chia sẻ.

Nhiều bạn không chuẩn bị tinh thần nên đâm ra chán nản, trầm cảm khi phải trải qua một mùa đông quá dài ở nơi nhiều tuyết trắng xóa và ít thấy mặt trời, thưa người qua lại..., từ đó ảnh hưởng kết quả học tập. 

Bạn Cao Thăng Nhật Minh (cựu SV ĐH Toronto, Canada)

Theo tuoitre