Một lớp học ở Phần Lan

“Nền giáo dục trong mơ” hay “thiên đường của giáo dục” là những cụm từ mà thế giới vẫn thường dùng khi nói về giáo dục của Phần Lan. Với rất nhiều cái “không”, không bài tập về nhà, không thi cử, không cần học thuộc lòng… nhưng chất lượng sinh viên vẫn luôn được xếp hạng hàng đầu thế giới, Phần Lan đã trở thành một trong những nền giáo dục đáng ngưỡng mộ nhất thế giới và là hình mẫu cho rất nhiều quốc gia học hỏi.

Khác với nhiều nước, hệ thống giáo dục Phần Lan chỉ gồm hai bậc học: tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 6) và trung học (từ lớp 7 đến lớp 9). Phần Lan không lãng phí thời gian và tiền bạc vào các bài kiểm tra tiêu chuẩn dày đặc nhưng không đem lại kết quả. Thay vào đó, trẻ em được đánh giá mỗi ngày qua quan sát trực tiếp, đăng ký và các câu đố. Không khí trong lớp học cũng luôn ấm áp, an toàn, tôn trọng và hỗ trợ. Không có những bài học được viết trước hay những yêu cầu về chuẩn mực như đi trên một đường thẳng hay ngồi thẳng lưng.

Ở Phần Lan, giáo viên là một trong những nghề danh giá và được ngưỡng mộ nhất chỉ sau bác sĩ. Phần lớn đều phải có bằng thạc sĩ về giáo dục và chuyên môn trong nghiên cứu và giảng dạy. Họ cũng hoàn toàn được trao quyền tự chủ trong việc tìm kiếm phương pháp giảng dạy thích hợp và không chịu áp lực của các bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa hay kiểm soát của Chính phủ.

Tờ Washington Post dẫn một nghiên cứu ở Phần Lan cho thấy, bốn trên năm giáo viên ở đất nước này hài lòng với công việc của mình và chỉ khoảng 9% giáo viên bỏ nghề. Theo khảo sát năm 2013, sự nghiệp của một giáo viên Phần Lan kéo dài khoảng 40 năm. Một giáo viên điển hình có khoảng 16 năm kinh nghiệm giảng dạy. Hơn 95% giáo viên là thành viên của Liên đoàn Giáo dục Phần Lan (OAJ), tổ chức của các nhà giáo.

Phần Lan "xuất khẩu"...

Đã có rất nhiều nhà giáo dục các nước đến Phần Lan để học hỏi kinh nghiệm từ mô hình giáo dục “độc nhất vô nhị” của nước này. Một số chính sách giáo dục Phần Lan đã được “xuất khẩu” ra nước ngoài, tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng thành công. Trong khi một số nước châu Âu áp dụng khá tốt thì nhiều nước châu Á, kết quả thu được vẫn còn hạn chế do khác biệt về văn hóa và ý thức hệ.

“Phần Lan là một xã hội công bằng. Ở các nước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, xã hội  vốn có tính cạnh tranh cao, vì thế nếu học sinh học thua kém bạn bè trong lớp thì phụ huynh lập tức đóng tiền cho con em đi học thêm vào buổi tối”, một chuyên gia giáo dục của Thái Lan lý giải.

Giáo sư Giáo dục học Yong Zhao của Đại học Kansas (Mỹ) cho hay, thường thì các nước châu Á có xu hướng học hỏi hệ thống giáo dục phương Tây mà trường hợp Phần Lan là ví dụ điển hình. Tuy vậy, xu hướng này lại đang bất ngờ có sự đảo ngược.

Anh "nhập khẩu"...

Theo tờ New York Times, bắt đầu từ tháng 1/2018, các giáo viên tiểu học tại Anh sẽ có thêm lựa chọn khi giảng dạy môn Toán với 36 cuốn sách giáo khoa dạy Toán của Trung Quốc được dịch sang tiếng Anh. Sáng kiến này nằm trong thỏa thuận “lịch sử” giữa Nhà xuất bản HarperCollins (Anh) và một nhà xuất bản ở Thượng Hải (Trung Quốc) nhằm cải thiện năng lực toán học của các học sinh xứ sở sương mù.  

Các trường học Trung Quốc, với đại diện là những cơ sở giáo dục tại những thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và tỉnh Giang Tô luôn xếp top 5 thế giới về môn Toán, theo kết quả cuộc nghiên cứu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Và phương pháp dạy Toán được “nhập khẩu” từ phương Đông vào Anh lần này đến từ những nơi có thành tích dạy và học môn này tốt nhất như Thượng Hải và Singapore.

Với phương pháp này, học sinh sẽ học ít khái niệm hơn, nhưng sẽ được tiếp cận với chiều sâu của chúng. Chẳng hạn, khi học về phân số, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh áp dụng nguyên tắc “một phần trong tổng thể” vào nhiều bối cảnh khác nhau, vận dụng cách hiểu về tính đại diện và sử dụng những kỹ thuật giảng dạy trực quan, giàu hình ảnh để giúp học sinh khám phá những khái niệm trừu tượng.

“Những sách giáo khoa Toán đến từ Trung Quốc rõ ràng có ưu thế và vượt trội hơn chương trình hiện tại ở Anh”, Colin Hughes, Giám đốc điều hành của Quỹ Collins Learning – bộ phận thuộc Nhà xuất bản HarperCollins nhận định. 

                                                                          Theo Thế giới và Việt Nam