Tác giả Châu Vũ làm công việc sáng tạo nội dung trong ngành truyền thông. Cô đã đi đến 17 quốc gia

Lời tòa soạn: Sách Bình tĩnh mà sống (Lambooks và NXB Hội Nhà Văn phát hành tháng 6.2020) là tập sách do 28 tác giả viết, kể về những biến cố lớn trong chính cuộc đời họ. Ở đó họ đã dũng cảm đối mặt, chọn lựa và hành động để vượt qua khó khăn. Thanh Niên xin trích đăng 5 trong số những câu chuyện đó. Mỗi câu chuyện như chút trấn an và đối thoại với người đọc: Bất trắc không phải điều ta trông đợi, nhưng nó có thể giúp ta nhận ra điều quý giá và trân trọng cuộc sống hơn.

Kỳ 5: Một du học sinh nhận ra căn bệnh cướp mất người bạn cùng phòng của cô. Trong nỗi đau đó, cô cũng dần nhận thức giá trị cuộc sống trong từng ngày cô trải nghiệm.

Bạn, vì sao bừa bộn, ngủ ngày cày đêm và lúc nào cũng... ngất?

Năm 17 tuổi, tôi sang Mỹ học đại học. Trường quy định sinh viên năm nhất phải sống trong ký túc xá và xếp bạn cùng phòng ngẫu nhiên. Bạn cùng phòng của tôi xinh xắn, thân thiện, mới gặp ai cũng mến. Bạn hơn tôi hai tuổi, nhưng học cùng năm với tôi.

Bạn chuyển vào ký túc xá sau tôi vài ngày. Hôm bạn đến, cả gia đình gồm bố mẹ, hai anh trai, và một người em trai, đều có mặt để giúp bạn chuyển đồ đạc. Tôi là sinh viên quốc tế, lại đi dưới dạng học bổng, nên mọi thứ đều phải tự làm. Vừa cố gắng học để giữ học bổng, vừa đi làm thêm. Bạn thì cần gì cũng chỉ cần gọi điện nhờ bố mẹ mua và gửi đến tận trường, kể cả chai dầu gội đầu.

Dần dần, tôi thấy bạn không sáng sủa, sạch sẽ như hồi mới gặp. Góc phòng của bạn như bãi chiến trường. Quần áo cả tháng không giặt, vứt lung tung trên sàn và bốc mùi khó chịu. Bạn cũng thường xuyên thức rất khuya và ngủ vùi vào ban ngày. Mới đầu, bạn chỉ "bùng" lớp sáng sớm, sau cũng nghỉ luôn lớp học chung buổi chiều với tôi.

Tôi sợ bạn ngủ quên nên trước khi tới lớp còn tạt về phòng gọi bạn dậy. Câu trả lời của bạn luôn là: “Tớ mới bị ngất, giờ đau đầu quá không đi học được”. Hồi đầu tôi lo sốt vó lên, vội lôi túi thuốc mang từ Việt Nam sang, bảo bạn uống tạm đi. Bạn cảm ơn nhưng từ chối. Tôi móc mấy cái kẹo gừng dẻo Việt Nam cho bạn. Bạn thích lắm, ăn xong lại xin thêm. Về sau, khi chuỗi ngày ngủ qua giờ học lặp đi lặp lại, đi kèm câu trả lời thường trực: “Tớ nhức đầu lắm”, tôi cũng không gọi bạn dậy nữa.

Chúng tôi không thân như hồi đầu. Tôi cũng có vấn đề riêng: Vừa phải cố gắng theo kịp bài vở trên lớp vừa tất bật làm thêm (tôi được nhận vào làm trong thư viện trường, ca làm của tôi kết thúc lúc hai giờ sáng), cũng như đối phó với sốc văn hoá. Càng vất vả, tôi càng nghĩ bạn đúng là kiểu con nhà giàu, được chiều sinh hư, lười biếng và vô trách nhiệm với bản thân.

Một hôm, bạn nhắn tin bảo bạn (lại) ngất. Bố mẹ phải đến đón về nhà đi bác sĩ. Bạn quay trở lại trường vài ngày sau đó. Bạn bảo bác sĩ nói không sao. Bạn cũng đi học trở lại. Nhưng chỉ được vài tuần là bạn quay trở về quỹ đạo cũ: thức đêm, ngủ ngày, nghỉ học, cuối tuần đi quẩy và đương nhiên là không đổ rác hay giặt quần áo.

Chúng tôi có cãi nhau mấy lần về việc bạn để phòng ốc bẩn thỉu và tiệc tùng ầm ĩ. Tôi chả buồn nói nữa, chỉ mong qua năm học mới để đổi bạn cùng phòng.

Năm nhất đại học trôi qua cái vèo, tôi về Việt Nam nghỉ hè. Đến năm hai, tôi quay lại Mỹ, không quên mang theo kẹo gừng dẻo làm quà cho bạn. Dù từng cãi nhau thế nào thì bạn cũng là người bạn đầu tiên của tôi ở xứ người.

Phải hai năm sau đó, tôi mới biết có một căn bệnh gọi là “trầm cảm” và một cách gián tiếp, tôi biết bạn tôi mắc căn bệnh này. Nhưng tôi không biết vì sao bạn tôi lại bị vậy. Điều duy nhất tôi biết, là trầm cảm không chừa bạn cho dù bạn sống trong một gia đình giàu có, trọn vẹn với đầy đủ bố mẹ và anh em, bất kể bạn xinh xắn, đáng mến, tài năng như thế nào.

Tôi đã ngại nhắn cho bạn để rồi hối hận

Bạn cũng cố đi học lại, thậm chí chuyển trường, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi lại phải về nhà. Có lần, bạn đăng lên Instagram ảnh chụp góc phòng ký túc xá với caption: “Với mọi người, đây chỉ là một cái phòng của sinh viên năm nhất bình thường, nhưng tôi đã phải cố gắng rất nhiều để có thể lại được ‘bình thường”. Khi ấy, tôi chuẩn bị bước vào năm ba đại học. Tôi mừng cho bạn, nhưng không nói cho bạn biết. Tôi ngại, vì sợ bạn còn để ý những lần cãi nhau của hai đứa hồi trước.

Rồi tôi cũng tốt nghiệp. Theo luật, sinh viên quốc tế chỉ có 90 ngày để kiếm việc, nếu không thì phải về nước. Áp lực phải kiếm được việc cùng tài khoản ngân hàng sắp cạn đè nặng lên vai tôi.

Trầm cảm như một “bóng ma”, có thể “ám” bất kỳ ai - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Trong lúc ấy, tôi vẫn dõi theo bạn qua Instagram: Bạn đăng ảnh một con cào cào bắt được ngoài vườn. Bạn chụp một bát phở “chay” tự làm, gồm giá, vài ngọn húng quế, một đống hành tây và nửa quả chanh. Bạn từng nói, tình hình của bạn cải thiện hơn nhờ hòa mình với thiên nhiên và chuyển sang ăn chay. Tôi soạn tin nhắn dưới ảnh bát phở, trêu là: “Mày sỉ nhục Việt Nam đấy à, nhưng tao rất tự hào về mày. Tao cũng vui vì mày đang cố gắng chiến đấu”. Nhưng cảm giác ngại ngùng, xấu hổ một lần nữa ngăn tôi lại. Tôi không gửi tin nhắn đấy đi.

Mấy ngày sau, tôi thấy bạn đăng ảnh đi chơi với hai người bạn thân từ hồi trung học. Bạn đứng giữa, cười tít mắt. Tôi nhìn ảnh và nghĩ, chắc là mọi chuyện đã ổn rồi đấy nhỉ. Trông bạn vui thế cơ mà. Chắc cũng không cần phải nhắn tin nữa đâu. Tôi chỉ bấm thích ảnh và đi ngủ.

Tôi không ngờ, vài tiếng sau khi đăng bức ảnh đó, bạn tự tử.

Tôi nhận tin vào ngày hôm sau. Đó là một buổi chiều tháng Sáu. Thực ra, tôi không nhớ nhiều lắm mình đã nghĩ gì. Tôi chỉ nhớ, mình đã rất bình tĩnh thông báo cho bố mẹ và mấy người bạn cùng đại học. Sau đó, tôi vào nhà vệ sinh. Tôi muốn khóc thật to nhưng chỉ nhỏ được vài giọt nước mắt. Ngồi một lúc, tôi ra ngoài ăn cơm với mọi người như không có chuyện gì xảy ra.

Giờ nghĩ lại, cảm giác của tôi khi ấy giống như đột nhiên bị đấm cho một cú thật mạnh. Ban đầu, người tê dại đi, không có cảm giác gì, cũng không phản ứng được gì. Phải một lúc, sự đau đớn mới truyền khắp người.

Tác giả Châu Vũ và sách Bình tĩnh mà sống

 

Tôi cố gắng tha thứ cho mình

Sau này, tôi nhận ra, nỗi đau tôi nếm trải là tổng hợp của rất nhiều thứ. Là nỗi đau đột ngột mất đi một người bạn khi cả hai còn quá trẻ. Là sự bất lực khi nhận ra không phải cứ nỗ lực là mọi chuyện sẽ ổn. Chẳng phải bạn tôi cũng đã cố gắng chiến đấu với căn bệnh của mình đấy ư? Rồi cũng có thay đổi được gì đâu.

Cái chết của bạn trùng với thời điểm công cuộc xin việc bên Mỹ của tôi bế tắc. Tôi lại càng hoài nghi, liệu những nỗ lực của mình có như muối bỏ bể không?

Nhưng trên hết, là sự hối hận khi nhận ra mình đã có thể làm gì đó, nhưng lại không làm. Suốt một thời gian dài, tôi không ngừng dằn vặt bản thân: Nếu đêm ấy tôi nhắn tin cho bạn, nói là tôi tự hào vì bạn, tôi vẫn dõi theo và cổ vũ bạn... có phải mọi chuyện đã khác?

Những nỗi đau ăn mòn tôi. Có dạo, tôi chỉ có thể ngủ khi để sáng đèn, vì chỉ cần tắt đèn là tôi lại chìm vào hối hận, bất lực và tuyệt vọng. Nó là cảm giác bị ép xuống một cái hố sâu hun hút. Đến lúc tôi nghĩ mình sẽ rơi mãi thì bỗng chốc cả người bị nhấc bổng lên không trung, rồi lại rơi xuống và bị nhấc lên.

Có những hôm, tôi nằm khóc rồi thiếp đi. Khi tỉnh dậy, trời đã tối om. Trong phút chốc, tôi vui mừng tưởng mọi chuyện chỉ là ác mộng. Nhưng rất nhanh, tôi bị kéo về hiện tại, nơi tôi mất bạn thật rồi.

Tôi biết thời gian và địa điểm tổ chức đám tang, nhưng không đến. Tôi thậm chí không đủ tiền để trả tiền xe tới thành phố bạn sống. Đó chỉ là cái cớ. Quan trọng là tôi không biết đến đấy tôi sẽ phải làm gì, phải nói gì, nhất là khi đối diện với gia đình bạn. Giá như tôi đã cảm thông hơn. Giá như tôi nói với bạn rằng tôi luôn quan tâm tới bạn. Những giờ phút cuối đời, có phải bạn thấy rất cô đơn không?

Chỉ cần nghĩ vậy là tôi lại càng căm ghét bản thân.

Sau này, tôi luôn cố gắng bao dung với mọi người. Vì tôi nghĩ, có lẽ ai cũng đang âm thầm chiến đấu trong cuộc chiến của riêng họ. Nếu không biết thì không được phán xét. Nực cười là, tôi càng vị tha với người khác bao nhiêu, thì càng tàn nhẫn với bản thân bấy nhiêu.

Thực ra, sau khi bạn mất, cũng có những ngày mà tôi gọi là “ngày đẹp trời” – ngày tôi tràn ngập niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Tôi còn nghĩ mình đã vượt qua rồi. Tôi tự hứa mình sẽ sống thật tốt, thay cho cả phần bạn nữa.

Nhưng vẫn có những “ngày không đẹp trời”. Sinh nhật thứ hai của tôi từ sau khi bạn mất, tôi lẩm bẩm: “Tụi mình bằng tuổi nhau rồi”.

Sinh nhật thứ ba, tôi thổi nến và nghĩ: “Mình hơn bạn một tuổi rồi”.

Sinh nhật thứ tư.

Sinh nhật thứ năm.

Vào sinh nhật bạn, dù cố gắng bận rộn đến đâu để quên đi thì tôi cũng sẽ không làm gì nên hồn.

Cuộc sống tôi là chuỗi đan xen của “những ngày đẹp trời” và những ngày còn lại. Nỗi đau như những đợt sóng liên tiếp ập tới nhấn chìm tôi. Cứ mỗi lúc tôi gượng dậy, tưởng mình có thể bước tiếp thì một cơn sóng khác lại tràn đến. Tôi chẳng làm gì được ngoài việc bất lực để mình bị cuốn đi. Tôi nghĩ, người như tôi chắc sẽ không bao giờ được hạnh phúc nữa.

Theo thời gian, những cơn sóng ấy thưa dần. Đấy là khi tôi chấp nhận rằng nó sẽ đến. Và khi nó đến, tôi sẽ tiếp đón nó như một người quen, thay vì cố gắng ngăn cản nó như trước.

Dần dần, tôi cũng không nghĩ về chuyện sửa đổi quá khứ nữa. Đương nhiên, tôi vẫn muốn gửi đi tin nhắn ấy cho bạn nếu được làm lại. Nhưng tôi biết đó là điều không thể, và cũng đã chấp nhận sự thật rằng cái gì qua rồi sẽ không sửa được. Tôi chỉ có thể làm sao cho quá khứ không nhấn chìm tôi của hiện tại thôi.

Tháng Sáu này tròn 5 năm ngày bạn tôi mất. Dù bạn đang ở đâu, tôi cũng hy vọng bạn có thể nấu những bát phở chay ngon lành, có thể thảnh thơi vừa đánh ghi-ta vừa nhai kẹo gừng dẻo và có thể thực sự hạnh phúc.

Còn tôi, tôi cũng dần tha thứ cho chính mình.

Theo thanhnien