Trong bức thư tháng 2/2002 của 60 đại trí thức Mỹ, tuy tán thành một cuộc chiến tranh chính nghĩa chống khủng bố để bảo vệ những giá trị đích thực, các tác giả cũng công nhận những tiêu cực của văn hóa Mỹ: “Chúng tôi công nhận là quốc gia chúng tôi đôi khi đã tỏ ra hung hăng và kém hiểu biết đối với các xã hội khác. Quốc gia chúng tôi đôi khi đã theo đuổi những chính sách không đúng hướng và phi nghĩa. Đã quá nhiều khi, chúng tôi với tính chất là quốc gia, đã không làm đúng những lý tưởng của chúng tôi… Có những giá trị văn hóa Mỹ ít hấp dẫn, tai hại. Chủ nghĩa tiêu thụ coi là lối sống. Tự do coi như không còn quy luật. Tư tưởng cá nhân là chủ bản thân, tự tạo ra mình không nhờ ai cả, hay gần như thế. Sự suy yếu của gia đình và đời sống gia đình. Ấy là chưa kể đến hệ thống khổng lồ thông tin và sản xuất văn hóa đủ kiểu… phát hành đi khắp thế giới”.

Riêng về điểm sản phẩm văn hóa Mỹ, trên Thời báo Los Angeles (Mỹ, tháng 3/2002), tác giả Norah Vincent phân tích và lên án những trò chơi điện tử đề cao bạo lực, kích thích sự kinh tởm, chứng tỏ sự nghèo nàn và trống rỗng của tâm hồn. Tác giả đưa ra một ví dụ trong chương trình Fear Factor (yếu tố sợ) của NBC: “Những người tỷ thí phải lặn vào trong những chiếc thùng lúc nhúc giòi bọ để tìm chân gà, ăn hậu môn lợn, bơi trong bể bơi đầy thịt thối rữa”. Tác giả than: “Dễ hiểu là (xem những hình ảnh ấy) “người ta” (tức là thế giới), người nước ngoài ghét người Mỹ chúng ta đến vậy! Trong thế giới các nước chậm phát triển, hàng ngày biết bao đau khổ thiếu thốn, ai mà chẳng ghét một dân tộc (Mỹ) buồn chán đến mức, do thiếu óc sáng tạo mà lại được hưởng nhiều ân huệ, đến nỗi phải bịa ra những trò tra tấn giả tạo để đại chúng xem”.

Tác giả thấy những phim sitcom (phim truyền hình nhiều tập Mỹ với một số nhân vật kỳ nào cũng có mặt) kiểu ấy quả thực buồn nôn. Theo ông, một người dân Pakistan bình thường sẽ phản ứng thế nào khi xem phim Mỹ loại ấy? Người đó hàng ngày làm ăn vất vả, buồn chán là một xa xỉ phẩm, có lẽ chẳng có thì giờ mà xem đài NBC. Nhưng người đó biết thế nào là văn hóa “pop Mỹ” qua bà con sống ở Mỹ hay qua tuyên truyền đại phương, nên không ưa gì loại đó.

“Những trò giải trí của chúng ta (người Mỹ) hẳn y như những trò ma quái của một dân tộc khô đạo tình cờ sinh ra đã được hưởng một đặc ân kinh khủng là giết thì giờ bằng những sự tiêu khiển trống rỗng”.

Dĩ nhiên, văn hóa Mỹ cũng như các nền văn hóa khác trên thế giới, có cái tích cực và cái tiêu cực. Vì vậy, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này, đối với bất cứ nền văn hóa ngoại lai nào, ta cần có sự lựa chọn. Ta phải làm chủ được hiện tượng tiếp biến văn hóa (acculturations) thì mới giữ được bản sắc dân tộc. 

                                                                               Hữu Ngọc / Thế giới và Việt Nam