Dự án của Vietnam Centre là “Dệt nên triều đại”.

Tâm điểm của những người yêu văn hóa, lịch sử ở Hà Nội cuối tuần này là lễ ra mắt dự án “Dệt nên triều đại” của Trung tâm văn hóa Việt Nam (Vietnam Centre). Tuy nhiên, ít người biết rằng đứng đằng sau dự án đó là ba người trẻ đang sinh sống và học tập tại Australia xa xôi.

Trước lễ ra mắt dự án diễn ra vào ngày 30/12, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Lê Thị Ngọc Linh - một trong 3 người sáng lập Vietnam Centre tại Australia để hiểu hơn về chương trình sắp tới cũng như những kế hoạch dài hạn của Trung tâm này.Vì tâm huyết với văn hóa truyền thống và lịch sử nước nhà, họ đã tự nguyện bỏ công sức và tiền túi để về nước tổ chức chương trình tái hiện một phần trang phục cung đình Việt Nam thế kỷ 15 và lễ sắc phong Hoàng thái hậu triều Lê Sơ. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ những nhân vật nổi tiếng như: Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quang Đức…

Hình ảnh từ buổi quay trailer của dự án “Dệt nên triều đại”.

Vietnam Centre thành lập từ tháng 3/2017. Những người đặt nền móng cho Trung tâm là Nguyễn Ngọc Phương Đông, Nguyễn Anh Vũ và tôi - Lê Ngọc Linh. Chúng tôi đều đã và đang sinh sống, học tập tại Australia.

Trang phục của phụ nữ thời Lê.


Chào chị Ngọc Linh, những người yêu văn hóa lâu nay vẫn chỉ biết đến những L'Espace, Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc… Trung tâm văn hóa Việt Nam liệu có phải một tổ chức hoạt động tương tự?

Khi viết một cuốn tiểu thuyết mang yếu tố lịch sử cách đây vài năm, tôi đã có dịp làm việc với Phương Đông (người sáng lập nhóm nghiên cứu văn hóa Đại Việt cổ phong). Hai chị em đều có ý tưởng quảng bá văn hóa và lịch sử Việt Nam ra với bạn bè quốc tế qua những sản phẩm cụ thể như: trang phục, phim ảnh, truyện, show diễn…

Sau khi chia sẻ ý tưởng này với Vũ - một người hoạt động xã hội rất tích cực, cả ba đã quyết định lập nên Vietnam Centre - một tổ chức phi chính phủ (NGO) được Chính phủ tại Australia cấp phép để hoạt động một cách chuyên nghiệp và bài bản, thay vì tự làm những dự án nhỏ lẻ.

“Dệt nên triều đại” chỉ là dự án khởi đầu của Vietnam Centre. Xa hơn, trung tâm muốn mang văn hóa Việt Nam giới thiệu ra với bà con kiều bào, khán giả quốc tế theo những cách thức hấp dẫn. Đó cũng là những gì mà Trung tâm văn hóa Pháp (L'Espace), Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc… đã và đang thực hiện.

Với dự án đầu tay, tại sao Vietnam Centre lại chọn chủ đề trang phục và nghi lễ cung đình?

Không chỉ đơn thuần là bộ quần áo mặc trên người, trang phục chính là lịch sử, là văn hóa. Nếu nghiên cứu kỹ lưỡng các bộ trang phục, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được ở thời đại đó có những sự kiện gì đã xảy ra, ông cha ta sinh sống như thế nào…

Ví dụ, cùng là nước Á Đông, nhưng bộ triều phục của vua Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở cùng thời điểm sẽ có sự khác biệt. Sự khác biệt ấy đến từ đặc điểm khí hậu, văn hóa, tập tục, gu thẩm mỹ… của từng quốc gia.

Nhìn một bộ trang phục đẹp, xem một nghi lễ được được đầu tư, mọi người sẽ tò mò, tự đặt ra những câu hỏi và tự tìm câu trả lời. Vietnam Centre muốn xây dựng niềm đam mê lịch sử và văn hóa truyền thống cho tất cả mọi người theo hướng như vậy.Trang phục cung đình thì phải đi đôi với nghi lễ. Việc phục dựng và trình diễn các nghi lễ sẽ hấp dẫn và trực quan hơn hơn nhiều so với trao đổi suông về lý thuyết.

Dựa vào những cơ sở nào mà Vietnam Centre có thể phục dựng trang phục, nghi lễ cung đình, thậm chí tự tin tổ chức hẳn một chương trình như vậy?

Để dựng lại những bộ trang phục cổ, các thành viên của Vietnam Centre nghiên cứu từ sách khảo cứu, tư liệu, tượng, tranh cổ...

Với một số hiện vật không được các bảo tàng trưng bày, chúng tôi chỉ có thể quan sát ảnh trên internet để vẽ lại. Sau đó, các họa sĩ, nhà nghiên cứu sẽ đối chiếu với sản phẩm cùng thời với các nước có cùng nền văn hóa để đưa ra phỏng đoán về kích thước, chi tiết…


Tôi được biết, khi được Vietnam Centre mời tham dự Lễ ra mắt “Dệt nên triều đại”, Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh đã ngay lập tức nhận lời. Các bạn hi vọng gì vào sự có mặt của Đại sứ ở chương trình sắp tới?

Còn về phần nghi lễ, chúng tôi tự tin là “nói có sách, mách có chứng”. Rất may mắn cho Vietnam Centre là tác giả Phan Huy Chú đã để lại cho hậu thế cuốn sách “Lịch triều hiến chương loại chí”. Trong tác phẩm đó, ông đã miêu tả rất rõ ràng về các nhân vật chính và từng hoạt động của nghi lễ.

Không chỉ ngay lập tức nhận lời thôi đâu! Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh còn cố vấn cho chúng tôi về chủ đề của buổi tọa đàm trong Lễ ra mắt: “Xây dựng thương hiệu quốc gia”.

Ngay khi nghe chủ đề tọa đàm mà Đại sứ đưa ra, các thành viên của Vietnam Centre rất hào hứng và đồng ý ngay lập tức. Là những người sinh sống và học tập ở nước ngoài, chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc giới thiệu thương hiệu quốc gia với bạn bè quốc tế.

Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh là diễn giả của Lễ ra mắt dự án “Dệt nên triều đại”.

Chỉ khi có những thương hiệu tốt, gây ấn tượng mạnh và tốt đẹp với thế giới về cả kinh tế lẫn văn hóa, các dự án của Việt Nam mới được quan tâm, đầu tư.

Khi nói về Mitsubishi, Toyota hay Samurai, Kimono… là ai ai cũng nghĩ ngay đến Nhật Bản. Quốc gia này đã xây dựng những thương hiệu quá đỗi thành công. Và khi nhắc đến chúng, bạn bè quốc tế thấy Nhật Bản vừa là một cường quốc phát triển nhưng cũng đậm chất truyền thống.

Giới trẻ Việt Nam hiện nay được cho là không hứng thú với lịch sử. Liệu Vietnam Centre có thấy đây là một rào cản của dự án không?

Ai bảo giới trẻ của chúng ta không hứng thú với lịch sử. Ngay khi có thông tin về việc tổ chức chương trình tại Hà Nội, rất nhiều bạn trẻ đã đăng ký casting trình diễn hay đến tham dự sự kiện hôm 30/12.

Quan trọng là lịch sử được đưa tới các bạn trẻ như thế nào. Nếu hỏi một chị kế toán, một anh lái xe những câu kiểu: Ai làm vua thời này? Ông ta có vai trò gì? Nhiều khả năng họ sẽ không trả lời được. Đừng chê trách vì họ đâu phải là những nhà nghiên cứu.

Giới trẻ chưa bao giờ quay lưng với lịch sử nhưng họ thiếu đi những sản phẩm có thể khơi dậy niềm đam mê. Để “dân ta phải biết sử ta” là điều không khó. Bên cạnh việc chuyển tải thông tin qua sách báo như hiện tại, chúng ta cần những kênh thông tin mang tính giải trí như phim ảnh, lễ hội, show diễn.Hãy nhìn sang Trung Quốc, Hàn Quốc… họ có những sản phẩm giải trí đơn thuần nhưng chứa đựng rất nhiều thông tin lịch sử. Và rồi, ai cũng biết rằng nhà Thanh là triều vua cuối cùng của Trung Quốc; Dae Jang Geum là ngự y nữ rất giỏi trong triều đình Triều Tiên…

Sau khi tổ chức ở Việt Nam, Vietnam Centre sẽ mang “Dệt nên triều đại” về Australia. Chương trình ở Australia có gì thay đổi không?

Ở Australia, chúng tôi vẫn có kế hoạch tổ chức tọa đàm với người bản xứ cũng như bà con kiều bào. Tuy nhiên, chủ để của tọa đàm sẽ được thay đổi như: Tại sao nên chọn Việt Nam làm điểm đến ở châu Á? Quảng bá văn hóa quê hương như thế nào? Làm sao để những thế hệ sau yêu thích tiếng Việt?

Chương trình ở Australia sẽ được tổ chức vào ngày 8/3. Chúng tôi nghĩ rằng, trong ngày của phụ nữ, việc trình diễn một lễ sắc phong Hoàng thái hậu là rất có ý nghĩa.

Ngoài ra, Trung tâm cũng hướng đến việc làm cầu nối để kêu gọi đầu tư từ nước ngoài cho các dự án điện ảnh có liên quan đến văn hóa và lịch sử của Việt Nam.Sau dự án “Dệt nên triều đại”, Vietnam Centre hướng đến việc thực hiện những sản phẩm về ngôn ngữ. Nhóm dự định sẽ tổ chức lớp học tiếng Việt cho những người nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

Cảm ơn chị và chúc Dự án thành công, được khán giả quốc tế đón nhận!

Theo Thế giới và Việt Nam