GS Seiichiro Yonekura: "Những người trẻ Việt Nam cần phải học cách làm sao đó để có thể biến những ý tưởng của mình thành sản phẩm hiện thực"

Trả lời phỏng vấn PV PNVN, Giáo sư Seiichiro Yonekura, chuyên gia lĩnh vực innovation (cải tiến, sáng tạo) của Học viện Nghiên cứu Sáng tạo, Đại học Hitotsubashi (Tokyo, Nhật Bản) đã thẳng thắn chỉ ra những điểm mạnh cũng như điểm yếu mà sinh viên Việt Nam cần phải khắc phục. Cụ thể, vị giáo sư người Nhật cho rằng người trẻ Việt Nam có rất nhiều ý tưởng nhưng chưa biết cách để biến những ý tưởng này thành sản phẩm cụ thể có ích cho xã hội.
 
Việt Nam và Nhật Bản là đối tác chiến lược, hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước hiện nay?

Nhật Bản và Việt Nam đã hợp tác giáo dục với nhau khá lâu rồi. Rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đã sang Nhật du học. Và cũng đã có học sinh, sinh viên Nhật Bản đã sang Việt Nam để học. Mới đây, trường Đại học Việt – Nhật cũng đã được thành lập, tạo điều kiện để hai nước có quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng hơn.

Người Việt Nam rất chăm chỉ, khéo léo, cần cù. Đây là thế mạnh của Việt Nam. Trong khi Nhật Bản thì có các ngành sản xuất như sản xuất chế tạo công nghiệp, thủ công nghiệp cần rất nhiều lao động. Nhưng chúng tôi lại thiếu lao động, và vì thế chúng tôi rất cần những nhân lực như Việt Nam. 

GS Seiichiro Yonekura trong một buổi thuyết trình với các sinh viên Việt Nam


Hiện nay, lĩnh vực công nghệ thông tin và nông nghiệp đang là xu hướng phát triển và cũng là lĩnh vực mà Việt Nam và Nhật đều có thế mạnh cũng như những nét tương đồng. Nên Nhật Bản và Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác về lĩnh vực này. Đây cũng là xu thế chung của thế giới trong thời đại nền kinh tế công nghệ cao.

Nông nghiệp hiện nay cũng là một lĩnh vực đang được quan tâm. Tuy là ngành mang tính truyền thống, nhưng nếu kết hợp với công nghệ thông tin thì sẽ rất tốt, hiệu quả cao hơn. Trong hợp tác giáo dục, Việt Nam và Nhật Bản cũng cần hướng đến những lĩnh vực đào tạo phục vụ cho ngành này.

 Hiện nay tôi đang phụ trách trung tâm nghiên cứu năng lượng mới của Nhật nên theo tôi còn một lĩnh vực nữa mà giáo dục hai nước có thể hợp tác đó là hợp tác nghiên cứu những công nghệ mới mà mọi người chưa phát hiện ra. Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của những nguồn năng lượng mới, trong đó năng lượng sạch làm chủ đạo chứ không phải là năng lượng hóa thạch.

Được biết, hiện nay số lượng du học sinh Việt Nam học tập tại Nhật Bản rất lớn với hơn 18.000 người, đứng thứ hai (sau Trung Quốc). Vậy điều gì đã giúp nền văn hóa và giáo dục Nhật Bản có sức hấp dẫn đối với sinh viên nước ngoài?

Sinh viên Trường ĐHDL Phương Đông trong một buổi trình bày ý tưởng sáng tạo và thuyết trình trước các giáo sư Nhật Bản. Chương trình nhằm tìm kiếm tài năng và trao học bổng cho sinh viên Việt Nam do phía các trường đại học Nhật Bản tổ chức.


Ưu điểm lớn nhất của giáo dục Nhật Bản chính là giáo dục phổ thông. Chúng tôi chú ý đào tạo từ những kỹ năng cơ bản nhất như kỹ năng đọc, viết, kỹ năng xử lý thông tin và tiếp thu, ứng dụng tri thức đã học vào công việc cụ thể cho học sinh, sinh viên.

Điểm khác biệt thứ hai của giáo dục Nhật Bản đó là khả năng đào tạo, rèn luyện và hình thành nên ở mỗi người tinh thần làm việc tập thể và tính kỷ luật. Đây là hai yếu tố cơ bản để tạo ra hiệu quả cho công việc.

Chúng tôi cho rằng kỹ năng làm việc theo nhóm là rất quan trọng. Nên trong giáo dục, chúng tôi giáo dục cho học sinh tinh thần làm việc theo nhóm từ rất sớm và hiện nay vẫn thế. Nhật Bản rất coi trọng điều này. Bởi vậy mà giáo dục của Nhật Bản được cho là đào tạo một cách cơ bản và có tính ứng dụng thực tiễn rất cao.
 

  Là người tiếp xúc và làm việc nhiều với các thực tập sinh Việt Nam trong nhiều năm qua, ông có nhận xét gì về họ? Theo ông, những điểm yếu mà các thực tập sinh Việt Nam cần phải khắc phục là gì?

Tôi rất ấn tượng với các em học sinh, sinh viên Việt Nam. Học sinh và sinh viên Việt Nam rất nhiệt tình và sáng tạo. Họ chủ động suy nghĩ và có tinh thần cống hiến. Khi sang Nhật tham quan hoặc học tập, các em hoàn toàn tự tin với khả năng của mình. Các em sinh viên nữ Việt Nam khi sang Nhật đã mặc áo dài truyền thống và phát biểu trước hơn hàng nghìn học sinh, sinh viên cũng như các đại diện của các doanh nghiệp Nhật Bản. Chỉ qua chi tiết rất nhỏ ấy thôi, nhưng tôi nhận thấy rõ ở các em sự tự tin và cả sự nhiệt tình, năng động của mình.
Nhìn chung, không chỉ sinh viên Việt Nam mà cả sinh viên Nhật và sinh viên các nước châu Á nói chung đều có những hạn chế nhất định khi so với sinh viên Âu – Mỹ. Điểm hạn chế lớn nhất đó là người Châu Á thường hay có tính quá khiêm nhường, thiếu tự tin và rất ít khi nói ra các ý tưởng của mình.

Các sinh viên Việt Nam có ý tưởng rất tốt, nói cũng rất hay nhưng mà lại kém ở khâu thực hành. Các sinh viên thường không dám khẳng định mình. Nên ngay cả khi có ý tưởng thì cũng không nói ra để người khác biết trong khi bản thân lại thiếu kiên trì để biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Đây là những hạn chế của các học sinh, sinh viên Việt Nam nói riêng và cũng là của các học sinh, sinh viên Châu Á nói chung.

Người Nhật rất chăm chỉ, người Việt Nam cũng thế. Nhưng mà không nói ra ý kiến, đề xuất ý tưởng của mình và nhất là lại không có tinh thần làm việc, hợp tác theo nhóm thì sẽ là hạn chế rất lớn và sẽ không giúp người trẻ thành công được. Nên những người trẻ Việt Nam cần phải học cách làm sao đó để có thể biến những ý tưởng của mình thành sản phẩm hiện thực.

Là một chuyên gia về cải tiến và sáng tạo, theo ông Việt Nam cần phải chú ý những gì để phát triển nguồn nhân lực mang tính bền vững trong tương lai?

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thì có nhiều khía cạnh lắm. Ở đây tôi chỉ để cập đến vấn đề sức khỏe mà thôi. Vì đây cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực. Tôi nghĩ trước tiên Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề về giao thông. Khí CO2 từ các phương tiện giao thông thải ra rất nhiều và rất không tốt cho mỗi người dân Việt Nam. Việt Nam cần nghĩ đến bài toán nhân lực xa hơn nữa.

Trong nông nghiệp, tôi được biết vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam cũng chưa được đảm bảo và năng suất cũng thấp. Hiện nay tỷ lệ ung thư ở Việt Nam là khá cao. Cùng với nâng cao năng suất của nông nghiệp thì mọi người cần phải nghĩ đến sức khỏe, đến thực phẩm sạch. Đấy là những điều mà Chính phủ Việt Nam cần phải quan tâm.

Ngoài ra, tôi thấy người Việt Nam không có thói quen phòng bệnh mà để đến lúc phát bệnh rồi mới đi chữa. Y học ngày càng phát triển, chúng ta cần phải làm gì đó để người dân có thể ý thức được rằng bảo vệ sức khỏe của mình là quan trọng, phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh.

Xin cảm ơn ông.

Giáo sư Seiichiro Yonekura là một trong những chuyên gia hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực innovation (cải tiến, sáng tạo) của Học viện Nghiên cứu Sáng tạo, Đại học Hitotsubashi (Tokyo, Nhật Bản).

Trường Đại học Hitotsubashi (Hitotsubashi University) là một trong những trường đại học được thành lập sớm nhất ở Nhật Bản, ban đầu trường có tên là trường Dạy học Thương mại (Shouhoukoujyuujo) do ông Mori Arinori (1847-1889), Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật Bản thành lập vào năm 1875. Đây là một trường đại học ban đầu có mục đích học tập cách thức làm thương nghiệp của Anh – Mỹ và giảng dạy lại cho người Nhật.

Ngoài đào tạo, trong trường còn có Viện Nghiên cứu Kinh tế, Trung tâm Nghiên cứu Sáng tạo, Trung tâm Giao lưu Quốc tế với nhiệm vụ chính là giảng dạy tiếng Nhật và hướng dẫn cho học sinh nước ngoài của trường.
 H.Sơn