Các tác phẩm của Thuận xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Pháp.


Dòng chảy văn học Việt Nam nhiều năm qua luôn được làm phong phú thêm bởi lực lượng viết văn người Việt sống ở nước ngoài. Không chỉ những nhà văn đã định hình phong cách, có tiếng trong nước rồi mới định cư ở nước ngoài, không chỉ những nhà văn gốc Việt viết bằng tiếng bản địa, còn có màu sắc mới từ những người viết từ cộng đồng du học sinh hay viết từ khi sang làm việc, đinh cư ở nước ngoài.  Điều gì làm nên sự khác khác biệt của họ?                       

Những gương mặt này, mấy năm gần đây đã xuất hiện với độc giả trong nước, như  Thuận (ở Pháp), Quỳnh Lê (ở Thụy Sỹ), Phan Việt (ở Mỹ), Nguyễn Phan Quế Mai... , Nguyễn Hữu Tài (Mỹ), Hiệu Constant (ở Pháp)…vv Thực ra, việc xác định họ ở nơi nào cũng là một sự tương đối, vì có những người trong số họ, cuộc sống, công việc xê dịch giữa nước này và nước khác đã trở thành bình thường. Nói như nhà phê bình văn học Đỗ Quyên (người Việt ở Canada) , thì họ nằm trong một phổ chung của nhiều nhà văn gốc Việt là “bàn văn không còn biên giới”.

Nhưng có lẽ, điểm khác biệt nổi bật của họ chính là ở tâm thế viết văn. Việc xa xứ là một lựa chọn cá nhân, là cuộc dấn thân có chủ định, những công dân toàn cầu ảnh hưởng của một thế giới mở hơn những thời gian trước rất nhiều. Cũng bởi vậy, điều đó có tác động nhiều đến những đề tài họ chọn lựa. Với những người viết đang độ tuổi sung sức này, đề tài họ chọn rất phong phú trong việc tìm kiếm và nắm bắt những giá trị con người xuyên biên giới, quốc gia.

Quỳnh Lê

Quỳnh Lê ngoài tiểu thuyết được các bạn trẻ thích thú “Kinshasa - không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ”, có đóng góp với giọng văn tiếng Việt hài hước đặc biệt được trẻ em ưa thích trong hai tác phẩm dành cho thiếu nhi San San chân to đi dép xốp và Khi Pho Mát, Đậu Bắp làm trẻ em ở Thụy Sĩ. Cô cũng đang có những tác phẩm mới đang được thai nghén, và có lượng độc giả trung thành nhất định đón đợi tác phẩm của mình.Như nhà văn Quỳnh Lê, người Việt ở Thụy Sĩ chia sẻ: “Tôi nghĩ tôi như người đứng giữa hai dòng nước, thường xuyên bắt gặp cảm xúc đó. Chẳng hạn khi còn nhỏ, thì tôi có một thời gian sống ở nhà bà nội, và có thời gian sống ở nhà bà ngoại. Và sau này khi trưởng thành, lúc tôi ở Việt Nam, khi tôi ở Châu Phi, và bây giờ thì lại ở Thụy Sĩ. Ngay cả hai đứa trẻ, là những đứa con của tôi, thì chúng cũng có rất nhiều quê hương, bố người Pháp, mẹ người Việt Nam, con gái lớn thì lớn lên ở Congo và con trai thì lớn lên ở Thụy Sĩ. Nên đó là cái cảm giác mình thuộc về cả thế giới, nhưng mình lại cũng không thuộc về nơi nào cả, nên nó cũng luôn có cảm giác mình muốn nhìn lại quá khứ.”


Nhà văn Thuận có lẽ là trường hợp nhà văn nước ngoài có sách xuất bản sách trong nước nhiều nhất với Phố Tàu, Vân Vy, T mất tích, Made in Vietnam, Paris 11 tháng 8, Thang máy Sài gòn, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng 4Thư gửi Mina… Những tác phẩm của Thuận đã định vị một tên tuổi trong làng văn Việt, với lối kể chuyện hiện đại, có giọng điệu, cá tính riêng, với lựa chọn kỹ càng trong kỹ thuật viết.

Như một hiện tượng cùng văn học thế giới trong những năm gần đây, Việt Nam có những gương mặt văn chương “xê dịch”, viết trên đường đi. Các nhà văn trẻ ở nước ngoài càng có nhiều điều kiện “xê dịch” thuận lợi hơn. Phan Việt (ở Mỹ) với bộ sách “Bất hạnh là một tài sản” (gồm Nước Mỹ, Nước Mỹ; Một mình ở châu Âu, Về nhà), là một ví dụ…Nhưng với Phan Việt, “đi” chỉ là một cơn cớ để bộc lộ nội tâm, như một độc giả của chị đã chia sẻ: “thông qua hành trình cá nhân ấy, chị truyền tải những quan niệm sống, thế giới quan mà tác giả, dưới hình hài của một người phụ nữ Việt Nam, được tiếp cận tri thức phương tây, đặc biệt là nghiên cứu chuyên sâu về xã hội, tới cho người đọc” , với giọng văn trong sáng, giản dị. Và trước đó, cũng phải nhắc lại rằng Phan Việt là tác giả các tập truyện ngắn “Phù phiếm truyện” (giải Nhì cuộc Vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần III);  tiểu thuyết “Tiếng người”…

Nhiều người viết trong số này đồng thời là những dịch giả tích cực trong lĩnh vực dịch thuật văn chương, như Quỳnh Lê, Thuận, Nguyễn Phan Quế Mai, Hiệu Connstant... Đóng góp hàng chục đầu sách dịch của văn hóa Pháp, Hiệu Constant cũng đã xuất bản ba tác phẩm truyện dài trong nước: Côn trùng, Đời du học, À Biêntot (Hẹn gặp lại)..., và ký sự Làm dâu nước Pháp.

Nguyễn Hữu Tài, định cư ở Mỹ từ năm 18 tuổi, nhưng được bạn đọc trong nước biết tới với những truyện ngắn in trên các báo lớn trong nước, với những câu chuyện như những “mảnh lòng dang dở”, là sự tiếp nối quá trình tự vấn, nhìn lại những mảnh đời xa xứ, thẳm sâu trong đó bao giờ cũng phảng phất hình bóng tác giả. Những tác phẩm của nhà văn trẻ này đã ấn hành trong nước: Những chuyến thiên di, Nỗi buồn rực rỡ, Nước Mỹ có gì vui, Cô đơn thẳng đứng, Chồm hổm giữa chợ quêSài Gòn yêu đi em, tản văn Đi rong trên những múi giờ…Giọng văn này khiến người đọc có thể hình dung thấy, thấp thoáng sau những dòng chữ bao giờ cũng có một chút phong vị nắng gió phương Nam.

Từ hồi ức về những giá trị tinh thần trong quá khứ, Hiệu Constant mở rộng đề tài tới cuộc sống của những di dân thế hệ mới, sự hòa nhập giữa hai nền văn hóa. Dịch giả Hiệu Constant chia sẻ: “Như lúc đầu viết cuốn Hẹn gặp lại, ý tưởng của tôi là cuộc trò chuyện giữa hai nền văn hóa, thông qua một nhân vật là người Pháp và một nhân vật là người Việt Nam, tôi muốn gửi gắm nhiều thông điệp: Thứ nhất là cuộc hội thoại Đông – Tây mà trong đó nước Pháp và Việt Nam là đại diện, sự giao thoa giữa hai nền văn hóa; nhưng trên hết tôi muốn gửi đến bạn đọc Việt, những bạn có thân phận không được may mắn như rất nhiều người khác thì hãy nên cố gắng. Nên lời tựa tôi đã viết ở đầu cuốn sách là Biết mình phận nhỏ, nhưng với cố gắng lớn thì sẽ thành công”.

Ngoài những cuốn sách dịch, Nguyễn Phan Quế Mai, vốn xê dịch ở nhiều nước, cũng đã làm nên tên tuổi ở các thể loại thơ, du ký và truyện dài, với những tác phẩm dành cho thiếu nhi như: Mun ơi, chạy đi!Trăng châu Phi, Hành trình tới Biển Sông… Lợi thế của Nguyễn Phan Quế Mai chính là tư duy tiếng Việt đậm chất thơ. Và những tác phẩm thi ca của Nguyễn Phan Quế Mai cũng đặc sắc hơn cả.

Theo VOV5