Cuốn sách Gần như là nhà tập hợp hơn 30 câu chuyện của những người trẻ Việt khi bước ra thế giới

Có một lý thuyết rất phổ biến về tính hòa trộn văn hóa ở giữa các quốc gia mà có lẽ du học sinh nào cũng từng nghe tới.

Mỹ được coi là một "melting pot", một nồi súp trộn lẫn rất nhiều thứ lại với nhau. Cho dù ta là ai, ta đến từ đâu, sức mạnh của văn hóa Mỹ sẽ làm tan chảy sự khác biệt trong ta, khiến ta trở thành một phần trong nồi súp ấy.

Trong khi đó ở các nước châu Âu, mọi thứ có vẻ rời rạc, tách biệt nhưng vẫn có điểm chung nào đó. Giống như một tô salad (salad bowl), nhìn vào là thấy rau ra rau, cà chua ra cà chua, thịt ra thịt, nhưng trộn lại thì vẫn ngon, dễ ăn và dễ tiêu.

Ở giữa các quốc gia như Canada, Australia, New Zealand, ta ở giữa một bức tranh mosaic với hàng triệu mảnh ghép hình khác nhau đại diện cho những con người đến từ rất nhiều quốc gia, chủng tộc, nền văn hóa. Ta nhanh chóng hòa chung với văn hóa của nhiều nước, nhưng cũng dễ dàng tách ra bởi chưa bao giờ gắn chặt với bức tranh tổng thể ấy. Văn hóa của các quốc gia mới này không đủ mạnh để cắt đứt từng cộng đồng ra khỏi văn hóa riêng của quê hương xứ sở họ.

Đi du học không giống du lịch, chúng ta không chỉ là đi ngao du ngắm cảnh và mang về những trải nghiệm ngắn ngủi về văn hóa, về danh lam thắng cảnh, về con người nơi ấy. Bước ra khỏi lãnh thổ quốc gia mình bao giờ cũng là một cuộc sống khác, một thế giới khác.

Đó là nơi bạn phải tìm một ngôi nhà và một căn bếp để sống và hòa nhập với văn hóa, tập tục của nó. Là nơi nếu có được đi học ở đó thì sẽ vỗ ngực là ta đã vươn tầm quốc tế, mà nếu trở về sẽ là vinh quy bái tổ. Là nơi ngày đêm mưu sinh, đèn sách, trầm uất... để ngẩng cao đầu, mang những điều mới mẻ, hay ho về cho xứ mình.

Những người trẻ Việt bước ra thế giới đã rất hứng khởi với những điều mới lạ rộng lớn nhưng rồi lại hoang mang về việc mình là ai, mình thuộc về đâu trong thế giới này. Hơn 30 câu chuyện trong cuốn Gần như là nhà thể hiện điều đó. 

Các tác giả sách Gần như là nhà

Cuốn sách ghi dấu lại câu chuyện về hành trình trưởng thành của các tác giả ở những nơi rất xa, những con người đã gặp và trải nghiệm thay đổi cuộc đời mỗi người.

Một giảng viên đại học danh tiếng ở Việt Nam nhưng khi sang xứ người, để có đủ kinh phí đi học phải làm công việc lau chùi nhà bếp với mức lương 7,87 bảng Anh cho một giờ quét dọn.

Một thạc sĩ quản lý đã được khuyên nên chọn một cái tên “Tây” thay vì tên tiếng Việt thật dài và thật khó phát âm để hòa nhập cùng mọi người trong lớp đại học ở Mỹ.

Một nhà báo khi sắp nhận được học bổng nghiên cứu một năm tại Đại học Harvard, bên cạnh những lời chúc tụng, động viên thì cũng nhận được câu hỏi từ người quen ở Việt Nam: “Có cách nào ‘chạy’ vào đó được không?”.

30 tác giả trẻ trong cuốn sách Gần như là nhà, bằng cách kể lại câu chuyện của mình dưới tư cách là lưu học sinh, nghiên cứu sinh nhiều đại học danh tiếng trên thế giới đã mang đến một cái nhìn đa diện về người trẻ Việt hiện đại. Họ là những thành viên ưu tú của một thế hệ sinh ra từ giữa thập niên 1980 đến cuối thế kỷ trước, phần lớn họ đều có trình độ cao học, hưởng những thành quả của đổi mới và toàn cầu hóa.

Rời khỏi ngôi nhà của mình để đến sống ở những xứ sở khác, người trẻ vật lộn để thích ứng, cố gắng tìm một nơi nào đó để thuộc về, rồi lại hoang mang bối rối mình là ai. Có những người đã bắt đầu ổn định, đặt những viên gạch để xây những ngôi nhà mới và tạo dựng hạnh phúc riêng cho mình. Có những người lại mãi mãi cảm thấy nơi mình đang sống chỉ “gần như là nhà”. Và nếu như vậy thì nơi đâu mới thực sự là nhà?

Những suy nghĩ về cái cũ và cái mới, giữa quê hương chôn nhau cắt rốn và vùng đất đang sinh tồn, giữa nét tính cách phương Đông và phương Tây, giữa ở lại nơi đang học tập, làm việc hay trở về Việt Nam... luôn có trong mỗi người trẻ bước chân ra thế giới. 

Những câu chuyện trong cuốn sách sẽ không giải đáp hết được câu hỏi về căn tính cho từng cá nhân, nhưng các tác giả của Gần như là nhà hy vọng sẽ giúp các bạn trẻ chưa đi, chuẩn bị đi hay đang bước ra thế giới lựa chọn được định hướng cho mình.

Cuốn sách cũng đồng thời giúp độc giả nói chung hiểu hơn về một thế hệ người Việt trẻ dám bứt phá khỏi vùng an toàn để thực hiện ước mơ.

                                                                                                                                                                Theo Zing