Tập thơ được đặt tên theo bài thơ đoạt giải Nhì "Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu". 


Vào năm 2016, nhiều độc giả trong nước tỏ ra bất ngờ khi một cái tên Việt Nam được vinh danh tại cuộc thi thơ trẻ New Zealand (National Schools Poetry Award 2016) do Trung tâm viết văn của Đại học Victoria (New Zealand) tổ chức. Đó chính là Huyền Thư - tác giả của bài thơ đoạt giải Nhì Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu.

Sau giải thưởng tại cuộc thi thơ trẻ New Zealand, Huyền Thư xuất hiện đều đặn trên các ấn phẩm báo chí trong nước. Ở đó, Thư mang đến một chất thơ tươi mới, trẻ trung với những rung động và cảm nhận về đời sống đầy tinh tế, lắng đọng.

Tập thơ được chia làm 5 phần: Bắt đầu từ chính nỗi đauNếu anh về Hà NộiChờ dịu dàng ở châu đại dươngĐôi mắt trẻ thơ, mẹ và làng; và Đất nước - tập hợp những bài thơ mà Huyền Thư tâm đắc nhất viết về tình yêu đôi lứa, gia đình, quê hương và đất nước. Thông qua tập thơ đầu tay, tác giả 9x hy vọng truyền tải một thông điệp chung rằng lòng tốt và tình yêu đối với những điều xung quanh là cần thiết nhất trong cuộc sống của con người.Bạn đọc có thể thưởng thức một cách trọn vẹn hơn về thơ của Huyền Thư qua tập thơ được đặt tên theo bài thơ đoạt giải Nhì Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu do Saigon Books và NXB Văn học ấn hành.

Cây bút trẻ 9x Huyền Thư. 

Ngay từ lúc bắt đầu làm thơ vào đầu năm 2015, Huyền Thư đặc biệt chú trọng đề tài viết về tình cảm quê hương, gia đình và xứ sở. Ở đó, hiện lên qua những câu thơ dài như dòng cảm xúc đang trào tuôn là hình ảnh cánh đồng cỗi cằn, luồng khói cay trên lỗ hổng chái hiên nhà, dòng sông quê nhà, người mẹ tần tảo… Đó chính là điều đáng quý ở cô gái trẻ 9X này - dù đã rời xa gia đình, làng quê ra nước ngoài du học từ nhỏ nhưng vẫn nuôi trong mình cảm thức tiếng Việt và cảm xúc đồng quê để viết nên những bài thơ nặng trĩu nhớ thương, hoài cảm.

Trong đợt về Việt Nam thăm nhà lần này, cây bút trẻ Huyền Thư sẽ có buổi giao lưu với bạn đọc nhân dịp ra mắt tập thơ Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu vào ngày 6/1 tại Sân khấu chính, Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, TP.Hồ Chí Minh).Huyền Thư tâm sự: “Do được tiếp xúc và va chạm với các nền văn hoá nên tôi thấy mình có nhiều cảm xúc và tình cảm với gia đình, làng quê là điều cần thiết. Sự mở mang tri thức và văn hoá cho tôi thấy mình cần thương quê hương mình nhiều hơn và đem văn hóa của đất nước mình giới thiệu đến bạn bè thế giới”.

Theo Thế giới và Việt Nam