Chất lượng nền giáo dục đại học Pháp dựa trên mạng lưới quốc gia gồm hơn 3.500 trường công lập và tư thục, trung tâm nghiên cứu được quốc tế công nhận.

Trong thập niên qua, giáo dục bậc đại học và trên đại học ở Pháp có nhiều đổi mới quan trọng. Trải qua 5 đời bộ trưởng, 3 luật đại học và nhiều kế hoạch cải cách quan trọng đã được áp dụng hiệu quả vào thực tế. 

Luật về tự do và trách nhiệm của các trường đại học (LRU) được thông qua tháng 8/2007, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Nicolas Sarkozy. Luật này trao cho các trường quyền tự chủ trong ngân sách và quản lý nguồn nhân lực, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường vị thế trên các bảng xếp hạng quốc tế về giáo dục đại học. Tháng 2/2008, Tổng thống Sarkozy khởi động chiến dịch cải tạo khuôn viên các cơ sở giảng dạy. Chiến dịch trên có tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỷ euros, với mục tiêu làm thay đổi diện mạo các trường đại học, niềm tự hào của nước Pháp. Đây là một phần của chiến dịch cải cách giáo dục nằm trong luật LRU. Thống kê do chính phủ công bố cho thấy 1/3 số trường có cơ sở vật chất bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong năm 2008, 10 dự án trọng điểm đã được một hội đồng thẩm định quốc tế lựa chọn. 

Chương trình quốc gia đầu tư cho tương lai, ra đời năm 2009, đã đưa ra sáng kiến xếp hạng các cơ sở đại học xuất sắc của Pháp (Idex). Trong giai đoạn đầu công bố vào tháng 7/2011, 3 trường hàng đầu được dán nhãn Idex gồm Strasbourg, Bordeaux và Paris Sciences et Lettres. Để đáp ứng tiêu chí Idex và được hưởng tiền đầu tư, các trường đã tiến hành cải cách mô hình quản trị. Ví dụ ở thành phố Strasbourg, các cơ sở giáo dục đại học đã sát nhập với nhau để lập nên một trường lớn gồm hơn 60.000 sinh viên. Cho đến nay, danh sách Idex gồm 11 đại học uy tín, hưởng khoản tiền đầu tư trực tiếp hơn 161 triệu euro. 

Ngay sau khi được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Giáo dục đại học vào tháng 5/2012, bà Genevière Fioraso đã tổ chức hàng loạt hội nghị tư vấn, mở đầu cho sự ra đời của Luật về giáo dục đại học và nghiên cứu có hiệu lực từ tháng 7/2013. Với mục tiêu cải tổ toàn hệ thống, luật này yêu cầu các cơ sở đào tạo và nghiên cứu tập hợp lại theo khu vực địa giới hành chính. Có 3 sự lựa chọn: sát nhập với nhau, liên kết với một trường công lập theo chuyên ngành, tham gia vào một Cộng đồng các trường đại học. Theo Bộ trưởng Fioraso, việc tái cấu trúc này nhằm tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo trong cùng một khu vực và giảm thiểu sự phức tạp thể chế. 

Một cải cách sâu rộng trong giáo dục đại học từ khi Tổng thống Emmanuel Macron lên nắm quyền đã làm rung chuyển các cơ sở đào tạo, cũng như gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội. Tuy vậy, Luật Định hướng và thành công của sinh viên (ORE) đã nhanh chóng được Quốc hội thông qua tháng 2/2018 và chính thức được ban hành một tháng sau đó. Luật ORE nhằm giảm tỷ lệ sinh viên thi trượt sau năm đầu tiên của đại học, bằng cách cho phép mỗi trường thiết lập các điều kiện tiên quyết để chọn sinh viên tương lai phù hợp. 

Việc đổi mới quy định đăng ký vào đại học được chính phủ kiên quyết thực hiện, sau những con số đáng lo ngại được ghi nhận năm học trước đó. Tỷ lệ sinh viên không vượt qua được năm đầu tiên của trường đại học ở mức 60%, cho thấy sự thiếu hiệu quả trong công tác tổ chức giảng dạy và nghiên cứu, thậm chí phản ánh sự thiếu năng lực của giáo viên. Để khắc phục tình trạng này, nền tảng đăng ký mới, được gọi là Parcoursup, đã được áp dụng từ năm học 2018 – 2019 với những tiêu chí đăng ký chọn lọc hơn. Các học sinh năm cuối của cấp phổ thông trung học đăng ký 10 nguyện vọng trên Parcoursup kèm theo một hồ sơ dự tuyển. 

Trên Parcoursup, các trường đại học đưa ra những kỹ năng mong đợi ở các ứng cử viên. Đối với các nguyện vọng của ứng cử viên, các trường đại học có thể trả lời "Đồng ý" hoặc "Đồng ý, với điều kiện". Luật ORE quy định những ứng cử viên chấp nhận câu trả lời "Đồng ý, với điều kiện" sẽ phải theo những khóa đào tạo tăng cường, trước khi thực sự bước vào năm thứ nhất, để đạt được trình độ mà các trường đại học yêu cầu. Đối với những ngành học mà số ứng cử viên vượt quá số chỉ tiêu tuyển sinh, trường có thể lựa chọn sinh viên tương lai thông qua việc xem xét cụ thể hồ sơ dự tuyển. 

Chính phủ cam kết sẽ đầu tư hơn một tỷ euro trong giai đoạn 5 năm cho giáo dục đại học. Đặc biệt, một khoản ngân sách cũng sẽ được giải ngân để tạo thêm chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành học "nóng" được nhiều người lựa chọn.

Theo Báo Tin tức