Lớp học dạy nấu cháo dinh dưỡng cho các mẹ. Ảnh: Plan

Đây là những chia sẻ của chị Đinh Thị Them (ở tại làng Sơ Tơ, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) là một trong nhiều cha mẹ đang tham gia sinh hoạt các nhóm cha mẹ trong khuôn khổ Dự án Phát triển giáo dục mầm non cấp quốc gia được triển khai từ năm 2012 - 2018. Đây là dự án do Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai, tổ chức phi chính phủ nước ngoài Plan International Việt Nam và Chương trình viện trợ New Zealand phối hợp thực hiện.

Theo tổ chức Plan Việt Nam, với nguồn tài trợ là 7,2 triệu USD, mục tiêu tổng thể của dự án là đạt được các mục tiêu phát triển cho trẻ dân tộc thiểu số trong độ tuổi 0-8, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số tại 7 xã của 4 huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai gồm: An Khê,

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”

Theo bà Lê Thị Bích Hạnh, cố vấn giáo dục của Plan, chương trình giáo dục cha mẹ được Plan xây dựng với mục đích giúp cho cha mẹ biết là họ muốn gì cho con cái họ và họ cần có kiến thức và kỹ năng gì để đạt được mục đích đó.

Tham gia Nhóm cha mẹ là những ông bố, bà mẹ có con từ 0-8 tuổi hoặc người trực tiếp chăm sóc trẻ sống trong cùng địa bàn thôn. Trong ngôi nhà Rông hay một khoảng sân rộng, buổi sinh hoạt diễn ra theo những chủ đề do Hội LHPN và tổ chức Plan xây dựng và dưới sự hướng dẫn của tình nguyện viên dự án với sự tham gia của các phụ huynh và các cháu nhỏ. Họ trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc nuôi dạy con cái dựa trên những kỹ năng, kiến thức của các tình nguyện viên hướng dẫn.

Chị Them lấy chồng sinh con từ sớm, lại không có kiến thức nuôi con đầy đủ nên “được 5 tháng là mình đã nhai cơm cho con ăn rồi. Bây giờ đi sinh hoạt nhóm cha mẹ mình đã biết cho con ăn đủ các chất dinh dưỡng. Nay đứa thứ hai mình đã cho bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu rồi mới cho ăn dặm, cháo dinh dưỡng… Nhà nghèo chỉ có 2 sào ruộng làm lúa không đủ ăn nhưng mình vẫn đi làm thuê cuốc cỏ mía, cuốc cỏ lúa, đi lấy măng bán và để dành tiền mua sữa, mua thức ăn, mua thịt - cá - trứng - đậu xanh - đậu nành… để nấu mâm cơm dành riêng cho con,” chị Them kể.

Phụ huynh chơi với con ở nhà. Ảnh: Plan

“Mình có khổ nhưng mình vẫn muốn con ăn uống đầy đủ để con khỏe mạnh, phát triển, phải cho con đi học để con biết chữ. Mình còn biết bảo vệ môi trường, chăm sóc và tạo cảnh quan xung quanh nhà, thôn bản sạch sẽ, phòng chống các dịch bệnh. Quanh nhà mình giờ ít muỗi rồi, có hoa có quả nhiều hơn trước.”

Bà Trần Thị Hường, Hội LHPN tỉnh Gia Lai cho biết, mô hình đã trang bị kiến thức phù hợp với đặc điểm văn hóa và điều kiện của cha mẹ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao được kiến thức và thay đổi nhận thức, hành vi trong chăm sóc trẻ. Các ông bố, bà mẹ hiểu biết hơn về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ con, các bà mẹ cho con bú trong thời gian dài hơn, chế biến được các món ăn đù dinh dưỡng cho con; biết đưa con đi tiêm phòng, đi khám bệnh khi con bị ốm thay vì cúng ma, thực hiện ngăn ngừa nguy cơ tai nạn thương tích, nguy cơ bị xâm hại cho trẻ; hiểu biết tầm quan trọng của việc học hành đối với con, dành thời gian tâm sự với con, dạy con hát, nói tiếng Việt, thường xuyên kể chuyện, hát cho con nghe.

“Các mẹ đã mạnh dạn, tự tin hơn khi tham gia chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ, biết cách tổ chức cuộc sống gia đình. Tại các địa bàn có mô hình, tỷ lệ trẻ suy dưỡng giảm, sức khỏe được cải thiện, vệ sinh tốt hơn, ít bệnh tật hơn. Bản thân những đứa trẻ có cha mẹ tham gia mô hình giáo dục cũng tự tin, mạnh dạn hơn, không bỏ học giữa chừng”.

Đặc biệt, chương trình đã góp phần thay đổi định kiến giới về vai trò chăm sóc và nuôi dạy con cái, các ông bố hiểu rằng mình cũng cần phải tham gia, chia sẻ với vợ trong quá trình nuôi dạy con.

Bên cạnh đó, tham gia mô hình mối quan hệ giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái được củng cố chặt chẽ, gắn bó hơn.

Một buổi sinh hoạt cộng đồng nhóm cha mẹ. Ảnh: Plan

Nhân rộng mô hình

Được biết, ngoài Gia Lai, mô hình Nhóm cha mẹ có con từ 0 - 8 tuổi là mô hình được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với tổ chức Plan Việt Nam triển khai thí điểm tại các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên - gồm Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum từ 2013-2015.

Năm 2017-2018, Trung ương Hội bắt đầu hướng dẫn triển khai nhân rộng mô hình Nhóm cha mẹ ra 35 tỉnh, thành trên toàn quốc. Đến hết năm 2018, đã có 259 Nhóm cha mẹ được nhân rộng và vận hành tại các tỉnh…

Đánh giá mô hình giáo dục cha mẹ mang tới nhiều ưu điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Việt Nam cho biết:

Từ năm 2019 đến 2021, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai, phát huy tính hiệu quả các mô hình giáo dục cha mẹ hiện có đến 63 tỉnh, thành phố gắn với nhiệm vụ công tác Hội. Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Hội phụ nữ các tỉnh, thành trên toàn quốc triển khai mô hình giáo dục cha mẹ trong chính sách phát triển trẻ thơ gắn với các mô hình hiện có của Hội tại cộng đồng. Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng chương trình quốc gia về giáo dục cha mẹ theo hướng tập trung chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em… 

Theo thoidai