Ảnh minh họa

Phá rào cản định kiến về tình dục

Phó Thủ tướng Thái Lan, ông Chaichai Sarikulya vào hồi tháng 6/2018 đã công bố rằng, các cơ quan hành chính địa phương đã được phân công nhiệm vụ thúc đẩy giáo dục giới tính và kỹ năng sống cho giới trẻ. Đồng thời, Bộ Y tế cũng thiết lập trung tâm giám sát tình trạng mang thai sớm để phân tích một cách kịp thời và hiệu quả. “Bộ Y tế sẽ phải tư vấn biện pháp tránh thai phù hợp cho thanh thiếu niên vừa sinh con hoặc sảy thai”, ông Chatchai nói.Đặc biệt, đối với lĩnh vực giáo dục, giám hiệu và giáo viên các trường học Thái Lan đang tập trung triển khai chương trình giáo dục giới tính quốc gia trong nỗ lực giảm tỉ lệ mang thai ở vị thành niên cũng như bảo vệ sức khỏe sinh sản. Hành động trên là bước tiếp theo sau khi Luật Phòng, chống mang thai tuổi vị thành niên có hiệu lực vào cuối tháng 5/2018.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục, các trường sẽ tổ chức các bài giảng về giáo dục giới tính và thái độ thích hợp đối với giáo dục giới tính cho cả giáo viên và học sinh, do các chuyên gia giảng dạy. “Nhiều giáo viên vẫn cảm nhận giáo dục giới tính và tình dục như một chủ đề cấm kị và tin rằng dạy những kiến thức này sẽ dẫn dắt trẻ đến với tính dục sớm hơn.
 
Chúng ta cần thay đổi thái độ đối với việc lảng tránh vấn đề này”, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục, Kamchorn Tatiyakawee, chia sẻ. Cũng theo ông thì chương trình quốc gia sẽ dạy giáo viên và cả lãnh đạo trường về quyền mang thai, sinh nở của học sinh. “Tất cả các trường phải hiểu rằng họ không thể ngăn cản nữ sinh mang thai đến lớp hoặc quay trở lại trường sau khi sinh nở, theo Luật Phòng, chống mang thai tuổi vị thành niên”, ông Kamchorn nhấn mạnh.
 
Ông Kamchorn giải thích thêm, trong quá khứ, các trường thường từ chối cho phép học sinh tiếp tục học nếu có biểu hiện mang thai có thể nhận thấy qua bề ngoài cơ thể. Nhưng từ nay Bộ Giáo dục bảo đảm rằng mọi nữ sinh có quyền bình đẳng tiếp nhận chương trình giáo dục chính thức. “Tương lai của tất cả những người mẹ tuổi thanh thiếu niên không được phân biệt hoặc hạn chế bởi việc mang thai”, ông nói.
 

Ảnh minh họa

Thi giáo dục giới tính có là cứu cánh?

Không phải tới bây giờ Thái Lan mới chú ý tới vấn đề giáo dục giới tính mà là những chương trình thực hiện trước đây không mang lại hiệu quả. Năm 2014, Bộ Giáo dục Thái Lan thừa nhận phương pháp giáo dục giới tính trong chương trình giảng dạy chung hiện nay đã hoàn toàn thất bại sau 3 năm thực hiện. Lãnh đạo Bộ Giáo dục xác nhận những mặt tiêu cực của phương pháp giảng dạy cũ dẫn tới những vụ quấy rối tình dục đối với các nữ sinh tiểu học các lớp 5, 6 và sinh hoạt tình dục bừa bãi giữa các học sinh trung học.

Từ năm 2005, ít nhất có 2.000 trường phổ thông ở Thái Lan được chọn thí điểm thực hiện chương trình giáo dục mới của Bộ Giáo dục nước này về giảng dạy giới tính cho học sinh. Sau một thời gian thí điểm, phương pháp giáo dục mới được triển khai đại trà trên cả nước. Được giảng dạy kỹ là học sinh từ lớp 4 đến lớp 6 vì học sinh nam ở lứa tuổi này thường hay có những hành động không lành mạnh đối với các bạn gái. Với các học sinh cấp THPT, việc giảng dạy giới tính còn có sự cộng tác của Bộ Y tế Thái Lan để phổ biến kiến thức về sinh hoạt tình dục an toàn và phòng chống bệnh tật.
 
Thông tin từ Quỹ Bảo vệ sức khỏe phụ nữ tại Thái Lan cho biết, tỉ lệ mang thai cao ở thanh thiếu niên là hệ quả nhiều nhân tố, bao gồm giáo viên tránh nói về giáo dục giới tính và phụ huynh cũng ngại thảo luận về giới tính với con cái. Nghiên cứu của Quỹ này cho thấy, 90% các “ông bố tuổi teen” không biết cách sử dụng bao cao su, trong khi 80% “bà mẹ tuổi teen” không biết uống thuốc tránh thai đúng cách. Đáng chú ý nữa là theo Bộ Y tế Công cộng, năm ngoái Thái Lan xếp thứ 15 tại châu Á và thứ 5 tại Đông Nam Á về mang thai thanh thiếu niên.
 
Tỉ lệ trung bình là 52 ca mang thai/1.000 em nữ từ 15 - 19 tuổi - cao hơn mức trung bình toàn cầu là 50 ca/1.000 em. Tại một số khu vực như Bangkok, tỉ lệ mang thai thanh thiếu niên lên tới khoảng 75 ca/ 1.000 em.

 

 Phúc Nguyên

 (Theo The Nation, Chiangraitimes