Bae Sungmun, 56 tuổi, là hiệu trưởng một trường tiểu học Hàn Quốc, giáo sư phụ trách phòng Tư vấn Thanh niên Đại học Chongshi, ở Seoul. Bà từng nhận bằng khen của Thủ Tướng, của Bộ giáo dục Hàn Quốc cho những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục.

Bà là tác giả của cuốn sách "55 bí quyết giúp con học giỏi tại trường", từng lọt top bán chạy và nhận được nhiều tình cảm của các bậc phụ huynh. Trong cuốn sách này, bà nói về cách dạy con thành những đứa trẻ thông minh, giỏi giang. Thế nhưng sau tất cả, bà lại thất bại trong việc nuôi dạy hai đứa con của mình, khiến các con bà ám ảnh cả một tuổi thơ.

Câu chuyện đau lòng này được bà kể lại tường tận trong cuốn sách tiếp theo "Mom Bansungmun", xuất bản năm 2017, với lời thú nhận bản thân "là một phụ huynh dốt nát, thiếu hiểu biết". Cuốn sách bán được hơn 30.000 bản/tháng, lọt top những đầu sách bán chạy nhất Hàn Quốc.

Bà Bae Sungmun trong văn phòng trường ở Seoul năm 2017. Ảnh: Hani.


Trong các buổi nói chuyện và trong cuốn sách của mình, bà từng khuyên mọi người phải dành nhiều lời khen cho trẻ, nhưng bản thân bà lại không làm điều đó. "Tôi từng rất keo kiệt lời khen cho con mình dù chúng có cố gắng đến đâu", bà nói.

Khi con trai khoe về việc đứng nhất toàn trường, bà lấy bảng thành tích ra để soi xét: "Con nhìn xem, ngoại ngữ tốt lên nhưng toán lại thụt lùi. Mẹ đầu tư bao nhiêu tiền cho con học toán mà kết quả chỉ có vậy. 97/100, số điểm này con cũng thấy hài lòng sao?".

Đối với cô con gái út, bà lại càng nghiêm khắc, vì cô bé không giỏi như anh trai, cho đến 7 tuổi vẫn chưa thể nhận được mặt chữ. Vì thế, bà luôn bắt con học ngày học đêm, không được ngủ nếu chưa hoàn thành hết yêu cầu của bà. Bà không thể chịu nổi cảm giác con mình thua kém người ta. "Tôi luôn quát mắng khi con không làm được một đề bài đơn giản. Tôi luôn hét vào mặt con bé 'tại sao con lại kém cỏi như vậy'".

Lần đầu tiên thi nghe viết, cô bé đạt 60/100 điểm, sợ sệt đưa kết quả cho mẹ ký tên. Dĩ nhiên, bà không thể giữ được bình tĩnh. "Con khóc nấc, tôi càng quát: 'Oan ức lắm hay sao mà khóc? Đừng tưởng khóc mẹ sẽ không ép con học".

Lần tiếp theo, kết quả thi của con gái cao hơn, đạt 80/100 điểm. Nhưng bà vẫn không hài lòng, chỉ hỏi con: "Đề thi lần này dễ lắm đúng không?".

Khi con gái đạt 100 điểm, cô bé vui mừng nói với mẹ rằng: "Mẹ ơi, con giống anh hai nè, con đạt 100 điểm rồi!". Thời điểm đó, cô bé khát vọng được nghe lời khen của mẹ. Nhưng bà chỉ lạnh lùng hỏi: "Lớp của con bao nhiêu người đạt điểm tối đa?".

"Nói chuyện với tôi là một điều xa xỉ. Tôi hầu như không quan tâm tới việc con muốn gì", bà nói.

Sự nghiệp của bà ngày một thăng tiến, áp lực dành cho con cũng ngày một cao. Nhưng một cú sốc đã khiến mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Một ngày tháng 4/2007, cậu con trai đang học năm cuối cấp 3 bất ngờ bỏ học chỉ vài tháng trước khi thi đại học. Một tháng sau, con gái học cấp 2 cũng không tới trường.

Hai đứa trẻ vốn ngoan ngoãn, xuất sắc đột ngột không đi học nữa, chỉ ở trong phòng ăn, ngủ, chơi game, xem tivi... Bà Bae Sungmun sốc, quát mắng các con, bắt chúng tới trường nhưng không được. Một năm rưỡi, hai đứa trẻ chỉ ở nhà, không đi học, không giao lưu với ai. Cô con gái tăng tới 80 cân vì ăn uống quá nhiều, không vận động.

Một ngày đi làm về, bà thấy vài người hàng xóm tụ tập trước cửa nhà mình, và nghe thấy tiếng la hét từ bên trong. Mở cửa bước vào, bà hoảng sợ khi cô con gái đang phá đồ đạc, xé quần áo, sách vở vương vãi khắp nơi: "Tôi sợ hãi tột độ. Lúc đầu suy nghĩ khiến tôi run rẩy là nếu con mình chết thì sao. Tôi đến gần con nhưng nó không muốn, chạy vào phòng và nhốt mình trong đó".

Một chuyên gia giáo dục nhưng không thể đưa con trở lại trường học, bà bối rối không biết phải làm gì. Không chịu nổi áp lực, bà đã ngất xỉu, đi cấp cứu ba lần, gặp một số tai nạn nghiêm trọng phải phẫu thuật. Nhưng đau đớn hơn, hai đứa con của bà không mảy may quan tâm đến mẹ.

Ngay cả khi nhìn thấy mẹ ngất xỉu, chúng chỉ cười khẩy và nói rằng: "Mẹ lại diễn trò gì vậy?". Bà chưa bao giờ nghĩ rằng những đứa con ngoan ngoãn, vâng lời trước đây lại trở nên đáng sợ, thờ ơ khủng khiếp như vậy.

"Một ngày, tôi tìm cách nói chuyện với con trai, nhưng nó phản ứng lại bằng những lời lẽ xúc phạm tôi. Khi tới bên con gái, nó đã khóc, cười không ngừng. Tình cảnh đó khiến tôi nhận ra rằng không chỉ tôi đau khổ, mà hai đứa con cũng quá mệt mỏi", bà Sungmun nói.

Và rồi bà nhận ra chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ. Chúng mới là những người chịu tổn thương sâu sắc bởi cha mẹ mình. Lần đầu tiên, bà thừa nhận với các con rằng: "Mẹ đã sai!". Bà gạt hết lòng tự trọng, nỗ lực thay đổi bản thân, lấy lại tình yêu và cứu lấy tương lai của con mình.

Bức ảnh cả gia đình bà Bae Sungmun chụp cùng nhau năm 1999, khi bà tốt nghiệp Đại học Sogang. Ảnh: Hani.

Lần đầu tiên, bà không còn là người đứng trên bục đưa ra những lời khuyên cho người khác, mà đăng ký tham gia một khóa huấn luyện. Khóa học đó đã khiến bà nhận ra được nhiều điều, trong đó điều quan trọng là phải để ý tới những suy nghĩ của trẻ.

Tại sao trẻ em nói rằng "chúng không biết" hoặc trốn tránh câu trả lời, bởi vì người lớn đưa ra các câu hỏi nhưng lại hàm ý như "những cuộc thẩm vấn". Các câu hỏi có thể kích hoạt tư duy, cải thiện khả năng suy nghĩ của trẻ, nhưng việc thẩm vấn sẽ chỉ khiến trẻ tức giận, giảm khả năng vốn có.

"Một ngày sau khi tôi nhận ra điều này, tôi đặt mọi thứ xuống, đối mặt với tình huống cấp bách là con mình có thể sẽ chết, vì những tham vọng của bản thân tôi. Tôi quyết định cần phải dẹp sang một bên. Trường đại học có quan trọng, nhưng trên hết con cần phải sống, khỏe mạnh, chỉ cần con là đứa trẻ bình thường", bà nói.

Ngoài việc thông suốt về tư tưởng, bà dành nhiều thời gian cho con hơn, tâm sự với con về sở thích và những việc con muốn làm. Cuối cùng, hai con bà cũng đã quay trở lại trường học. Con trai đã thử học trống, còn con gái học làm bánh... những thứ theo đúng sở thích của chúng, không cần phải áp lực bài vở nhiều như trước.

Trong một lần con gái đề nghị đi du lịch, dù bận rộn đến mấy bà cũng cố gắng đi cùng con. Chuyến đi ấy đã giúp bà hiểu thêm rất nhiều về con mình.

Hai đứa con bà đến chúc mừng mẹ tại trường nhân một ngày hội năm 2011. Ảnh: Hani.

Khi hai mẹ con cùng nhau đi dạo trên bờ biển, cô bé đã viết ước mơ lên cát rằng "muốn được đi Mỹ" học về tâm lý học để giúp những người đã trải qua những đau khổ như mình.

"Con cũng từng nghĩ đến cái chết. Mẹ biết tại sao không? Để trả thù. Con từng muốn bố mẹ sẽ phải day dứt, hối hận. Nhưng rồi con lại nghĩ tới những lý do để tiếp tục sống. Con muốn giúp những đứa trẻ đã trải qua khoảng thời gian vật lộn giống như con và anh", cô bé nói.

Sau nhiều nỗ lực, cô gái cuối cùng cũng đi du học Mỹ, con con trai theo ngành Triết học tại Đại học quốc gia Seoul. Bà kể rằng bức thư gửi mẹ trước khi lên đường của con khiến lòng mình nghẹn lại. Bà đã không kìm được những giọt nước mắt:

"Gửi người mẹ tuyệt vời của con, người luôn khiến con tự hào. Cảm ơn mẹ vì đã tin tưởng, cho con sự can đảm, giúp con có một giấc mơ tuyệt vời và giúp con tới Mỹ trong hoàn cảnh khó khăn.... Con sẽ học tập chăm chỉ và thành công để mẹ không còn phải lo lắng nữa". 

Theo Vnexpress