Ảnh minh họa

Học tại nhà vẫn giỏi

Có một thực tế là hàng năm, rất nhiều nhân tài trên mọi lĩnh vực đều tốt nghiệp tại các trường ở Mỹ, từ nghiên cứu khoa học, kinh doanh, thể thao... cho đến giải Nobel. Mỗi năm, các trường tại Mỹ thường xuyên cho ra số lượng nhân tài lớn nhất thế giới.
 
Bằng chứng là sinh viên tốt nghiệp Mỹ kinh doanh giỏi nhất, nghiên cứu khoa học giỏi nhất, đóng phim giỏi nhất, chơi đàn giỏi nhất, hát hay nhất, chơi thể thao giỏi nhất và ngay cả trong văn học cũng là một trong những nước có nhiều nhà văn đoạt giải Nobel nhất...
 
Có điều gì đó khiến người ta băn khoăn về việc giáo dục Mỹ đang dạy theo kiểu gì, có một “công thức” chung nào không để tạo ra những nhân tài kiệt xuất, năng động và đầy sáng tạo như thế? Câu trả lời là không! Nhiều phương pháp, giáo trình, cách tiếp cận khác nhau dựa trên một nguyên tắc là chương trình giáo dục thiết kế phải khoa học, không gò bó.
 
Trong đó, điều khiến nhiều phụ huynh ngưỡng mộ nhất chính là mô hình “homeschooling” - trẻ được giáo dục tại nhà, không phải đến trường.

Điểm tích cực của phương pháp giáo dục này là cha mẹ luôn gần gũi con cái, hiểu được tài năng thiên bẩm của con, từ đó sẽ có phương pháp giáo dục tối ưu, nhằm phát huy tài năng thiên bẩm đó. Thời gian học tập mỗi ngày không quá vài tiếng, quỹ thời gian còn lại dùng để du lịch, biểu diễn, tham quan, đọc sách, tiến hành các dự án nghiên cứu hay tham gia hoạt động từ thiện.
 
Hiện nay, có khoảng 1 triệu gia đình ở Mỹ áp dụng phương thức này và theo thống kê đang tăng lên khoảng 15% mỗi năm. Mô hình này đang dần hấp dẫn các mẹ có quỹ thời gian hợp lý, có sự nhẫn nại và thích được gần gũi con mọi lúc mọi nơi, ở trên khắp thế giới. Thành công của phương pháp này xóa tan mọi nguyên tắc mang tính mô phạm nhất của giáo dục, đó là trẻ em phải được đến trường.
 
Mỗi trường một chương trình học
Điều khá khác biệt so với nhiều quốc gia khác là tại Mỹ, các trường học được quyền đưa ra chương trình của riêng mình, vì quan niệm của họ kể cả trong vấn đề giáo dục cũng được khuyến khích cạnh tranh tối đa. Mỗi trường phải đầu tư nghiên cứu để đưa ra chương trình phù hợp nhất, hấp dẫn nhất.
 
Họ không có quan niệm như một số nước rằng thành viên Bộ Giáo dục phải “áp” một nội dung thống nhất lên chương trình giảng dạy quốc gia, bởi làm như thế khác nào đẩy phương pháp giáo dục tối ưu phù hợp từng vùng miền vào năng lực hạn chế của một số vị “chức sắc giáo dục”. Việc lựa chọn sách để dạy, vì thế thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên trách địa phương hay trường học.
 
Sáng tạo là đặc điểm trong thiết kế nội dung giáo dục tại Mỹ. Tuy nhiên, nền tảng của nội dung là phát huy tối đa năng lực suy nghĩ, năng lực nói và viết của học sinh. Nội dung bài học có thể khác nhau, nhưng nền tảng này tương đối giống nhau ở các địa phương.
 
Trình độ của học sinh tốt nghiệp trung học tại Mỹ tuy không đều về nội dung, nhưng lại rất đều về năng lực tư duy và sự tự tin. Không đều về nội dung có nghĩa là có những nội dung được đào tạo ở bang này nhưng không được đào tạo ở bang khác, được đào tạo ở trường này nhưng không được đào tạo ở trường khác.
 
Vấn đề thương mại hóa giáo dục rất được đề cao ở Mỹ, trường nào có nội dung phù hợp, hấp dẫn, giúp đào tạo ra những tài năng xuất chúng có quyền định mức học phí theo ý mình. Sinh viên có quyền chọn trường, chi trả học phí, có thể đi học hoặc không đều là quyền của họ.
 
Tuy nhiên, học sinh các trường công từ lớp 1 đến lớp 12 ở Mỹ không phải trả học phí mà do chính phủ đài thọ. Học phí tại các trường đại học tương đối cao, sinh viên có quyền vay tiền của chính phủ để chi trả, khi nào tốt nghiệp thì từ từ hoàn lại. Các trường cũng không tổ chức thi đầu vào, nhưng có quyền xét tuyển, tức là có quyền nhận hoặc từ chối hồ sơ của sinh viên nào đó.

Theo Phunuvietnam.vn