Trang phục Việt Nam trong dự án Dệt nên triều đại.

Vietnam Centre (Trung tâm Việt Nam) chính thức ra đời vào tháng 3/2017, khi ba người Việt trẻ sống tại Sydney cùng thảo ra một kế hoạch lâu dài về giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Họ là Nguyễn Anh Vũ - từng là Chủ tịch Vietnamese Cultural Ensemble (Nhóm Văn hóa Việt Nam) của khối sinh viên Việt Nam tại Đại học New South Wales và là người có uy tín trong công tác du học sinh tại Sydney, Nguyễn Ngọc Phương Đông - kỹ sư môi trường, một trong các thành viên sáng lập Đại Việt cổ phong, chuyên viên dự án Hoa văn Đại Việt và nhà văn, nhà biên kịch Lê Ngọc Linh.

Việt Nam không chỉ có chiến tranh

Nhóm sáng lập "Vietnam Centre" cho rằng, Việt Nam đang sở hữu một nền văn hóa có bề dày lịch sử cũng như những tiềm năng phát triển không thua kém trên thế giới. Cụ thể, về văn hóa cổ truyền: ngôn ngữ có cấu trúc rành mạch, kho tàng từ vựng đầy đủ và khả năng sáng tạo ra các từ vựng mới; văn chương có lịch sử hai nghìn năm với khối lượng tác phẩm thành văn đồ sộ; hội họa điêu khắc với những đường nét kỹ thuật điêu luyện, tạo ra những tác phẩm sống động và chân thực; thủ công mỹ nghệ thể hiện sự khéo léo, nhẫn nại, đồng thời cả những phát kiến công nghệ tân tiến.

Tuy nhiên, theo họ, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu đã khai thác văn hóa như là nguồn tài nguyên, nguồn vốn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giáo dục dân sinh và tăng cường hình ảnh quốc tế thì Việt Nam vẫn đi sau khá xa. Những chương trình quảng bá văn hóa Việt ở nước ngoài lâu nay vẫn chưa khai thác hết thực chất vốn văn hóa cổ và văn hóa đương đại giàu có của Việt Nam.Trong con mắt những người Việt trẻ đang sinh sống ở Australia, kiến trúc Việt Nam liên tục sáng tạo bên trong, hấp thụ tinh hoa bên ngoài và biến đổi tinh xảo. Nền ẩm thực Việt từ lâu đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao vì sự tinh tế và biến hóa phong phú. Phong tục tập quán và tín ngưỡng Việt đều thể hiện những giá trị nhân bản, coi trọng con người, trật tự xã hội và thiên nhiên. Về văn hóa đương đại, Việt Nam có một bộ phận đông đảo những người làm nghệ thuật sáng tạo, cần mẫn, tài hoa đang tạo ra những sản phẩm văn hóa thu hút sự chú ý của đại chúng, cũng như không thiếu những nghệ sĩ được giới chuyên môn thế giới đánh giá rất cao.

Nhận thấy điều đó, Vietnam Center ra đời với mong muốn xây dựng mạng lưới trung tâm văn hóa Việt Nam tại các đô thị sầm uất trên thế giới. Họ mong muốn liên kết với những nhà nghiên cứu, những người sáng tạo trong nước để thường xuyên giới thiệu tới công chúng những tinh túy của văn hóa cổ truyền lẫn đương đại của Việt Nam.

Nhà văn Lê Ngọc Linh thay mặt nhóm cho biết: “Chúng tôi muốn cải thiện hình ảnh về Việt Nam, để người nước ngoài và kiều bào biết đến Việt Nam như là một mảnh đất tràn đầy văn hóa và cởi mở ở châu Á, không chỉ là một đất nước từng trải qua chiến tranh và có bánh mỳ”. Vì vậy, nhiệm vụ của họ là kết hợp nguồn lực của các nhà nghiên cứu, các tác giả, nghệ sĩ trong nước với các đầu mối ở nước ngoài để quảng bá muôn mặt văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh các sự kiện, triển lãm, trình diễn, tọa đàm, chiếu phim, hòa nhạc, giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa, "Vietnam Centre" sẽ duy trì tương tác thường xuyên với đại chúng qua mạng xã hội cùng những nội dung thu hút.

Bắt đầu từ “Dệt nên triều đại”

Đây chính là dự án đầu tiên mà các thành viên Vietnam Centre đang quyết tâm thực hiện nhằm giới thiệu về vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam từ giai đoạn thuộc Minh thành một quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Dệt nên triều đại (Weaving a realm) tái hiện nghi lễ và trang phục cung đình của Đại Việt thời đầu Lê Sơ (từ 1437-1471) dưới hình thức một buổi trình trình diễn kéo dài hai tiếng. Vietnam Centre đã phỏng dựng các bộ trang phục giai đoạn này dựa trên những nghiên cứu có uy tín như “Ngàn năm áo mũ” của học giả Trần Quang Đức, các hiện vật như áo giao lĩnh của Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh lưu trữ ở bảo tàng Hưng Yên, các tranh tượng tại các di tích đình chùa và các bảo tàng, và so sánh đối chiếu với các nước cùng văn hóa, cùng thời đại. Phần nghi lễ được tái hiện dựa trên ghi chép về Lễ sắc phong Hoàng Thái Hậu trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú.

iện tại, Vietnam Centre đang dốc sức chuẩn bị cho buổi biểu diễn dự kiến diễn ra vào tháng 2/2018 tại Sydney và tương lai là trình diễn tại nhiều thành phố khác trên thế giới. Khó khăn rất nhiều bởi nhân lực mỏng và tài chính chưa ổn định, nhưng họ nhận được nhiều sự hỗ trợ về ý tưởng, kỹ thuật của những người cùng có đam mê, đồng thời tiếp cận được những nghiên cứu tỉ mỉ về văn hóa Việt Nam từ giới nghiên cứu trong nước và cộng đồng sáng tạo văn hóa của Việt Nam. Một thuận lợi khác là các thành viên của nhóm đang ở ngay Sydney, được tiếp xúc hàng ngày với người nước ngoài và kiều bào.

Để lên kế hoạch lâu dài cho hoạt động của tổ chức, các bạn trẻ này đã tích cực liên hệ với những người yêu văn hóa Việt Nam tại những thành phố khác ở Australia, Mỹ, Đức, Nhật Bản... và nhận được nhiều sự tán đồng từ phía các cộng đồng. Ngoài dự án Dệt nên triều đại, họ cũng đang xúc tiến thực hiện những chương trình dạy tiếng Việt tại Australia, tổ chức các buổi tọa đàm về Việt Nam và tăng cường giao lưu với văn hóa Australia.

“Những sự kiện của chúng tôi có khả năng thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và du lịch Việt Nam, đẩy mạnh đầu tư đa phương và củng cố quan hệ quốc tế. Chúng tôi tin rằng, đây cũng là cơ sở để góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhưng ít tiêu hao tài nguyên, ít tổn hại môi trường, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, đồng thời nâng tầm hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế”, các thành viên của nhóm sáng lập Vietnam Centre chia sẻ.

                                                    Theo Thế giới và Việt Nam