Giảng viên trường Đại học Hữu nghị các dân tộc Nga trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. 

Tham dự sự kiện có đại diện Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, các giảng viên trường Đại học Hữu nghị các dân tộc Nga cùng hơn 30 đại biểu là giáo viên tiếng Nga đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục của Việt Nam.

Mở đầu Lễ khai mạc, đại diện Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga trao tặng Bằng khen của Cơ quan Hợp tác Liên bang Rossotrudnichestvo và quà lưu niệm cho 6 giáo viên Việt Nam có thành tích xuất sắc trong chương trình giảng dạy tiếng Nga.

Đây là phần thưởng nhằm khuyến khích các giáo viên đang giảng dạy tiếng Nga trong các cơ sở giáo dục của Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy năng lực của mình và thường xuyên học hỏi, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm để phát triển hơn nữa.

Nằm trong khuôn khổ chương trình của Cơ quan Liên bang về Cộng đồng các quốc gia độc lập, kiều bào sống ở nước ngoài và hợp tác nhân văn quốc tế, Chương trình Giáo dục bổ sung nâng cao trình độ giảng dạy tiếng Nga với mục đích nâng cao trình độ giáo viên dạy tiếng Nga trong các tổ chức giáo dục tại Việt Nam.

Theo đó, trong hai ngày 22/10 và 25/10, Trường Đại học Hữu nghị các dân tộc Nga thực hiện các chương trình giáo dục bổ sung tại Việt Nam. Nhiệm vụ đặt ra trong chương trình này là hệ thống hóa quan điểm của học viên theo định hướng “tiếng Nga như một ngoại ngữ” và giới thiệu với học viên những công nghệ hiện đại được sử dụng trong quá trình giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa.

Trong thời gian giảng dạy, học viên được làm quen với các công nghệ soạn thảo hiện đại và sử dụng tài liệu học tập điện tử trong sách dạy tiếng Nga, các phương pháp lập kế hoạch và tổ chức dạy ngoại ngữ có sử dụng công nghệ thông tin truyền thông theo hình thức dạy truyền thống, từ xa.

Ngoài ra, các lớp học sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu của trường đại học trong lĩnh vực dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ, giao tiếp liên văn hóa theo hình thức lớp dạy mẫu, hội thảo bàn tròn, trò chơi tình huống…

Học viên cũng được tiếp cận các chủ đề mới trong giảng dạy tiếng Nga như: Sách giáo khoa mới về tiếng Nga như một ngoại ngữ, Không gian giao tiếp của nước Nga hiện đại, Khuôn mẫu dân tộc học và hình ảnh dân tộc, Quan hệ liên tưởng của từ ngữ…

Theo Thế giới và Việt Nam