Ảnh: T.THY

Trong nỗi niềm tiếc nhớ về những điều một đi không trở lại, dù điều ấy thuộc về vàng son một thuở hay quê kiểng một thời, có lẽ niềm tiếc nhớ cũng có sức nặng như nhau.

Vì vậy, đọc  Ngoại ô thương nhớ của Phi Tân, cảm giác hạnh phúc như được nhìn ngắm một bức tranh quê sống động muôn màu muôn vẻ, nhưng rồi chợt thấy tiếc vì bức tranh ấy đã và đang dần nhạt nhòa trong cơn lốc đô thị hóa ngày nay.

Ngoại ô thương nhớ là chuyện làng đúng nghĩa. Làng thiệt là làng, quê thiệt là quê, "quê một cục" với "Bolero chợ Nọ", chuyện đi họ, chén nước chè xanh, ngọn đèn dầu, chiếc nôi tre, cái mo cau, mùi khói bếp, tiếng gọi đò...

Cảm thức làng, văn hóa làng bao quát toàn bộ nội dung tập tản văn và lan tỏa, vương vấn trong từng câu chữ.

Làng quê trong Ngoại ô thương nhớ là tình yêu, là ký ức của anh chàng nhà quê Phi Tân, nhưng đó cũng là tình yêu và ký ức của chính bạn đọc.

Bởi làng quê là nơi mà rất nhiều người đã từng gắn bó rồi rời xa và rưng rưng nhớ. Đọc tập tản văn này, họ sẽ được làm một chuyến hồi hương - một chuyến về làng bằng tâm tưởng, âu cũng là được thỏa nhớ mong.

Phi Tân viết văn giản dị, chân chất, mặn mòi, tự nhiên. Trong văn của Phi Tân có rất nhiều phương ngữ của miền quê ven biển xứ Thừa Thiên như là những hạt "mì chính ngôn từ" của riêng anh.

"Rạnh nưa", "chàn bếp", "gác vằng", "lặn rong", "vô rú", "chụm lửa", "gò gái"... được thả giữa trang văn nhưng đọng ở lòng người bởi đọc lên nghe nhớ thương chi lạ. Một nỗi niềm thương nhớ ngày xưa, thương nhớ đồng quê cứ man mác, lan tỏa trong hồn, và chợt thấy cay cay nơi mắt...

Nhấn mạnh "nơi chốn" và "ý thức nơi chốn" là xu hướng trở về, tìm về của văn chương thế giới, đặt biệt là văn chương sinh thái.

Dù không cố ý, nhưng qua tập sách này, Phi Tân đã xây dựng ý thức về nơi chốn, giúp con người quan tâm và gần gũi với nơi mình sinh sống, xem đó là nơi trú ngụ của tâm hồn, là "ấp Tara" như nàng Scarlett O'Hara trong Cuốn theo chiều gió được trở về nương náu sau những thăng trầm bươn chải, gió táp mưa sa của cuộc đời.

Cảm thức nơi chốn ở đây còn là cảm thức mất mát. Những cái đẹp dung dị ngàn năm của làng quê Việt đang dần mất đi. Cá đồng không còn, ao làng đã lấp; không còn nữa hình ảnh lũ cóc nhái từ bờ bụi, hang hốc nhảy loi choi ra đầy sân, lũ gà ba chân bốn cẳng chui vào đụn rơm bên vườn nhà ủ rũ và bầy con nít ríu rít tắm mưa khi cơn giông ập đến...

Sẽ có ngày, nghe ai đó nói "làm đày", "kêu như kêu đò Ca Cút", ta sẽ sững sờ như tìm lại được vật báu, sung sướng như gặp lại cố nhân giữa đất khách quê người. Vì vậy, có thể gọi Phi Tân là người níu giữ hồn quê, người níu giữ cái đẹp.

Đọc sách, yêu làng đến quặn lòng, nhớ làng đến rưng rức nhưng cũng lo mất làng đến thắt ruột. Chợt nhớ những câu thơ như xát muối vào lòng của Nguyễn Thánh Ngã: "Làng ơi!/ có thể làng về trời với ông bà tiên tổ/ xin để lại bờ tre/ con vót đũa làm người...".

Theo tuoitre