Lan Anh cho biết ra nước ngoài theo chương trình Au Pair, nhiều bạn trẻ sinh sống trong gia đình người bản xứ, giúp đỡ việc nhà và chăm con cho họ. Đổi lại, du học sinh được ở nhờ và chi trả một phần học phí trong thời gian một năm.

Theo nữ sinh, đây là chương trình rất phổ biến. Tại Việt Nam, mỗi năm, nhiều bạn trẻ tham gia Au Pair để du học thông qua sự tư vấn, giúp đỡ của các trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế.

Cô gái gốc Hà Nội đã thành công sau quá trình đăng ký thi tuyển tại trung tâm, tham gia các khóa đào tạo, tìm gia đình nuôi phù hợp, xin được visa và lên đường bay đến “miền đất hứa”.

Lan Anh tham dự chương trình Au Pair một năm để trải nghiệm văn hóa Mỹ. 

Nhiều khó khăn

Một trong những khó khăn đầu tiên là tìm được gia đình nuôi phù hợp. Nguyễn Thị Tân Mùi (sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết bạn mất gần 2 năm để tìm được gia đình nuôi. Nhiều bạn bè của Mùi tìm được gia đình nuôi rồi nhưng không xin được visa nên không thể ra nước ngoài học tập.

Vũ Thùy Linh, sinh viên tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, cũng chọn chương trình Au Pair và sống với một gia đình ở Philadelphia, Mỹ.

“Mình tình cờ nói chuyện với cô bạn đang sinh sống ở Đức và biết về Au Pair. Sau khi tìm được nhiều thông tin thú vị, mình quyết định liên hệ với trung tâm, làm hồ sơ, tập trung rèn luyện tiếng Anh cấp tốc. Cuối cùng, may mắn cũng đến”, Linh kể về quá trình ra nước ngoài học tập.

Thời gian đầu ở Mỹ, Lan Anh hơi hoang mang, ít nói. Vốn ngữ pháp và từ vựng chưa đủ để cô gái 24 tuổi nghe hiểu 100% những điều người bản xứ nói. Sự khác nhau về văn hóa cũng khiến cô gái gặp nhiều khó khăn.

“Những lúc đó, mình chỉ muốn thu người lại, tự thấy mình nhỏ bé giữa trời Tây. Khi ở Việt Nam, mình quen trong vòng tay bao bọc của bố mẹ, sang bên này phải dậy từ 6h sáng làm hết mọi thứ, dọn dẹp, chăm sóc em nhỏ, nấu ăn… Những việc nhỏ nhất diễn ra hàng ngày như đổ xăng, mua vé tàu, hỏi đường… cũng là thứ mình phải làm quen, học hỏi”, 9X nói.

Cũng giống như du học sinh nói chung, nhiều bạn trẻ tham dự chương trình Au Pair phải đối mặt nỗi nhớ nhà nơi xa xứ. Họ tâm sự có những lúc tỉnh dậy không nghĩ mình đang ở nơi xa xôi, cách bố mẹ, bạn bè cả nửa vòng Trái Đất.

"Thèm một cái ôm, thèm bữa cơm gia đình, thèm được rong ruổi cùng bạn thân quanh bờ Hồ, công viên Thống Nhất… Nước mắt rơi khi nghe một bài hát, xem đoạn video nhưng cũng phải tự mình gạt đi để học tiếp”, Lan Anh bồi hồi nhớ lại.

Thời gian làm Au Pair cho một gia đình Do Thái, Thùy Linh tích lũy kinh nghiệm sống, tìm hiểu các chương trình giáo dục và tiết kiệm được một số tiền cho kế hoạch du học sau khi hết hợp đồng với chủ nhà. Hiện nay, cô là sinh viên của Đại Học Villanova (Pennsylvania, Mỹ).

Nữ sinh kể dù đã chuẩn bị trước tâm lý, khi đặt chân tới Mỹ, cô vẫn bị sốc trước khí hậu nơi đây. Mùa đông nhiều tuyết rất lạnh là “cực hình” đối với người quen sống vùng ấm áp.

"Nhiều đêm vượt quãng đường xa từ trường về nhà muộn, nhiệt độ ngoài trời âm 15 độ C, mình đã bật khóc vì mệt và tủi thân. Lúc đó, mình chỉ thèm những tia nắng ấm ở Việt Nam”, cô gái kể lại.

Vấn đề văn hóa, tôn giáo, lối sống khác nhau cũng là rào cản khiến 9X chưa thể thích nghi từ ngày đầu mới đến. Linh tâm sự gia đình chủ nhà theo đạo của người Do Thái, các quy định về ăn uống, sinh hoạt rất khắt khe và lạ. Họ không sử dụng điện thoại, máy tính, các công tắc điện, thiết bị có khả năng phát sáng, không sử dụng ôtô… dịp cuối tuần.

Thùy Linh (bên phải) trong lớp học tại ĐH Villanova (Pennsylvania, Mỹ).            

Một thử thách nữa với các bạn trẻ của Au Pair là chăm sóc em bé của chủ nhà. Chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ và rào cản ngôn ngữ khiến công việc này không hề dễ dàng.

"Các bé thường không nghe lời như bố mẹ nói. Thậm chí, nhiều em bướng bỉnh và quậy phá”, Trương Quỳnh Hoa, sinh viên ĐH Tài nguyên và Môi trường, hiện là Au Pair tại Pháp, cho biết.

Quãng thời gian trải nghiệm quý báu

Một năm sinh sống cùng gia đình nuôi tại nước ngoài mang đến cho các bạn trẻ nhiều thay đổi tích cực. Sống tại Mỹ hơn một năm, khả năng ngoại ngữ của Thùy Linh tốt hơn rất nhiều, giúp cô bắt kịp việc học tập tại trường đại học.

Bên cạnh đó, việc đặt chân tới vùng đất hoàn toàn mới lạ, tạm xa gia đình, bạn bè, xa môi trường mình gắn bó suốt hơn 20 năm đã thôi thúc cô gái trẻ rèn luyện kỹ năng hoàn thành công việc sớm hơn người khác.

Thùy Linh thừa nhận được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè quốc tế khiến cô có cái nhìn rộng hơn về những khác biệt trong cuộc sống.

Đối với Trương Quỳnh Hoa, mỗi nền văn hóa có những nét đặc trưng riêng. Những điều tưởng hết sức bình thường ở nước này lại là điều cấm kỵ hay trái ngược ở nước khác.

Ước mơ du lịch một mình qua các bang, các thành phố lạ của các bạn trẻ đều có thể trở thành hiện thực.

Thùy Linh đã được trải nghiệm phong cảnh ở California, đảo Catalina xinh đẹp, khu dân cư ven biển Mexico. Lan Anh nhớ mãi sự hoa mỹ, tráng lệ của các thành phố New York, Washigton DC hay Las Vegas…

Kinh nghiệm từ hoạt động thực tế, vốn ngoại ngữ, kiến thức xã hội, sự trưởng thành là những "cái được" lớn nhất mà bạn trẻ tham dự Au Pair đạt được.

Au Pair - tiếng Pháp có nghĩa "thành cặp” - là chương trình trao đổi văn hoá dành cho sinh viên nước ngoài đến ở cùng một gia đình người bản địa. Họ học hỏi văn hoá, ngoại ngữ của đất nước đó thông qua cuộc sống hàng ngày.

 

Sinh viên từ 18 đến 29 tuổi (tùy theo quy định của các quốc gia đón nhận Au Pair) được miễn phí ăn ở, gia đình nuôi chi trả các khoản tiền bảo hiểm, tiền tiêu vặt hàng tháng và được tham gia những khóa học tiếng.

Đổi lại, bạn trẻ phải hỗ trợ gia đình nuôi trong việc nhà và chăm trẻ. Thời gian tham gia chương trình từ 3 tháng đến 12 tháng. Ở một số nước, sau 12 tháng, sinh viên có thể gia hạn thêm 6 tháng nữa.

Ở Việt Nam, một số tổ chức nhận tư vấn, giúp đỡ các bạn trẻ tham gia Au Pair.

Theo zing.vn