Tại Seoul, gần 160 máy bay thay đổi lịch trình để giảm tiếng ồn, các ngân hàng và thị trường tài chính bắt đầu phiên giao dịch muộn hơn, trong khi các phương tiện công cộng được huy động tối đa để tạo điều kiện thuận lợi về giao thông và môi trường cho các thí sinh suốt kỳ thi kéo dài 9 tiếng, từ 8h40 tới 17h40.

Thay vì hoạt động từ 7h đến 9h, tàu điện ngầm giờ cao điểm sẽ bắt đầu chạy từ 6h và kết thúc vào 10h sáng, nhiều hơn 2 tiếng so với bình thường. 16.000 taxi hoạt động liên tục và hơn 800 phương tiện khác luôn trong tình trạng sẵn sàng gần nhà ga, bến xe bus và các điểm chốt để giúp các thí sinh đến địa điểm thi đúng giờ. Đặc biệt, nếu thí sinh yêu cầu, các em sẽ được phục vụ miễn phí.

Các thí sinh thi đại học tại một trường trung học ở Seoul năm 2017. Ảnh: AFP

Các thí sinh thi đại học tại một trường trung học ở Seoul năm 2017. Ảnh:AFP

Kỳ thi Suneung bao gồm các môn như địa lý Hàn Quốc, đạo đức và tư tưởng, luật pháp và chính trị, lịch sử thế giới và nhiều lĩnh vực khác. Điểm thi cao không chỉ minh chứng cho năng lực học tập mà còn có ý nghĩa quyết định cả số phận của một học sinh Hàn Quốc. 

Các học sinh bắt đầu ôn luyện cho Suneung từ năm 13, 14 tuổi. Suốt năm đầu tiên của trung học phổ thông, sau giờ học trên lớp, các em tiếp tục đến những lớp học thêm và lò luyện thi với tổng thời gian học lên tới 16 tiếng mỗi ngày. Nhiều em ước mơ đặt chân vào các đại học hàng đầu Hàn Quốc như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei, ba ngôi trường thường được viết tắt bằng từ "SKY".

Có hàng triệu người Hàn Quốc như Lee Jin-hyeong buộc phải tiếp tục học thậm chí sau khi đã tốt nghiệp. "Hàng ngày tôi học từ 9h sáng đến 1h sáng hôm sau", Lee, người dành phần lớn thời gian trong các phòng học và thư viện ở Seoul, nói.

Ở tuổi 35, Lee đã tốt nghiệp chuyên ngành khoa học máy tính nhưng vẫn chưa làm công việc toàn thời gian nào và đang học để thi công chức với hy vọng trở thành một cảnh sát.

Tại Hàn Quốc, nhiều lao động trí thức trong các ngành như dịch vụ dân sự, thiết kế, báo chí, thậm chí cả những vị trí đáng mơ ước tại những đế chế như Samsung, LG và Hyundai, đều yêu cầu phải vượt qua các kỳ thi mở rộng, các chứng chỉ và nhiều bằng cấp khác.

Minji Kim, 29 tuổi, cho hay cô đã trải qua hơn 50 kỳ thi "quyết định cuộc đời", trong đó có Suneung cũng như các kỳ thi vào trường trung học, các bằng cấp đặc biệt và chuyên môn báo chí. 

"Tôi bắt đầu những kỳ thi kiểu này từ năm học tiểu học", Kim nói. "Có những kỳ thi tôi biết có khả năng làm thay đổi đời mình nên tôi không dám đi chơi vào cuối tuần vì cần dành hết thời gian cho việc học".

Tháng 8/2015, Kim tham gia cuộc thi đầu tiên vào một tờ báo. Cô phải thực hiện bài kiểm tra vốn hiểu biết về nhiều lĩnh vực như xã hội, kinh tế, chính trị, thậm chí tiếng Trung. Kim cũng được yêu cầu viết hai bài luận trong hai giờ và sau đó phải uống rượu cùng người tuyển dụng để họ đánh giá thái độ của ứng viên.

Phụ huynh chờ con thi đại học ở Seoul hôm nay. Ảnh: Reuters

Phụ huynh chờ con thi đại học ở Seoul hôm nay. Ảnh:Reuters

Kim cho hay các cuộc thi này có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần mỗi lần và thường khiến các ứng viên phải tạm ngừng các kế hoạch khác trong cuộc sống để chờ đợi bước tiếp theo.

"Một số bạn bè tôi sống ở ngoại ô Seoul phải đến trước một ngày và đặt khách sạn ở để tham gia cuộc thi", Kim kể. "Cuối tuần nào cũng thế. Rất tốn kém và và họ không biết khi nào sẽ có kết quả, còn các công ty không chi trả khoản phí này".

Nhưng thậm chí sau khi đã nhận việc, Kim cho hay hầu như việc thăng tiến trong các lĩnh vực chuyên môn ở Hàn Quốc đều bắt buộc phải thi thố. Người Hàn Quốc rất thích các kỳ thi chuẩn hóa, xem đây như một phương pháp khách quan để đánh giá trình độ của một cá nhân, theo ông Shin Gi-wook, giáo sư xã hội học kiêm giám đốc chương trình Hàn Quốc tại đại học Stanford, Mỹ.

"Người Hàn coi trọng sự đoàn kết, vì thế họ cảm thấy thoải mái khi mọi người được đánh giá dựa trên một cơ sở như nhau nhằm tránh sự chủ quan và tranh cãi", ông nói. "Chức năng của các kỳ thi trong xã hội Hàn Quốc hiện đại là điểm thi cao chứng tỏ trình độ của người đó tốt, đây là cách dễ dàng và đơn giản nhất để đảm bảo tương lai của một cá nhân trong một xã hội phân tầng rõ rệt như thế".

Trong trường hợp của Lee Jin-hyeong, anh đã tham dự kỳ thi công chức tới 4 lần mỗi năm trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa đạt được kết quả cần có để vào vòng tiếp theo.

"Hầu hết những người trong độ tuổi 20 và 30 đều đến thư viện hàng ngày như tôi, học để thi các kỳ thi tương tự nhằm trở thành nhân viên chính quyền, cảnh sát, lính cứu hỏa. Tôi có thể nói khoảng 80% trong số họ đang ở tình trạng như thế", Lee nói. "Hầu hết các cuộc thi chỉ diễn ra 1-2 lần mỗi năm. Những người không đủ điểm để vào các trường đại học hoặc các công ty top đầu sẽ phải đợi thêm một năm nữa để thi lại".

Hai phần ba người Hàn Quốc trong độ tuổi 25-34 có bằng đại học, tỷ lệ cao nhất trong các nước thành viên của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Giống như Lee, nhiều người trong số đó lựa chọn gác lại các mối quan hệ xã hội, chuyện hẹn hò, kết hôn cho đến khi tìm được công việc đầu tiên. Không may, điều này có thể kéo dài cả thập kỷ.

"Xã hội Hàn Quốc cũng rất nhạy cảm về tuổi tác và hầu hết các công ty thiết lập một giới hạn tuổi khi tuyển dụng nhân viên", ông Shin cho hay. "Những người không thể chứng minh năng lực trên thị trường việc làm ở độ tuổi 20 hay 30 sẽ gặp khó khăn để thực hiện điều này vào giai đoạn sau đó của cuộc đời".

Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình từ lâu đã đặt ra câu hỏi rằng liệu văn hóa thi cử cực đoan của Hàn Quốc có thật sự cần thiết trong một xã hội mà nhiều người gọi là "địa ngục Joseon", do thiếu sự linh hoạt về xã hội, thiếu cơ hội việc làm và tất cả đều cảm thấy vô vọng, nơi mà tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15-29 vào nửa đầu năm 2018 là 11,9%, cao nhất kể từ năm 2015. 

Học hành một cách điều độ là việc tốt, John Lie, giáo sư xã hội học tại đại học California, Berkeley, Mỹ nói. "Tuy nhiên, việc học cả ngày lẫn đêm như ở Hàn Quốc là rất khủng khiếp đối với trẻ em và không có ý nghĩa thiết thực với xã hội, dù họ quan tâm đến năng suất hay hạnh phúc.

Một nhóm học sinh trung học gập đầu trước trườngTaejang ở thành phốSuwon để chúc các anh chị khóa trên hoàn thành tốt kỳ thi đại học. Ảnh: Yonhap

Một nhóm học sinh trung học gập đầu trước trườngTaejang ở thành phốSuwon để chúc các anh chị khóa trên hoàn thành tốt kỳ thi đại học hôm nay. Ảnh:Yonhap

Các chuyên gia cho rằng văn hóa học hành cực đoan của Hàn Quốc đã khiến giới trẻ nước này không có sự chuẩn bị gì cho cuộc sống thực tế. "Những người trẻ dành 25-30 năm đầu đời cho việc học để thi thố và cuối cùng khi họ bước ra khỏi vỏ ốc vào thế giới thực, họ nhận ra cuộc sống không phải là một bài kiểm tra với nhiều lựa chọn và không phải luôn luôn có một câu trả lời rõ ràng cho mọi vấn đề, đối với họ đó là một cuộc khủng hoảng giữa cuộc đời", giáo sư Shin nói. "Việc dành cả tuổi trẻ để học cho hết kỳ thi này đến kỳ thi khác là vắt kiệt cả về thể xác lẫn tinh thần".

Nỗi ám ảnh với việc học một phần là do truyền thống Nho học của Hàn Quốc, nhưng nó cũng có bối cảnh lịch sử và xã hội hiện đại.

"Giáo dục là nguồn lực chính cho xã hội Hàn Quốc trong thời kỳ phát triển", ông nói. "Người Hàn Quốc tin rằng nếu không có nỗi ám ảnh về giáo dục thì quốc gia này không thể đạt được vị thế hiện nay trong nền kinh tế thế giới. Giáo dục là cốt lõi trong những nỗ lực vươn tới thành công của Hàn Quốc".

Ông Shin cho rằng hệ thống tuyển sinh đại học và tuyển dụng việc làm hiện nay có thể cải thiện được, ví dụ đa dạng hóa các tiêu chí tuyển sinh. 

"Mọi thứ đang trở nên rối loạn chức năng, một căn bệnh về bằng cấp", giáo sư Lie nói, đề cập tới lượng người xin việc nặng về bằng cấp quá cao trong một thị trường việc làm vốn đã quá đông đúc.

"Xã hội hiện đại cần thợ cơ khí và thợ sửa ống nước, đầu bếp và các ngôi sao nhạc pop? Rõ ràng là thế", ông nói. "Họ có cần bằng đại học hay các chứng chỉ cao cấp không? Tôi nghĩ là không".

Minji Kim, người hiện làm ở một công ty của Anh, cho hay dù cô không phải trải qua bài kiểm tra nào để được làm ở vị trí hiện tại, cô vẫn sẽ phải học tiếp trong tương lai.

"Tôi không muốn thi thêm nữa nhưng tôi nghĩ tôi sẽ phải thi, chừng nào còn sống ở đây". 

Theo vnexpress