"Em bé Hà Nội" - một trong những bộ phim được Hãng phim truyện Việt Nam
sản xuất trong thời kỳ vàng son của minh.


Thời kỳ hoàng kim

Ngày 20.9, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Kết luận chỉ rõ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) còn một số tồn tại và khuyết điểm.

Cụ thể việc thực hiện các bước cổ phần hóa, lựa chọn tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. VFS ký kết hợp đồng với hai đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và cổ phần hóa, nhưng chưa tuân thủ mẫu hợp đồng quy định.

Những tranh cãi xung quanh đất đai và cổ phần của VFS đã kéo dài lâu nay. Trước đó, VFS được biết đến là một trong những hãng phim hàng đầu Việt Nam.

Thành lập năm 1953, VFS có bề dày truyền thống, là cái nôi của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nơi đây đã đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng, có hàng trăm tác phẩm điện ảnh kinh điển, có giá trị lịch sử và nghệ thuật được trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Các bộ phim ghi dấu ấn của VFS đã được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển có giá trị đến tận ngày nay như: Chung một dòng sông (1959), Vợ chồng A Phủ, Con chim vành khuyên (1961), Chị Tư Hậu (1963), Nổi gió (1966), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Đến hẹn lại lên - Em bé Hà Nội (1974), Sao Tháng Tám (1976), Mối tình đầu (1978), Mẹ vắng nhà (1979), Chị Dậu (1981), Làng Vũ Đại ngày ấy (1982), Bao giờ cho đến tháng Mười (1984), Cô gái trên sông (1987)...

Đây cũng là cái nôi của hàng loạt NSND như Trà Giang, Thế Anh, Minh Châu, Như Quỳnh, Lan Hương....

Không sản xuất được 1 bộ phim “ra hồn”

Quá khứ hoàng kim dần lùi xa, VFS ngày càng trở nên thất thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của một loạt các hãng phim tư nhân. Không cạnh tranh nổi với phim thị trường, VFS trở thành hãng phim chủ lực sản xuất các bộ phim đề tài chiến tranh theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Tuy nhiên, các bộ phim này khi ra rạp đều vắng người xem.

Phải nói lại rằng, đây đều là những bộ phim được đầu tư kinh phí khủng như: Giải phóng Sài Gòn (12,5 tỷ đồng), Hà Nội 12 ngày đêm (hơn 10 tỷ đồng), Sống cùng lịch sử (21 tỷ đồng)... Sau hơn mười ngày công chiếu ở Hà Nội và TP.HCM, bộ phim "Giải phóng Sài Gòn" đã thu hút trên 12.000 khán giả, thu về khoảng 170 triệu đồng. Trong khi đó, "Sống cùng lịch sử" ra rạp tháng 8.2014 nhưng không bán nổi vé khi chiếu thương mại ngoài rạp.

Những báo cáo tài chính minh bạch cho thấy VFS lỗ ròng nhiều năm nay (nửa đầu năm 2017 lỗ 4,7 tỷ đồng), chưa thanh toán tiền thuê đất 21 tỷ đồng. 

Nửa cuối tháng 9.2017, VFS trở thành đề tài bàn tán, tốn không ít giấy mực của báo chí. Nhưng họ không nói về những bộ phim mà là về lùm xùm giữa VFS và Tổng công ty Vận tải Thuỷ VIVASO xung quanh việc cổ phần hóa và khu đất vàng 5.000m2 của VFS tại số 4 Thụy Khê.

VIVASO trở thành cổ đông chiến lược, nắm 65% cổ phần với mức giá 34 tỷ đồng (tổng giá trị VFS được định khoảng 50 tỷ đồng). Giá trị thương hiệu của VFS chỉ được định giá 0 đồng. Công ty này chính thức hoàn tất quá trình mua lại VFS vào tháng 6.2017.

Từ một hãng phim hàng đầu Việt Nam, VFS giờ đây đọng lại trong công chúng chỉ là những ồn ào về đất đai, cổ phần. Và đã từ lâu lắm rồi, phim của VFS không còn trong ký ức của công chúng.

Theo Lao động